| Hotline: 0983.970.780

Về với hoang sơ...

Thứ Ba 09/02/2016 , 14:35 (GMT+7)

Tôi muốn gọi thế giới hoang sơ đó là một thứ giống như thứ “Vườn địa đàng” trong sách “Sáng Thế”.

Thuở hồng hoang, con người sống với nhau và sống với cỏ cây muông thú vô tư lự đến tận cùng. Vô tư đến mức cụ ông A-đam và cụ bà E-va vừa được đức Chúa Trời tạo ra, vẫn nồng nỗng không biết đến khái niệm áo quần hay lá nho che chỗ ấy chỗ nọ, nhưng họ cũng chẳng… thèm muốn nhau.

Thế rồi con rắn độc đã nói lời xúi dại độc địa hơn cả nọc chết chóc của nó, ông tổ và bà tổ chúng ta ở trần truồng bắt đầu sinh ra tham sân si kể từ khi ăn trái cấm.

Và hôm nay, trong rối bời sân si của phố thị, tôi và nhân loại tiến bộ phải bỏ rất nhiều tiền và đủ thứ nai lưng nỗ lực ra mới có thể về được với hoang sơ. Lần giở lại kinh “Sáng Thế”, hóa ra vườn địa đàng được mô tả ở mấy châu lục, trong đó có Vịnh Ba Tư và Châu Phi - Africa.

Tôi đến châu Phi nhiều lần, bằng những chuyến bay dài như cả phận buồn của kiếp người, 14 tiếng ngồi liên tục trên bầu trời thăm thẳm từ Hồng Kông, chưa kể các chuyến bay quá cảnh trước đó. Không tiếp nhiên liệu, chẳng dừng nghỉ, cũng chẳng thấy mây gió trăng hoa gì ngoài ô cửa. Con chim sắt khổng lồ cứ ù lì lao đi. Có lần bay sang Nam Phi rồi nhò sang tận đất Mozambique, đúng độ Tây Phi đang làm điên đảo thế giới với đại dịch Ebola, tôi đã luôn bị ám ảnh bởi cái chết thê thảm và cái thứ vô phương cứu chữa kia trong suốt 21 ngày.

Dọc ngang châu lục này, rồi đến với tận cùng cực Nam Mũi Hảo Vọng (Cape of Good Hope), lại buông mình bơi ra Mũi Bão Tố với huyền thoại ma quái bậc nhất của các đại dương - “Truyền thuyết người Hà Lan Bay”. Lạc vào đảo 3000 Chim Cánh Cụt. Khám phá đảo 6000 Hải Cẩu. Đi mê muội theo các vách đá ru hồn lữ thứ của Vịnh Hout. Muốn quỳ lạy thiên nhiên giữa dãy núi Mười Hai Vị Tông Đồ. Cứ đi và cứ ngẫm. Hóa ra mình đang đi theo tiếng gọi của tổ tiên loài người: Về lại với hoang sơ.

ojsb9m7e-xqlpt1cc7w0jtsc9lqg13ffw7hmcfgzqk100838775
Mũi hảo vọng (Cape of Good Hope) chụp từ trên cao

Khi ngoi lên bờ sau đận bơi vài sải tay đã có thể từ biển ấm Ấn Độ Dương sang biển lạnh Đại Tây Dương. Hai biển lớn gặp nhau ở Mũi Hảo Vọng, giữa các bờ đá nở sặc sỡ hoa cỏ, với đủ loại muông thú sum vầy như trong vườn địa đàng. Lúc ấy, lũ chúng tôi cũng nude (khỏa thân) như cụ A-đam và cụ E-va thuở trước. Và cái giá của hoang sơ từ đó nó ám ngấm vào mình một cách lạ lùng và ám ảnh nhất.

Châu Phi rất ít núi mà lại nóng nực với hoang mạc cát lớn nhất thế giới Sahara. Cỏ cây cũng mọc từng trảng, từng bụi, người ta gọi là địa hình, hệ sinh thái sa-van và rừng thưa. Nó trở thành vựa thức ăn tuyệt vời cho các loài động vật ăn cỏ (trâu rừng, tê giác, sơn dương, ngựa vằn, voi, hươu cao cổ…) và ăn thịt (sư tử, báo gấm…).

Chỗ cao nhất chỉ vài trăm mét so với mực nước biển, các bình nguyên, các bồn địa thấp. Mùa khô, có khi rừng xác xơ vài trảng cỏ cháy, gió về, có tõe ra như lông thú nâu mượt khi đứng trước cái quạt điện khổng lồ. Thành thử, chỉ còn ít gai nhọn hoắt cứng quèo là chưa bị lũ voi, tê giác, rồi cả anh chị hươu cao cổ vươn tới mọi cành tán… xơi tái.

Rừng xơ tán thấp, thế nên, các bầy muông thú cứ phơi mình ra trước bàn dân thiên hạ. Đó cũng là lý do mà muông thú châu Phi dù sum vầy, giàu có nhất thế giới, được bảo vệ cũng rất bài bản với trực thăng trực chiến và súng máy cùng lực lượng vũ trang đông đảo, nhưng chúng vẫn bị săn bắn cũng dã man nhất. “Động vật quý hiếm”, giá “chợ đen” đắt đỏ thế, mà lại cứ “bánh đúc bày sàng” với lơ thơ cỏ cháy trong hệ sinh thái sa-van và rừng thưa thế kia. Có khác gì “lạy ông tôi ở bụi này”.

c545umcwxbt1hjtdyqyz-dkse34kilh5lu5ibjww100838426
Lối vào bãi biển Boulders, thuộc Công viên Quốc gia Núi Bàn, nơi sinh sống của hàng nghìn cá thể chi cánh cụt

Bất chấp sự khốn nạn của con người gian tham, cái thiên đường đông đúc sum vầy của thiên nhiên hoang dã kia vẫn phồn thịnh bất ngờ. Bất ngờ đến sửng sốt. Mẹ thiên nhiên bao dung, sự đểu cáng của những kẻ tàn sát hoang thú chỉ như xú uế thả xuống mênh mang đại dương, lớp lớp sóng xô vùi lấp hết đớn hèn, vô sỉ.

Tôi từng nghĩ, cả một gầm trời toàn rừng và muông thú nhởn nhơ kia, nó có thể cải tạo, thu phục, làm thay đổi nhân sinh quan thế giới quan của bạn một cách nhiệm màu nhất. Lạc vào đó, bạn như kẻ mê muội được thứ ánh sáng thánh thần trong vắt nào đó gột rửa khỏi mọi ti tiện, ganh ghét, tị hiềm, hiếp đáp.

Đón chúng tôi ở sân bay là Eveline, cô gái da trắng, mắt xanh, dáng thon gọn như một con báo cái. Tổ tiên Eveline từ vùng đất thấp Hà Lan của Âu châu, theo gót giày thực dân đến Nam Phi từ thế kỷ 16, trên những thương thuyền vượt biển hiện đại nhất mà loài người có được khi đó. Lái chiếc Ford Ranger bốn bề vẽ xanh đỏ 4 con tê giác, trên mũi xe cũng nhọn hoắt một cái sừng tê và dòng chữ giăng ngang “every days is rhino days” (mọi ngày đều là ngày của - bảo vệ - tê giác).

Mời khách xa ăn nhẹ sau chuyến bay ê ẩm và cuồng cẳng nhất, Eveline trả người bồi bàn một xấp tiền Nam Phi, tôi để ý thấy đồng nào cũng vẽ hoặc in hình một con vật nào đó. Niềm tự hào về đàn muông thú ở người nơi này lên đến tột đỉnh ở chi tiết này, tôi nghĩ thế. Đấy là chưa kể, đi trên đường, nhấp nhổm hai bên là những người da đen kịt bán những dãy dài điệp trùng toàn thú đẽo bằng gỗ. Voi, tê giác, trâu rừng, sư tử, hà mã (5 con vật khổng lồ) của châu Phi cứ lừng lững, chen vai thích cánh khắp mọi ngả đường.

Rừng Krugre của Nam Phi rộng khoảng 20.000 km2 với hệ thống bờ rào quây tròn dài nhất thế giới. Từ năm 1897, nó đã được thành lập! Nó gấp 100 lần Vườn quốc gia Cúc Phương của Việt Nam về mặt diện tích. Nhưng số lượng thú rừng sum vầy như vườn địa đàng thuở hồng hoang thì nhiều gấp hàng nghìn lần.

Rừng mang tên vị cố Tổng thống Nam Phi - Krugre. Trong rừng, những anh bạn khổng lồ và ương bướng nhất vẫn là voi. Voi châu Phi to hơn, đặc biệt cái tai mỏng và rộng hơn voi châu Á rất nhiều. Voi đi thành từng bầy vài chục con, chúng trĩu trịt kéo lê vòi và lướt thướt, xiên xiên, chấp chới cặp ngà trắng muốt cong vút dài như bộ song kiếm mà… sang đường.

Đi là đi, có khi cả chục siêu xe Audi rồi BMV với đại gia đến từ khắp các châu lục cứ phải kiên nhẫn xếp hàng nhường đường. Tránh voi chả xấu mặt nào. Voi trưởng thành ít nổi giận, voi con thì hiếu chiến hơn. Có khi thấy tôi chụp ảnh với ống tele dài, có lẽ nó tưởng sắp bắn đại bác (?), đàn voi con đứng xếp hàng nghênh chiến, các cặp ngà tuổi phát dục ngắn tũn cứ quây xung quanh các voi bố mẹ để “xây lưng huyết chiến”.

Có khi, chiều về, đàn voi cả trăm con đủng đỉnh bẻ lá cây lau lách ven mép nước, chúng đi ào ào, đến đâu thì rẽ rừng già ra mà mở thành một con đường mới. Đằm nước xong, trong chiều chạng vạng, đàn “tượng binh” con xếp hàng làm theo voi bố mẹ. Voi mẹ phun nước, nướng loáng đỏ trong hoàng hôn, đàn con đồng loạt như các nghệ sỹ giơ kèn đồng lên… phun nước. Có vẻ như bọn chúng đang tổng duyệt một vở hài kịch, tất cả đều tăm tắp giống như trước giờ công diễn.

Bên cạnh là các chị hươu cao cổ. Cánh này hiền như cô Tấm, không hài hước, chẳng tinh nghịch. Đôi mắt thì biết nói biết hát, lúc nào cũng ngơ ngác mơ màng, lông mi cong vút. Sóng mắt ấy, đến con người còn chết đuối, nữa là các chú hươu cao đổ đực. Có khi vào một hẻm dốc cong xơ xác cây cao độ bảy tám mét, chúng tôi lặng người xúc động, khi thấy các cỗ “cần cẩu” chân dài miên man đứng im lìm như phục kích.

Từng đôi hươu cao cổ hôn nhau. Chúng đan cổ vào nhau như hai cặp quẩy xoắn quấn quýt. Bị quấy rầy giữa lúc hoan hỉ lãng mạn nhất, các chị chàng cũng chả nói gì. Đôi mắt đẹp chết người chớp chớp hàng mi cong vút, chẳng ra buồn, chẳng ra vui. Chúng gỡ các phom cổ dài đang xoắn xít ra. Rồi đủng đỉnh lấy đà, khật khưỡng chạy khỏi nơi hoan lạc mới bị phát giác. Chúng cứ thẳng đuột cặp chân dài rồi nhảy nhịp nhàng băng qua các trảng cây bụi.

Rừng châu Phi, không có con gì cao hơn hươu cao cổ. Người châu Phi bảo, nếu cổ không dài thế, mà lại hiền lành chậm chạp thế, thì chẳng bao giờ hươu ta có được một cọng lá cây mà ăn. Các loài khác sẽ chén sạch, kể cả gai nhọn dài hơn chục xăng ti mét và cứng như sắt. Trong rừng, trâu nước, voi, tê giác, nai, ngựa vằn đều dành phần cho hươu cao cổ các tán cây cao theo lối “nho còn xanh lắm”. Đúng là trời, chúa Trời đã sinh ra cái gì, đều có lý riêng của Người.

Có những chiều muộn, lang thang trong rừng cùng anh bạn Andrew đeo súng lớn với những bao đạn vàng chóe cuốn như vòng nguyện quế ngang vai, chúng tôi đã đứng tim vì xúc động. Trời lại sậm chiều một lần nữa. Nắng quái làm các dải đất vàng ươm. Và bên một hồ nước hiếm hoi, 3 con báo đẹp lộng lẫy ngồi ngắm hoàng hôn như thể “trời của ta đất của ta”.

Chao ôi, lần đầu tiên trong đời tôi hiểu được cái câu đàn ông phong tình khen phụ nữ “thon gọn, uyển chuyển như một con báo gấm (cái)”. Các nàng (chắc cả các chàng) báo gợi cảm ngồi đó. Nàng nào cũng mông nở, eo thon, lưng thẳng đuột, gương mặt tự tin kiểu “những người thắt đáy lưng ong/ đã khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”.

Tôi có cảm giác, nhóm báo hoa này là những người trầm mặc và lãng mạn, chứ không phải vài phút sau các nàng uyển chuyển bước xuống sát mép nước và liếm láp nước hồ xanh trong thế kia, để cái lưỡi êm ái của nàng tỏa ra toàn máu tươi sau bữa chiều giết chóc...

Nàng bước ra, hươu nai gặp báo thì bỏ chạy tán loạn. Cả một rông núi vàng rực toàn hươu, nai. Riêng bọn tê giác thì, trước mặt chúng tôi, chúng đang nghịch đất bên vở suối cạn. Chúng dậm chân, bới đất tung tóe, như muốn đào hang hốc. Trên lưng chúng, từng đàn chim mỏ đỏ lại có hình dáng như sáo sậu cứ mải mê bắt bọ rận và đánh chén ngon lành. Nhiều thợ săn cứ nhòm lên trời, với theo đàn chim “chỉ điểm” này để tìm hang ổ tê giác là vì thế.

Nhưng đừng đùa, có lần chúng tôi tưởng tim mình bay ra khỏi lồng ngực, khi tê giác nổi giận. Sừng nó to như cái phích, nhọn như báu kiếm, nó đứng thủ thế, các khối thịt rung lên, lớp da dày chia thành từng ô từng khoảnh, thăn thớ; từng góc gấp kiểu chiến bào của tráng binh trung cổ. Tê giác nghênh chiến, nó lao như mũi tên. To tới 5 tấn vậy, nặng vậy, da dày 5cm và kết cấu dạng lưới sắt vậy, nhưng tê giác có thể phi và giết kẻ thù với tốc độ 60 km/h.

orph5xdu6m37xnowim3vheixuozcjluzdtb3vtwqy100838892
Một chú tê giác Châu Phi trưởng thành

Có buổi chiều, ngồi xe cao lêu đêu, chúng tôi vượt suối cạn, đến safari “lãnh địa” của “hoàng tử chết”: Nơi có 40 con sư tử đực. Nắng vẫn vàng như mật ong, cây bụi, đất đỏ, trực thăng dừng lại hay cất cánh thì bụi bốc cao hình nấm như bom nguyên tử với các đám đất bột, lá cây mục mù trời. Tuy nhiên, riêng cõi của sư tử tĩnh lặng và thanh sạch với cỏ mượt trước một rông núi lớn.

Ông chủ safari (như một vườn thú tư nhân) bảo, nơi này, cả trăm năm trước, giới quý tộc khắp thế giới đã quy tụ về với các tua (tour) ngắm thú từ xe hơi. Các bức ảnh cổ còn nguyên, các quý bà nhởn nhơ đuổi hươu nai năm ấy giờ đã thành thiên cổ tự lâu rồi. Một thiên đường có thật trên mặt đất.

Đàn sư tử con nào con đó bờm dựng đứng, trùm xòa kín gương mặt. Trông vừa hài hước, thơ ngây; vừa cáu kỉnh đầy âm mưu. Gã da trắng mặc quần, đội mũ chào mào, lái xe. Gã da đen ngồi ở cái ghế bành trước mũi xe, trước cả cái biển số dũi vào gai rừng mà tiến.

Họ bảo: hôm nay họ đang buồn, vì thêm một con sư tử cái cắp 4 đứa con của mình vào trong dãy núi và không trở về. Có thể chúng nó đã chết. Có thể nó linh cảm không an toàn nên nó tạm thời di tản. Có con, nó di tản đàn con sau 3 năm mới trở về, khi các con đứa nào cũng vạm vỡ như Lion King (vua sư tử). Đàn sư tử liếm mép đuổi hươu nai. Chúng ù lì, cáu kỉnh, có khi hứng chí lao vào xe chúng tôi đe dọa. Lũ sư tử con lũn cũn đi theo mẹ, ngộ nghĩnh như mèo con.

n9vvsztfkmo2cedmr00tswekcumjei4i99q-eyhtii100920701
Sư tử chưa phải là con vật nguy hiểm nhất, giết nhiều người nhất trái đất

Lại nói về sự dịu dàng và sự dữ dằn của thiên nhiên hoang dã. Con vật giết nhiều người nhất, nguy hiểm nhất trái đất, không phải là hổ ăn thịt người hay rắn phun nọc độc tử thần. Mà nó là hà mã, trông rất chậm chạp “hiền lành”. Bên mép nước, hà mã ướt sũng sĩnh nhò gương mặt không thể xấu xí hơn lên.

Nó truồi vào bờ, lao như quả bom béo mũm màu tía qua các bụi rậm, đi đâu nó cũng chìa chịn cáu kỉnh. Tán rừng khô đổ rào rào, cây mục và gai ngọn dính lám nhám trên da nó. Loài mãnh thú hàng năm giết nhiều người của địa cầu nhất này chả sợ con vật nào khác.

Lúc giành “con cái con đực”, chúng có thể giết nhau với hàm răng có sức mạnh thiên binh vạn mã. Chú hà mã hôm nay bị thương nặng vì cuộc chiến dưới mặt hồ. Lúc khỏe, hà mã có thể dùng tấm thân hộ pháp của mình dũi dưới bùn nước, đầm lầy để tạo thành các mê cung dẫn nước cùng các loài thủy sinh để đánh chén và sinh tồn...

Và đêm về, tiệc núi lại mở, voi lại về hàng đàn, chúng chống cặp ngà dài như đội tượng binh bảo vệ các ông bà chủ đang biến mình thành một phần tử tế của đất trời hoang sơ. Andrew, rồi Eveline, những người bạn nhiều năm gắn bó của tôi đã từ bỏ cuộc sống vương giả ở Petoria, Johannesburg hoa lệ để vào rừng dựng lều, đi bộ, xách súng, nghiên cứu từ phân tê giác đến cách cắp con vào bìa núi lẩn trốn của sư tử. Họ bảo, thiên nhiên hoang sơ đã cứu rỗi họ.

Tưới tắm, gột rửa và hun đúc họ có được niềm vui trần thế vô giá hôm nay. Nhiều giá trị nhân văn nhất, các cảm xúc lành lẽ nhất sẽ từ bỏ chúng ta, chừng nào cái hoang sơ của cỏ cây muông thú không còn ở bên, đánh thức và gột rửa cho chúng ta nữa. Khi thiên nhiên từ bỏ chúng ta, thì Chúa với Phật cũng từ bỏ loài người, niềm tin và hạnh phúc đích thực sẽ từ bỏ chúng ta.

Những người bạn ở nơi tận cùng hoang dã với 2 triệu héc-ta kia đã nói vậy, họ làm tôi mất ngủ suốt nhiều đêm, nhất là khi về đến Hà Nội, với khói bụi, tắc đường và cuộc sống đô thị luộm thuộm đến xót xa. Nhiều khi, vẻ như người ta cũng không thấy tiếc nuối cuộc sống trong lành thuần khiết vốn có của đất trời nữa. Bi kịch tâm hồn này còn đáng sợ hơn sự trọc lốc, tàn lụi và bụi bẩn của không gian vỏ trái đất mà họ đang sống!

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm