Tuy nhiên, cái chết của sinh viên người Mỹ Otto Warmbier mới đây có thể sẽ khiến nhiều du khách phải suy nghĩ kỹ hơn trước khi đặt chân tới đất nước bí mật nhất thế giới này.
Trên các diễn đàn du lịch trực tuyến, quan điểm về Triều Tiên là một trong những chủ đề gây tranh cãi gay gắt. Trong khi một số ý kiến cho rằng Triều Tiên là quốc gia đáng để trải nghiệm, một số ý kiến khác lại chỉ trích việc đi du lịch tới Triều Tiên.
Các bình luận phản đối chủ yếu nhắc tới khía cạnh an toàn, từ đó kêu gọi tẩy chay các chuyến du lịch tới Triều Tiên. Mặc dù vậy, một số người lại bị hấp dẫn bởi bản chất "kỳ lạ" của Triều Tiên và tin rằng việc tuân thủ chặt chẽ các quy định của chính quyền sở tại sẽ giữ an toàn cho các du khách.
“Một đất nước huyền diệu”
Sinh viên Mỹ Otto Warmbier (ngoài cùng bên phải) khi tới thăm Triều Tiên (Ảnh: BBC) |
Khi tổ chức chương trình du lịch, các công ty lữ hành thường chạy những dòng quảng cáo hấp dẫn, mô tả Triều Tiên như "một đất nước bí ẩn và huyền diệu", "một trong những nơi chưa khám phá cuối cùng trên thế giới" hoặc "một trải nghiệm siêu thực và ấn tượng suốt đời".
Mặc dù nhận thức được mối quan ngại về những rủi ro có thể xảy ra, song hầu hết các công ty này đều nhấn mạnh với khách hàng rằng Triều Tiên là một nơi an toàn để đến thăm.
Tuy nhiên, sau cái chết của sinh viên Otto Warmbier, người bị Triều Tiên trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê sau 17 tháng giam giữ, hầu hết các công ty lữ hành mà BBC liên hệ đều đáp lại một cách dè dặt. Họ không cung cấp thông tin gì khác ngoài những tuyên bố trước đó với giới truyền thông.
Trước đó, Otto Warmbier đã đặt tour du lịch Triều Tiên với Young Pioneers, một công ty có trụ sở tại Bắc Kinh do một công dân Anh là Gareth Johnson thành lập từ năm 2008.
Trong cuộc phỏng vấn với trang tin NKnews, công ty này cho biết họ vẫn tin rằng Triều Tiên là nơi an toàn nếu khách du lịch chuẩn bị đầy đủ. Young Pioneers cũng chỉ ra rằng Warmbier là trường hợp duy nhất bị bắt tại Triều Tiên trong 10 năm qua, và công ty đã đưa hơn 8.000 khách du lịch đến đất nước này mà không gặp vấn đề gì.
Ông Andre Wittig thuộc Công ty Du lịch Bình Nhưỡng có trụ sở tại Berlin, Đức cũng đồng tình rằng Triều Tiên là một quốc gia an toàn để khám phá. Trong khi nhấn mạnh rằng cái chết của sinh viên Warmbier là một bi kịch khủng khiếp không được phép lặp lại, ông Wittig không cho rằng đây là nguyên nhân khiến du khách nản chí nếu muốn tới Triều Tiên.
“Tôi sẽ không quay lại trong hoàn cảnh này”
Công dân Mỹ Megan Lacina chụp ảnh tại Triều Tiên (Ảnh: BBC) |
Megan Lacina, 28 tuổi, đến từ Los Angeles, Mỹ vừa tham gia một sự kiện chạy marathon ở Bình Nhưỡng hồi tháng 4. Trong cuộc phỏng vấn với BBC, cô cho biết sẽ không đưa ra quyết định tương tự như vậy trong tương lai.
“Trước khi tới Triều Tiên, tôi đã hỏi các bạn của mình rằng: "Nếu mình bị bắt giam, các cậu sẽ dành cả đời để giúp mình tự do chứ?". Đó chỉ là một câu nói đùa, nhưng sau đó anh sẽ nghe được nhiều câu chuyện tương tự như vậy. Tôi từng lo lắng về việc mình sẽ được đối xử như thế nào khi là một công dân Mỹ tới Triều Tiên. Tuy nhiên, họ (Triều Tiên) sẽ chỉ rõ cho bạn biết những gì bạn được phép và không được phép làm”, Lacina cho biết.
“Mọi người đều rất tử tế. Những người dân mà chúng tôi gặp thường rụt rè và kín đáo, nhưng khá thân thiện. Tôi nhớ đã từng nghe nói về tầng duy nhất dành cho nhân viên trong một khách sạn - nơi Otto Warmbier đã lấy trộm áp phích và bị bắt giam sau đó. Trong suốt cuộc đua marathon đó, có khoảng 50.000 người trên sân vận động. Tôi nghe nói mọi người được dặn dò không ra ngoài”, Lacina nói thêm.
Theo chia sẻ của Lacina, cô từng nghe nhiều lời khuyên khác nhau về việc có nên tới Triều Tiên hay không. Tuy nhiên, Lacina vẫn muốn có một góc nhìn toàn diện hơn về đất nước và con người Triều Tiên.
“Khoảng thời gian yêu thích nhất của tôi (ở Triều Tiên) là khi diễn ra cuộc chạy marathon. Khi đó, chúng tôi có thể giao tiếp với mọi người, họ vẫy tay và cổ vũ nhiệt liệt mỗi khi chúng tôi chạy qua”, Lacina nhớ lại.
“Tôi rất vui vì mình đã đến đó và trải nghiệm, nhưng nếu chuyến đi diễn ra vào tuần tới thì tôi không thể hình dung ra viễn cảnh sẽ như thế nào, sau những gì đã xảy đến với Otto Warmbier”, Lacina nói với BBC.
Du khách Mỹ sẽ dè chừng?
Người dân Triều Tiên nhảy múa tại Bình Nhưỡng (Ảnh: Reuters) |
Mặc dù lượng du khách rất khó thống kê và số liệu thường không được kiểm chứng, nhưng ước tính khoảng 100.000 người nước ngoài đã tới Triều Tiên trong năm 2016. Phần lớn trong số đó là người Trung Quốc, trong khi lượng du khách không phải là người Trung Quốc ước tính khoảng từ 8.000 - 10.000 người/năm.
Công ty Young Pioneers đã ra thông báo sẽ không tổ chức tour du lịch cho công dân Mỹ đến Triều Tiên nữa. Trong khi đó, các công ty lữ hành khác, vốn đang cung cấp dịch vụ du lịch tới Triều Tiên, cũng đưa ra những thông báo tương tự. Họ cho biết sẽ xem xét việc liệu có tiếp tục nhận đặt chuyến từ khách hàng là công dân Mỹ hay không.
Nhìn chung, công dân Mỹ vẫn có thể du lịch đến Triều Tiên một cách hợp pháp, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo công dân nước này không nên đến thăm Triều Tiên và sẽ tính đến biện pháp ngăn chặn nếu họ có ý định làm vậy.
"Chúng tôi đã cân nhắc nghiêm túc việc liệu có nên hạn chế một số loại visa du lịch vào Triều Tiên hay không", Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết.
Cái chết của sinh viên Warmbier xảy ra đúng vào thời điểm căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ đang dâng cao liên quan tới chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của Bình Nhưỡng.
Diễn biến ngày càng phức tạp trên bán đảo Triều Tiên đã làm dấy lên nỗi lo ngại rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ tự ý bắt giữ du khách nước ngoài để làm quân bài thương lượng trong các vụ căng thẳng ngoại giao. Với kịch bản này, công dân Mỹ có nguy cơ là mục tiêu hàng đầu.
Hiện tại, vẫn còn 3 công dân Mỹ đang bị giam giữ tại Triều Tiên, trong đó có một doanh nhân và 2 giảng viên từng công tác tại một trường đại học ở thủ đô Bình Nhưỡng.