| Hotline: 0983.970.780

Về quê người tạc voi bằng… hạt gạo

Thứ Năm 29/03/2012 , 14:37 (GMT+7)

Một người thợ nhà quê, không có chức vụ, danh phận, cũng không đỗ đạt gì, thế mà bỗng chốc được vua ban tước "Hầu"...

Một người thợ nhà quê, không có chức vụ, danh phận, cũng không đỗ đạt gì, thế mà bỗng chốc được vua ban tước đứng hàng thứ hai trong 5 tước, thì quả là kỳ lạ, có thể nói đó là hiện tượng “độc nhất vô nhị” trong lịch sử hai ngàn năm phong kiến Việt Nam.

Thời phong kiến có chức và có tước. Chức thể hiện vị trí của một người trong bộ máy cai trị, còn tước thể hiện đẳng cấp của một người trong xã hội. Có chức chưa hẳn đã có tước, nhiều vị quan làm đến thượng thư (như bộ trưởng bây giờ), hàm đến nhất nhị phẩm nhưng vẫn không có tước vị nào, bởi được nhà vua ban tước, tức là đã được liệt vào hàng quý tộc rồi. Tước có 5 bậc là Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. 

Chuyện về “Kỳ tài hầu” Tô Phú Vượng, không người dân nào ở xã Đồng Minh là không biết, không coi đó là niềm tự hào. Chuyện rằng nghe lời đồn về tài chạm khắc của anh thợ làng Tô Phú Vượng, vua Lê Hiển Tông (1717-1786, làm vua từ 1740-1786) đã triệu anh về kinh để làm chiếc ngai vàng cho mình. Làm xong, nổi hứng lên, Tô Phú Vượng bèn ngồi luôn lên ngai để… thử. Nhìn thấy thế, nội giám vội tri hô, Tô Phú Vượng lập tức bị bắt vì tội “khi quân phạm thượng”, bị kết tội tử hình và bị tống ngục chờ thi hành án.

Nằm dài trong ngục, Tô Phú Vượng tẩn mẩn lật mớ rơm dùng thay chiếu cho tử tù, tìm được 7 hạt thóc còn sót, ông bóc thóc ấy thành gạo và chỉ mấy ngày sau, đàn voi 7 con đã được ông tạc xong từ 7 hạt gạo đó. 7 con voi ở 7 tư thế khác nhau, con đứng, con nằm, con quỳ… tất cả đều vô cùng sinh động và tinh xảo. Nhìn 7 tác phẩm nghệ thuật đó, viên quản ngục vô cùng thán phục, vội tâu lên nhà vua, vua ra lệnh đem 7 con voi gạo đó lên ngự lãm, và cũng như viên quản ngục, nhà vua vô cùng thích thú, thán phục, ra lệnh tha cho Tô Phú Vượng, ban cho tước “Kỳ tài hầu” và cho về quê.

Từ thời Lý, Đồng Minh có tên là trang Linh Động còn ngày nay, xã Đồng Minh thuộc huyện Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng). Xã có 3 làng là Bảo Động, Hà Cầu và Mai An. Từ hơn năm trăm năm nay, Đồng Minh đã được người tứ xứ biết đến nhờ các nghề điêu khắc, tạc tượng và múa rối. Nhiều pho tượng nổi tiếng ở những chùa, đền nổi tiếng như chùa Mía, chùa Thầy… ở xứ Đoài, tương truyền đều do thợ Đồng Minh tạc.

Ngày nay, thợ Đồng Minh vẫn đi khắp thiên hạ để thi thố tay nghề tạc tượng và điêu khắc. Ngày giỗ tổ nghề thực sự là một ngày hội của cả 3 làng. Tổ nghề ba làng là cụ Nguyễn Công Huệ. Theo ngọc phả, thì cụ Huệ sinh vào cuối triều Trần. Diệt xong triều Hồ, cùng với việc bắt nhiều thầy thuốc, nho sỹ… giỏi của ta đem về nước, quân Minh bắt rất nhiều thanh niên trai tráng làm phu tải những đồ do chúng cướp được về Trung Quốc và sau đó tống luôn họ vào quan xưởng (những xưởng sản xuất của triều đình) để làm việc.

Nguyễn Công Huệ là một trong số những chàng trai phảI làm phu tải đồ đó. Chính trong thời gian làm việc tại quan xưởng triều Minh, cụ đã học được nghề điêu khắc, tạc tượng, rồi sau đó tìm cách thoát khỏi quan xưởng nhà Minh, trở về làng, truyền nghề cho dân. Từ thời thuộc Minh đến triều Lê Hiển Tông là quãng thời gian trên 3 thế kỷ, không biết bao nhiêu thế hệ học trò của cụ Huệ đã kế tiếp nhau giữ gìn và phát huy, nâng cao nghệ tổ truyền, mà Kỳ tài hầu Tô Phú Vượng chính là người đã nâng nghệ thuật tạc tượng, điêu khắc lên đến đỉnh cao nhất.  

Tượng Linh Lang đại vương được gắn bộ phận điều khiển bí mật nên có thể đứng (ảnh trên) hoặc ngồi (ảnh dưới)

Ngày nay, tượng tổ nghề Nguyễn Công Huệ được thờ ở gian phía trái tiền đường của miếu Bảo Hà. Đó là tượng một cụ già râu tóc bạc phơ, gương mặt phúc hậu. Về Đồng Minh mà không thăm miếu Bảo Hà thì chưa thấy hết cái tài hoa của nhiều thế hệ nghệ nhân tạc tượng, điêu khác và múa rối nới đây.

Bảo Hà là ngôi miếu chung của cả 3 làng Bảo Động, Hà Cầu và Mai An. Miếu còn có tên là Tam xã thượng đẳng từ, thờ thượng đẳng thần Linh Lang đại vương, được dân 3 làng tôn làm thành hoàng. Theo thần phả, thì ngài là con vua Lý Thánh Tông, tên húy là Hoằng Chân. Mẹ ngài là cung phi thứ 9 của vua Lý Thánh Tông, quê ở xã Bồng Lai huyện Đan Phượng trấn Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội). Hoàng tử Hoằng Chân sinh ngày 13 tháng chạp năm Giấp Thìn (1064) tại Thăng Long, lớn lên, hoàng tử trở thành người tài kiêm văn võ. Khi giặc Tống sang xâm lược nước ta, hoàng tử về trang Linh Động để luyện quân chống giặc. Khi ngài mất, dân trang Linh Động đã lập miếu thờ và tôn ngài làm thành hoàng. Các triều đại phong kiến về sau đều có sắc phong ngài là thượng đẳng thần.

Không biết có sự nhầm lẫn nào trong thần phả không, bởi vua Lý Thánh Tông hiếm hoi, chỉ có 2 người con trai là thái tử Càn Đức và hoàng tử Sùng Hiền hầu, đều là con của “cô gái tựa gốc dâu”, tức Nguyên phi Ỷ Lan. Khi nhà vua mất ở tuổi 49, thái tử Càn Đức mới 7 tuổi đã phải kế vị - tức là vua Lý Nhân Tông - dưới sự nhiếp chính của mẹ. Và cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống xảy ra năm 1060, trong khi theo thần phả thì năm 1064 hoàng tử Linh Lang mới sinh. Nhưng thôi, đúng sai là việc của các nhà sử học, người viết bài này chỉ ghi chép lại những gì đã trở thành niềm tin của người dân nơi đây.

Điều đáng bàn, cũng là điều kỳ diệu ở đây, chính là pho tượng Linh Lang đại vương thờ trong miếu. Đó là bức tượng một chàng trai trẻ, gương mặt toát lên vẻ thông minh, đĩnh ngộ, hai bên có hai người hầu. Bình thường, tượng ngồi trên ngai, tay cầm một bảng văn. Nhưng khi cánh cửa miếu vừa mở ra thì như có một phép màu, tượng bỗng từ từ đứng dậy, và khi cửa miếu khép lại thì tượng lại từ từ ngồi xuống, cả động tác đứng lẫn ngồi của tượng đều rất khoan thai, đĩnh đạc, khiến bất cứ ai vào cũng kinh ngạc và thán phục…

Sau nhiều lần quan sát, chúng tôi mới khám phá ra bí mật của pho tượng biết cử động này. Thì ra, đây chính là sự kết hợp tuyệt hảo giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối, hai sản phẩm của những người dân 3 làng Bảo Động, Hà Cầu và Mai An. Một “cỗ máy” bí mật được dấu ngay trong cánh cửa, và bộ phần điều khiển giống như bộ phận điều khiển con rối được nối từ đó với pho tượng. Khi cánh cửa mở ra khép vào, “cỗ máy” phát ra lực khiến bộ phận điều khiển chuyển động, làm pho tượng đứng lên hay ngồi xuống.

Theo các cụ trong ban quản lý di tích miếu Bảo Hà, thì miếu đã có 700 năm tuổi. Còn pho tượng Linh Lang đại vương thì không rõ được tạc thời nào. Nhưng nếu tượng là sản phẩm của những người thợ Đồng Minh, thì chắc chắn tuổi tượng ít hơn tuổi miếu, vì nghề tạc tượng, điêu khắc chỉ có ở đất này từ thế kỷ 15, khi người dân ở đây được tổ nghề Nguyễn Công Huệ truyền cho.

Năm 1991, Tam xã thượng đẳng từ, tức miếu Bảo Hà, đã được Bộ Văn hóa xếp hạng là di tích cấp quốc gia, và ngôi miếu cùng pho tượng Linh Lang đại vương độc nhất vô nhị này mãi mãi là niềm tự hào của nhân dân trong xã.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm