| Hotline: 0983.970.780

Về nơi Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương

Thứ Ba 17/01/2012 , 10:41 (GMT+7)

Khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi đã ra Phú Gia lập đại bản doanh, hạ chiếu Cần Vương kháng chiến chống Pháp.

Khi kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi đã ra Phú Gia lập đại bản doanh, hạ chiếu Cần Vương kháng chiến chống Pháp. Tại đây, nhà vua ban cho dân làng Phú Gia nhiều báuvật và đến nay người dân vẫn luôn nâng niu những báu vật đó.  

Lễ hội tưởng nhớ Đức vua Hàm Nghi và rước báu vật tổ chức ngày mùng 7 tháng giêng hằng năm

1. Sau khi Kinh thành Huế thất thủ, đêm 22 rạng 23 tháng 7 năm Ất Dậu (1885), vua Hàm Nghi cùng đại thần Tôn Thất Thuyết và các triều thần Nguyễn Văn Tường, Trần Bảo Ngọc bôn tẩu ra miền rừng Hương Khê - Hà Tĩnh, chọn cứ điểm núi Ấu, thuộc xã Phú Gia để xây thành đắp lũy, làm đại bản doanh kháng chiến. Khi biết nhà vua về đây, chí sỹ yêu nước Phan Đình Phùng và Cao Thắng đã tìm đến xin được tham gia đánh đuổi giặc Pháp.

Nhân dân trong vùng tạm gác công việc để đổ về xây hào đắp lũy, xây cứ địa Sơn Phòng cùng vua kháng chiến. Tại đây, nhà vua đã hạ chiếu Cần Vương chống Pháp và từ đó dấy lên phong trào đấu tranh chống Pháp trên diện rộng, trở thành một cao trào cách mạng. Trong thời gian này, quân đội viễn chinh Pháp vẫn ra sức lùng sục nhà vua.

Các bô lão kể rằng, vào đêm 20/9/1885, nhà vua nằm mơ thấy một nàng tiên nữ, chân đi hia đến báo mộng: "Quân bạch quỹ (quân Pháp) đang tìm đến nơi này, nhà vua mau mau liệu tính". Sáng dậy, vua cho triệu toàn bộ cận thần trong triều và các bô lão đến hỏi và được các bô lão thưa rằng, ngay cạnh thành Sơn Phòng có ngôi đền Đức Thánh mẫu Trầm Lâm (còn gọi là đền Trăm Năm), là ngôi đền linh thiêng nổi tiếng thờ Đức Thánh mẫu Trầm Lâm. Biết việc chẳng lành nên vua đành rút khỏi thành Sơn Phòng đi lánh nạn.

Trước lúc rời thành Sơn Phòng, nhà vua sai quận thần cùng các bô lão đến yết bái tại đền Đức Thánh mẫu và dâng lễ báo ơn nhiều báu vật quý giá để bày tỏ lòng biết ơn sự che chở của Đức Thánh mẫu và dân làng trong thời gian vua ở thành Sơn Phòng. Ba năm cầm đầu ngọn cờ của dân tộc đấu tranh chống Pháp, công cuộc chưa thành thì cuối năm 1888, vua Hàm Nghi bị tên tội thần phản chủ Trần Bảo Ngọc bắt về nộp cho Pháp.

Khi biết mình bị phản, nhà vua đưa thanh gươm cho tên phản bội, nói: "Mi thà giết ta đi còn hơn là đưa ta về nộp cho Tây". Khi lọt vào tay giặc Pháp, mặc dù chúng dùng nhiều thủ đoạn mua chuộc nhưng Hàm Nghi vẫn kiến quyết không hợp tác. Vì vậy, quân Pháp đành đày nhà vua sang Algieri và nhà vua sống đến hết cuộc đời ở đó.

Những báu vật còn lại thời vua Hàm Nghi

2. Vào một buổi chiều cuối năm, chúng tôi về xã Phú Gia và gặp cụ Lê Khắc Tùng, người vinh dự được giữ báu vật của nhà vua. Cụ Tùng kể: Từ khi nhà vua rời khỏi núi Ấu, Sơn Phòng, nhân dân trong vùng luôn xem rằng, vẫn còn đó một vị vua yêu nước hơn 126 năm về trước. Bởi những lời truyền và những việc làm của người luôn mang nặng tình cảm yêu nước thương dân, quyết không đội trời chung với bọn thực dân xâm lược. Vì thế, cứ đến ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch hàng năm, dân làng lại tổ chức các lễ hội văn hoá tưởng nhớ Hàm Nghi.

Ngày này, du khách thập phương lại kéo nhau về thành lũy Sơn Phòng và đền Trầm Lâm, đền Công Đồng để được chiêm ngưỡng những nét đẹp văn hóa như rước kiệu, rước báu vật cũng như các hoạt động văn hóa, múa hát sắc bùa, rước lọng, rước sắc phong, lễ chọn cố đạo mới… Tại nhà cố đạo cũ, báu vật được mở ra, tất cả bàn dân đều được chiêm ngưỡng. Sau đó, báu vật được rước về đền Cộng Đồng làm lễ, rồi qua cung điện Sơn Phòng, đền Trầm Lâm.

Cứ mỗi năm một lần làng lại tổ chức lễ chọn cố đạo mới để giữ báu vật. Trước lúc diễn ra lễ xin keo, làng phải chọn ra từ 3 đến 4 cụ còn song tuyền, tư cách phẩm chất đạo đức tốt, gia đình hòa thuận êm ấm, luôn gương mẫu trong cuộc sống, có kiến thức về thờ phụng để chọn làm tân cố đạo.

Vào lễ, tất cả các cụ mặc áo the, khăn đóng, gột bỏ hết bụi trần để vào lễ xin keo. Nếu trong trường hợp không có cụ nào xin được keo thì chính cố đạo cũ lại phải xin keo để tiếp tục giữ báu vật, nhưng thông thường thì lần nào cũng đều tìm được cố đạo mới.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Trần Sáng kể: “Từ khi vua ban báu vật đến nay, nét sinh hoạt văn hóa truyền thống nơi đây luôn được gìn giữ và phát huy. Khi được chọn làm cố đạo, gia đình cố đạo đó rất hãnh diện, họ xem như được phục vụ vua, vì thế kể từ khi giữ báu vật cho đến khi rời báu vật, cho dù thời gian một, hai năm, hay mười năm đi chăng nữa thì cố đạo đó nói riêng, và cả gia đình cố đạo nói chung đều phải “tu tại gia”, chỉ làm điều thiện, tuyệt nhiên không làm điều trái với đạo đức xã hội. Bản thân cố đạo phải kiêng kị tất cả, từ lời ăn tiếng nói đến mọi sinh hoạt; luôn giữ mình trong sạch, kiêng tiếp xúc với các thứ xú bẩn, kiêng rượu chè, kiêng cả giỗ chạp, ma chay…

Chúng tôi được Trưởng ban Văn hóa và Phó chủ tịch UBND xã Phú Gia dẫn đến thăm gia đình cố đạo Trần Kim Quỳ, người hiện đang giữ báu vật vua Hàm Nghi. Trong ngôi nhà đơn sơ nhưng gọn gàng, tươm tất, cụ Quỳ chọn nơi trang trọng nhất đặt bàn thờ Đức vua Hàm Nghi và thờ các báu vật. Biết có khách đến tìm hiểu về vua Hàm Nghi và các báu vật, cố đạo Quỳ mang áo the khăn đóng, đánh hai hồi trống rồi lên hương, thưa với đức vua được tiếp khách.

Cố đạo Quỳ kể: “Từ khi được dân làng, xã, huyện và đặc biệt là bề trên “ấn chỉ" cho gìn giữ các báu vật của đức vua, tôi cũng như gia đình mình luôn lấy làm hãnh diện vì mình đã được tín chọn làm người phục vụ vua. Vì thế trong gia đình, từ ông bà, cha mẹ đến con cái, cháu chắt luôn giữ gìn từng lời ăn tiếng nói đến việc làm và mọi sinh hoạt. Thường nhật, tôi luôn trông coi báu vật, hương khói lễ lạt chu đáo vào các buổi sáng, trưa, tối. Trên bàn thờ đức vua, nến, hương, đèn không bao giờ tắt".

Ông Lê Khắc Tính, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Gia nói: "Nguyện vọng của nhân dân Phú Gia là mong sao Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng hoàn tất khu di tích lịch sử của vua Hàm Nghi và đền Trầm Lâm, bởi đây là hai di tích lịch sử văn hóa gắn liền với vị vua yêu nước dưới chế độ nhà Nguyễn - một vị vua anh minh đã từ bỏ ngai vàng xuống cùng dân đánh giặc, hạ Chiếu Cần Vương dấy lên một phong trào cách mạng mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh đánh đuổi đế quốc thực dân, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh”.

 Còn các cố đạo trong làng thì mong muốn được đưa hài cốt của vua Hàm Nghi về thờ phụng tại cung điện Hàm Nghi ở núi Ấu Sơn Phòng - nơi cách đây hơn 1 thế kỷ nhà vua và nhân dân nếm mật nằm gai bên nhau cùng đánh giặc.

Để được tận mắt chứng kiến các báu vật còn lại của vua Hàm Nghi, chúng tôi xin phép UBND huyện Hương Khê, xã Phú Gia và các cố đạo cho được tiếp cận báu vật. Lời đề nghị của chúng tôi được chấp nhận, cả đoàn đứng nghiêm trang trước bàn thờ đức vua để cố đạo Quỳ vào lễ. Trước hương án vua Hàm Nghi, đạo chủ khấn vái, xin quẻ để mở hòm báu vật. Khi quẻ được chấp nhận, đạo chủ và ông Phó Chủ tịch UBND xã vào lấy báu vật.

Báu vật được cất kỹ trong mấy lớp hòm chìa khóa; UBND xã giữ một khoá, đạo chủ giữ một khoá nên chỉ khi cả đạo chủ và xã phối hợp với nhau thì mới mở được. Chúng tôi hồi hộp chờ đợi khá lâu khi đạo chủ xuất hiện; trên đầu trịnh trọng nghinh đội hòm báu vật; chân bước chậm rãi, nhẹ nhàng, rồi cẩn thận đặt hòm báu vật lên chiếc bàn trải vải son và lần lượt nâng niu các báu vật bày lên chiếc đĩa kiểng. Báu vật là chú nghê, tiếp đến là chú voi bằng đồng và hai chú voi bằng vàng cùng chùm lục lạc, hai thanh bảo kiếm, lược ngà…

Chúng tôi chỉ chụp vội mấy kiểu hình rồi để cố đạo cất báu vật về chỗ cũ, bởi có điều gì đó như nhắc nhở chúng tôi không được phép kéo dài thời gian, để các báu vật linh thiêng này được yên tĩnh như chúng đã yên tĩnh trong lòng người Phú Gia hơn 1 thế kỷ qua.

3. Trước lúc rời Phú Gia, chúng tôi đến thăm Di tích Lịch sử Văn hóa núi Ấu Sơn Phòng, thăm cung điện Đức vua Hàm Nghi vừa mới được xây dựng lại; thăm và dâng hương đền thờ Đức Thánh mẫu Trâm Lâm… Mặc dầu đã được công nhận Di tích Lịch sử cấp quốc gia và đang được Nhà nước đầu tư trùng tu, xây dựng lại nhưng cả hai quần thể di tích lịch sử này vẫn còn rất sơ sài.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm