Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ thường cô lập với các thành viên trong nhóm G7 |
Trước thềm phiên họp các Ngoại trưởng khối G7 vào cuối tuần này tại Pháp, vấn đề một lần nữa lại được xới lên.
Vắng không lý do
Mười tháng sau khi ông Trump vứt mọi nỗ lực thể hiện sự đoàn kết của G7 tại hội nghị ở Canada vào sọt rác, các thành viên G7 đang nỗ lực để tránh một kết cục tương tự vào tháng 9 tới. G7 có lý do để lo ngại, bởi trong cuộc họp các Ngoại trưởng theo kế hoạch sẽ diễn ra trong 2 ngày 5 và 6/4 tới tại Pháp, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ không tham dự.
Đại diện Mỹ dự cuộc họp này là Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan.
Trong thông báo hôm 2/4, Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết lý do cụ thể sự vắng mặt của ông Mike Pompeo mà chỉ cho biết, Thứ trưởng Sullivan sẽ tham gia các cuộc hội thảo về một loạt vấn đề quốc tế, gồm tình hình Venezuela, Trung Đông hay phi hạt nhân hoá bán đảo Triều Tiên. Cùng đi với ông Sullivan còn có nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, ông David Hale. “Quan hệ đồng xuyên Đại Tây Dương đang mạnh mẽ hơn bao giờ hết”-phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Robert Palladino cho biết.
Dĩ nhiên các thành viên G7 có có cơ sở để không thoả mãn với các thông tin từ Mỹ.
Reuters cho biết cùng thời điểm diễn ra hội nghị các Ngoại trưởng G7 ở Pháp, ông Pompeo chưa thấy có kế hoạch công việc cụ thể nào ở nước ngoài. Trong khi liền ngay trước đó, ông sẽ gặp một số người đồng cấp G7 nhân kỷ niệm 70 năm thành lập NATO ở Washington. “Đơn giản là về mặt biểu tượng, việc đó (vắng mặt) truyền đi thông điệp: ông Pompeo có công việc ưu tiên hơn để làm”-Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao G7 ở Paris cho biết.
Đồng minh không đồng lòng
Theo Reuters, dưới thời Tổng thống Donald Trump, việc các thành viên G7 ít tìm được tiếng nói chung hay chính xác hơn, Mỹ ở trạng thái “ngược dòng” với phần còn lại đã trở thành chuyện thường ngày. Đỉnh điểm của nó là hội nghị hồi tháng 6/2018 ở Canada, ông Trump đến muộn về sớm rồi sau đó tuyên bố không thừa nhận tuyên bố chung của nhóm. Ông “va” với các thành viên trước hội nghị và sau đó tiếp tục xích mích với Thủ tướng nước chủ nhà Canada, Justin Trudeau.
Từ đó tới nay, quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh chẳng cải thiện được bao nhiêu. Chính quyền ông Trump tiếp tục mâu thuẫn với EU xung quanh vấn đề tự do thương mại, chương trình hạt nhân Iran hay biến đổi khí hậu cũng như nhiều công việc khác. Thậm chí, đã có những mối quan ngại sâu sắc hơn trước khả năng EU tìm kiếm giải pháp từ những đối thủ của Mỹ lâu nay, như Trung Quốc. “Họ bất đồng và bế tắc như Liên Hợp Quốc”-cố vấn cấp cao của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), Dominique Moisi bình luận.
Để hạn chế nguy cơ hội nghị bất thành, Reuters cho hay nước chủ nhà Pháp đang hạn chế nội dung hội đàm giữa các thành viên G7 ở những vấn đề nhỏ và cụ thể hơn, ví như sự nguy hiểm của tội phạm trên không gian mạng, vấn đề bất bình đẳng giới…Đây là những lĩnh vực các thành viên dễ đạt đồng thuận hơn, so với những vấn đề lớn như kể trên. Theo giải thích của một quan chức ngoại giao kỳ cựu của Pháp thì, Tổng thống Emmanuel Macron muốn G7 không bị tốn năng lượng và thời gian vào các nội dung vốn không đem lại gì nhiều lợi ích.
Bất chấp những nỗ lực trên, giới quan sát dù vậy nhận định, triển vọng để G7 đạt được sự đồng thuận cao với Mỹ vào mùa thu tới là không mấy sáng sủa. Đặc biệt, dường như sức ép từ các vụ việc trong nước vừa qua có vẻ như đang khiến Tổng thống Donald Trump “khó ở” hơn.