| Hotline: 0983.970.780

Vì sao Mỹ không còn mặn mà với NATO?

Chủ Nhật 15/12/2019 , 07:05 (GMT+7)

Sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chứng kiến sự chia rẽ của Mỹ và các thành viên còn lại.

08-54-33_rtx7bpj4
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị NATO vừa diễn ra.

Điều dễ thấy nhất là Mỹ tỏ ra không mặn mà gì với NATO. Theo một chuyên gia hàng đầu, đơn gian là đối với dân Mỹ, phải đóng thuế để chi tiêu cho việc bảo vệ các quốc gia khác có năng lực tự bảo vệ là điều vô nghĩa.

Các lợi ích chung sẽ quyết định mức độ hợp tác quân sự. Tuy nhiên, NATO ngày nay không còn phục vụ các lợi ích của Mỹ nữa, theo nhận định của tác giảDoug Bandow, từng là cố vấn đặc biệt của tổng thống Mỹ Ronald Reagan, trên National Interest. 
 

Không còn kẻ thù chính

NATO được thành lập năm 1949 nhằm “bảo vệ các nước Tây Âu trước Liên Xô”, sau thế chiến 2. Mỹ được cho là nước duy nhất hỗ trợ các nước Tây Âu về quốc phòng. Nhưng Dwight D. Eisenhower, tổng tư lệnh đầu tiên của NATO, sau này là tổng thống Mỹ thời chiến tranh lạnh, phản đối việc đặt các căn cứ Mỹ thường trực tại châu Âu. Ông dự báo rằng việc này sẽ “làm giảm động lực phát triển sức mạnh quân sự ở mức cần thiết mà các nước Tây Âu phải thực thi”.

Tuy nhiên, ý kiến của ông Eisenhower bị ngó lơ trong khi Liên Xô thắt chặt kiểm soát Trung và Đông Âu. Tây Âu hồi phục và phát triển kinh tế nhưng không phát triển quân sự tương thích. Mỹ vẫn duy trì hiện diện quân sự mang tính bao trùm ở châu Âu trong khi thúc giục các đồng minh phải tăng cường sức mạnh quân sự. “Họ luôn nói “vâng” nhưng làm rất ít”, ông Bandow viết.

Sau khi Liên Xô và khối Warsaw sụp đổ, sự sống còn của NATO trở nên không chắc chắn. Vì thế các quan chức của liên minh này đề xuất khối chuyển đổi sang, theo lời thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Zoellick, là “các nhiệm vụ mới phù hợp với thời đại mới”.

Ví dụ, Robert Hormats, một quan chức NATO, đề xuất rằng khối nên chuyển qua thúc đẩy “trao đổi sinh viên, chống buôn bán ma túy, chống khủng bố, chống các mối đe dọa đối với môi trường”. David Abshire, từng là đại sứ Mỹ tại NATO, gợi ý về việc điều phối “chuyển giao công nghệ kiểm soát môi trường tới phương Đông”.

08-54-33_nto-flg-germny-lrge-1024x683
Cờ hiệu của NATO.

Tuy kẻ thù chính là Liên Xô không còn, NATO vẫn mở rộng thêm thành viên, mới nhất là Montenegro.Và làm như vậy là vi phạm cam kết với Nga. NATO cũng nêu sáng kiến về một số hoạt động “ngoài lĩnh vực”, ví dụ bảo vệ các nước không phải là thành viên. Điều này biến hiệp ước giữa các nước thành viên hai bờ Đại Tây Dương trở thành một công cụ gây hấn và được sử dụng để chia tách Serbia hồi năm 1999.

Những hoạt động “ngoài ngành” gần đây nhất có sự tham dự của NATO là các cuộc chiến tại Afghanistan, Libya và Syria. Và chính chuyện NATO dính đến cuộc chiến ở Syria đã khiến tổng thống Pháp phàn nàn về việc thiếu phối hợp trong khối. Một số tay diều hâu trong NATO nay gọi tổ chức này là “một liên minh toàn cầu”, mở đường cho các hoạt động can dự ở phạm vi toàn thế giới. Tuy nhiên, trong các chiến dịch ấy, gánh nặng hầu như đổ lên vai Mỹ.

Và các đời tổng thống Mỹ gần đây đều lên tiếng chỉ trích châu Âu không đóng góp đủ cho khối. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates (nay đã rời chức vụ) cho rằng liên minh này đang gặp nguy cơ, vì “giới nghị sỹ và chính giới Mỹ đang giảm dần sự kiên nhẫn cũng như hậu thuẫn NATO, không muốn dùng sức mạnh kinh tế của Mỹ bù đắp cho phần của các quốc gia rõ ràng là không sẵn sàng đóng góp nguồn lực cần thiết… cho nền quốc phòng của chính họ”. Tổng thống Mỹ đương nhiệm là Donald Trump cũng bày tỏ ý kiến tương tự, nhưng với lời lẽ gay gắt hơn.

08-54-33_cpture
Quân Mỹ và châu Âu trong NATO.

Mặc dù vậy, các cuộc tranh luận về chuyện chia sẻ gánh nặng lại chẳng đi đến đâu. Rõ ràng với thái độ và lời nói của ông Trump gần đây, Mỹ tỏ ra chẳng còn mặn mà gì với NATO nữa. Điều quan trọng là khối này không còn phục vụ lợi ích của Mỹ. Hơn nữa, NATO có rất nhiều vấn đề, mang tính căn cốt.
 

Nga không phải là Liên Xô

Theo chuyên gia Bandow, thứ nhất, Mỹ và châu Âu không còn phải đối diện với nguy cơ hiện hữu nào. Nga ngày nay không phải là Liên Xô và tổng thống Nga không giống nhà lãnh đạo Joseph Stalin. Nước Nga ngày nay, tuy vẫn khiến NATO và Mỹ khó chịu nhưng chỉ bảo vệ an ninh từ biên giới đổ vào nội địa. Không có triển vọng nào về một cuộc tấn công Mỹ từ nước Nga. Tấn công châu Âu cũng ít có khả năng.

Hơn nữa, các nước châu Âu ngày nay có khá ít nguy cơ về an ninh quốc gia. Mặc dù một số quốc gia vùng Baltics và Ba Lan nghĩ khác một chút, nhưng khoản chi chỉ 2% GDP cho quân sự cho thấy họ dường như không quá lo lắng về nước Nga.

08-54-33_us_soldiers_ttend_militry_p
Xe bộ binh Mỹ diễu hành gần biên giới Nga cùng quân đội một số nước Đông Âu.
“Trong khi đó, người châu Âu hiểu rằng họ có thể dựa dẫm vào Mỹ bất kể họ đóng góp vào quỹ quốc phòng của NATO ít ỏi ở mức nào”, ông Bandow viết.

Và vì thế, rất khó để Mỹ thuyết phục các nước châu Âu tăng đóng góp cho NATO lên hơn 2% GDP. Thậm chí nhiều nước, trong nhiều năm, vẫn chỉ giữ ở mức hơn 1%. Trong năm 2018, đóng góp của các nước châu Âu cho NATO dựa trên GDP chỉ ở mức 1,51%, con số tương tự năm 2012. Năm ngoái, Đức, quốc gia đứng đầu châu Âu, chỉ đóng góp 1,23% GDP.

Theo ông, châu Âu hoàn toàn có khả năng tự bảo vệ. Lục địa già có quy mô nền kinh tế ngang với nền kinh tế Mỹ, còn tổng dân số lại lớn hơn. Châu Âu có sức mạnh kinh tế gấp 11 lần, dân số gấp bốn lần Nga. Họ cũng chi ngân sách quốc phòng lớn gấp bốn lần. Mà đó còn là mức chi thấp, theo phía Mỹ.

“Lục địa già không chi thêm là bởi họ không muốn chi thêm, chứ không phải không thể chi thêm ngân sách cho quốc phòng”, vị cựu cố vấn của tổng thống Ronald Reagan viết.

(Kiến thức gia đình số 50)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.