| Hotline: 0983.970.780

Vì sao Gia Lai để xảy ra tình trạng phá rừng trên diện rộng?

Thứ Ba 03/09/2019 , 16:27 (GMT+7)

Rất nhiều vụ phá rừng quy mô lớn tại các huyện Kông Chro, Krông Pa, Ia Pa đang là hồi chuông báo động để cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai vào cuộc xử lý.

Rừng Krông Pa bị tàn phá nghiêm trọng.

Liên tiếp phá rừng tại các điểm “nóng”

Ngay sao khi Báo NNVN có loạt bài phản ánh về “điểm nóng” rừng Krông Pa bị tàn sát, UBND huyện Krông Pa đã chỉ đạo đoàn liên ngành gồm Công an, Hạt Kiểm lâm, Viện KSND, Ban quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba đi kiểm tra và phát hiện ở 2 tiểu khu 1410 và 1417 có 49 cây gỗ bị đốn hạ.

Các cây gỗ bị đốn hạ có dấu vết còn mới, nhận định thời điểm lâm tặc chặt phá diễn ra trong khoảng tháng 8/2019. Trong quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng đã xác định được hai đối tượng khai thác gỗ trái phép là Ksor Thìn (xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) và Ksor Kha (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa).

Sau quá trình truy quét, lực lượng chức năng đã bắt giữ 1 ô tô và 12 xe máy độ chế vận chuyển gỗ trái phép.  Khi bị phát hiện, lâm tặc đã chạy trốn. Tổng số gỗ bị khai thác trái phép là 12,732 m3.

Lực lượng chức năng liên tiếp bắt được các vụ khai thác gỗ quy mô lớn.

Mới đây, Công an huyện Kông Chro tiến hành kiểm tra, phát hiện tại khu vực lán trại thuộc lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa quản lý (thuộc địa giới hành chính xã Pờ Tó, huyện Kông Chro) có 1 xe độ chế chở 32 lóng, hộp gỗ cà chít, gáo, bằng lăng với khối lượng 2,648 m3. Khi kiểm tra, trong lán trại có 2 đối tượng tên Chúc và Bùi Văn Phú.

Cũng tại đây, lực lượng chức năng mở rộng điều tra và phát hiện dưới gầm lán trại và cách đó 50m có 155 lóng, hộp gỗ đang được chất đống với tổng khối lượng 20,316 m3. Trong khi đó, tại lô 9, khoảnh 7, tiểu khu 778, lâm phần Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Ia Pa (thuộc địa giới hành chính xã Chơ Long, huyện Kông Chro), lực lượng chức năng phát hiện 86 cây gỗ bị cưa hạ trái phép (cẩm lai, lim xẹt, gáo vàn...) với khối lượng gỗ thiệt hại là 12,779 m3.

Cũng tại khu vực này, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai sau đó đi kiểm tra và phát hiện 115 cây gỗ bị cưa hạ trái phép với khối lượng gỗ thiệt hại là 12,884 m3. Sau đó, đoàn liên ngành tiếp tục phát hiện thêm 8 cây gỗ gồm cà chít, gõ, sến mủ, căm xe bị cưa hạ trái phép tại lô 1 và lô 3, khoảnh 2, tiểu khu 1146 thuộc lâm phần do Ban Quản lý Rừng phòng hộ Ayun Pa quản lý. Tổng khối lượng gỗ thiệt hại là 0,638 m3 và 0,06 ster củi.

Mỗi năm chi hàng trăm tỷ đồng nhưng rừng vẫn mất

Theo báo cáo của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai, hàng năm tỉnh chi hơn 100 tỷ đồng cho dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này được đưa xuống cho các chủ rừng, chính quyền địa phương, từ đó giao khoán lại cho người dân để chăm sóc, bảo vệ rừng.

Theo đó, tiền nhận khoán bảo vệ rừng tuỳ khu vực sẽ được chi trả từ 120.000 đồng đến 400.000 đồng/ha/năm. Trong đó, mỗi hộ gia đình nhận khoán bảo vệ rừng tối đa 30ha.

Rừng giáp ranh huyện Kông Chro và Ia Pa đang trở thành điểm nóng về khai thác gỗ trái phép.

Mặc dù tiền dịch vụ môi trường rừng được cung cấp đều đặn hàng năm nhưng tình trạng phá rừng vẫn liên tục xảy ra.

Ông Ksor Run, Chủ tịch UBND xã Ia Rmok, huyện Krông Pa cho biết mỗi năm xã được giao hơn 300 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng để chi trả cho các nhóm hộ thực hiện công tác bảo vệ rừng. Tuần nào các nhóm hộ cũng phối hợp với chính quyền địa phương, kiểm lâm đi kiểm tra vào khu vực rừng được giao nhưng đều không phát hiện tình trạng khai thác gỗ trái phép. 

Trong khi đó, ông Siu Sứ, Chủ tịch UBND xã Ia Tul, huyện Ia Pa cho biết mỗi năm xã nhận gần 2 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Số tiền này được xã phân bổ đều cho 6 cộng đồng thôn chung tay tuyên truyền, quản lý bảo vệ rừng. Tuy nhiên, hoạt động này không hiệu quả, rừng vẫn bị mất.  

Đề cập vấn đề này, ông Trương Văn Nam, Trưởng phòng Quản lý bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm lâm Gia Lai cho biết, việc giao khoán bảo vệ rừng cho người dân đang gặp nhiều bất cập. Cụ thể, người dân nhận tiền giao khoán bảo vệ rừng, nhưng khi rừng bị mất thì lại không có một chế tài nào cả. Ngoài ra, tiền nhận khoán bảo vệ rừng quá ít khiến người dân không mặn mà.

“Người dân được nhận trung bình 400.000 đồng/ha và khoán tối đa 30 ha thì mỗi năm cũng chỉ thu nhập 12 triệu đồng. Tiền ít, diện tích quản lý rừng lại rộng lớn khiến người dân không chú tâm vào công việc được giao”, ông Nam cho biết.

Ở một khía cạnh khác, tiền sử dụng dịch vụ môi trường rừng tại một số địa phương có nhiều dấu hiệu sai phạm. Điển hình tại xã Ia Tul, trong 2 năm 2016, 2017 chi trả tiền cho 6 cộng đồng nhận khoán bị thiếu 919 triệu đồng, năm 2018 chi thiếu hơn 1 tỷ đồng.

Mới đây, Thanh tra huyện Chư Pah đã phát hiện UBND xã Hà Tây để mất 850 ha rừng. Điều đáng nói, việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại đây rất tùy tiện, lập khống chứng từ để thanh toán tiền hội nghị, tuyên truyền, hợp thức hóa chứng từ số tiền hơn 271 triệu đồng.

Bên cạnh đó, UBND xã Hà Tây còn tự ý trích lại phần trăm kinh phí của 3 làng và 2 nhóm hộ được hưởng tiền nhận khoán bảo vệ rừng với số tiền sai quy định là hơn 624 triệu đồng.

Ông Võ Văn Hạnh, Giám đốc Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Gia Lai, cho biết, hàng năm đơn vị có trách nhiệm chi đủ số tiền trên diện tích các đơn vị chủ rừng quản lý. Còn việc bảo vệ rừng là trách nhiệm của Sở NN-PTNT.

“Hàng năm chúng tôi có phối hợp kiểm tra, giám sát nhưng chủ yếu là về việc sử dụng tiền đúng mục đích hay không, đối chiếu diện tích chi trả và diện tích thực tế”, ông Hạnh thông tin.

Xem thêm
Tổng cục Thuế chỉ đạo tinh gọn và siết chặt kỷ luật ngành

Tổng cục Thuế chỉ đạo toàn ngành tinh gọn bộ máy, siết chặt kỷ luật, đảm bảo hiệu quả công tác và hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.

Gượng dậy sau bão Yagi: Nơi bảo tồn nguồn gen 15 loài cá biển quý hiếm

Anh Phạm Văn Thìn - Trưởng phòng Nuôi giữ và Bảo tồn nguồn gen của Trung tâm Quốc gia Giống hải sản miền Bắc lái cano chở tôi ra khu Tai Kéo vịnh Lan Hạ.

Khát khao khôi phục vùng cam sành Tân Lĩnh

YÊN BÁI Tân Lĩnh nức tiếng một thời với những mùa cam sành sai trĩu bội thu, giờ chỉ là hoài niệm, người dân nơi đây khao khát khôi phục vùng cam đặc sản này.