| Hotline: 0983.970.780

Vì sao nông dân Nghệ An 'quay lưng' với bảo hiểm nông nghiệp?

Thứ Năm 08/12/2022 , 08:05 (GMT+7)

NGHỆ AN Chính sách hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp đã được thí điểm triển khai ở Nghệ An gần 10 năm nay, nhưng nông dân ngày càng không mặn mà, vì sao?

Chính sách bảo hiểm nông nghiệp được triển khai thí điểm ở Nghệ An gần 10 năm nay. Đây là chính sách đầy nhân văn và rất cần thiết cho nông dân khi không may mùa màng bị thất bát do thiên tai hoặc dịch bệnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp, đã xẩy ra những bất cập khiến nông dân không mặn mà.

Mất lòng tin

Vụ hè thu 2020, trên địa bàn huyện Yên Thành có 31/39 xã tham gia bảo hiểm cây lúa với diện tích 767,2ha của 3.577 hộ tham gia, tổng số phí bảo hiểm hơn 984 triệu đồng, trong đó các hộ dân đóng trên 408 triệu đồng, nhà nước hỗ trợ hơn 576 triệu đồng. Nhưng, từ năm 2020 lại nay, Yên Thành không tiếp tục triển khai bảo hiểm nông nghiệp.

Rất nhiều vụ nông dân trồng lúa ở Nghệ An thiệt hại nặng do thiên tai, nhưng chỉ h

Rất nhiều vụ nông dân trồng lúa ở Nghệ An thiệt hại nặng do thiên tai, nhưng chỉ nhận được quyền lợi bảo hiểm rất ít ỏi. Ảnh: TN.

Ông Nguyễn Xuân Triều, xóm Chu Trạc, xã Hoa Thành (Yên Thành) cho biết: "Năm 2013, gia đình ông có 4 sào lúa (sào 500m2) do ảnh hưởng của thiên tai làm năng suất giảm mạnh, chỉ thu được bình quân 1,5 tạ/sào, giảm một nửa so với bình thường, nhưng chỉ được chi trả hơn 80.000 đồng bảo hiểm, chỉ bằng một phần nhỏ số tiền mua bảo hiểm. Do đó, chúng tôi đã không tham gia bảo hiễm nữa cho dù huyện, xã kêu gọi".

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, công chức nông nghiệp xã Hoa Thành, huyện Yên Thành cho biết: Xã có 200ha lúa, đã 2 lần triển khai bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân. Năm 2013, do ảnh hưởng của thiên tai, lúa mất mùa nhưng mỗi sào lúa chỉ được chi trả bảo hiểm 22.000 đồng, bởi phía công ty bảo hiểm đánh giá năng suất vẫn đạt khoảng 2,5 tạ/sào (5 tấn/ha)? Vì vậy, đến vụ hè thu 2020, xã chỉ có gần 60 hộ tham gia bảo hiểm.

Ngay trong vụ hè thu 2022 vừa qua, do nắng nóng và hạn hán nặng, nên năng suất lúa giảm mạnh so với năm bình thường. Nhưng theo công nghệ xác định của công ty bảo hiểm thì năng suất lúa vẫn đạt ở mức 2,5 tạ/sào, và nông dân không được trả một đồng nào!

Theo bà Hoa, cả 2 vụ sản xuất đều có công bố thiên tai, nhưng việc chi trả quyền lợi bảo hiểm không thoả đáng đã làm mất lòng tin của người dân.

Nông dân Nghệ An không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp, dù được tỉnh hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm. Ảnh: BNA.

Nông dân Nghệ An không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp, dù được tỉnh hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm. Ảnh: BNA.

Huyện Diễn Châu cũng được tỉnh Nghệ An hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp, nhưng tình hình cũng không sáng sủa. Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện cho biết: Người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp với hi vọng nếu không may gặp rủi ro sẽ được bên bảo hiểm đền bù với mức thiệt hại tương ứng. Nhưng khi có diện tích bị thiệt hại, phía đơn vị bảo hiểm lại tính toán việc đền bù theo kết quả năng suất bình quân chung toàn xã, mà không xem xét thực tế cụ thể, có những cánh đồng bị thiệt hại do gặp nắng hạn kéo dài không đủ nước tưới, hoặc do thấp trũng gặp mưa lớn gây ngập úng và trường hợp khá phổ biến trong sản xuất nông nghiệp là trên những cánh đồng rộng hàng chục, hàng trăm ha, nhưng chỉ một số khu ruộng bị nhiễm sâu bệnh nặng, làm giảm năng suất... Đây là điều không khách quan, không hợp lý.

Đặc biệt, quy định điều khoản trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp ghi rõ: "Thiệt hại phải được công bố thiên tai thì mới được trả bảo hiểm". Trong khi sản xuất nông nghiệp mất, được mùa có thể diễn ra trên phạm vi nhỏ do nhiều nguyên nhân khác nhau như nói trên thì không thể công bố là thiên tai, vậy là nông dân không được chi trả quyền lợi bảo hiểm. Vì vậy, rất khó tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham gia mua bảo hiểm nông nghiệp.

Bảo hiểm cây trồng đã khó, bảo hiểm vật nuôi lại càng khó hơn. Do dịch bệnh gia súc, gia cầm thường gây thiệt hại nặng ở một số hộ gia đình hay một số ít trang trại, sau đó khống chế được thì làm gì có chuyện công bố thiên tai dịch bệnh? Đây là những cái khó, nếu không thay đổi quy định trong quy trình bảo hiểm nông nghiệp hiện nay thì rất khó triển khai đến với nông dân.

Cần điều chính phù hợp với thực tế

Từ năm 2011 – 2013, chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp cho cây lúa và trâu bò được triển khai ở một số huyện của tỉnh Nghệ An. Lúc bấy giờ thiệt hại do thiên tai dịch bệnh gây ra đối với cây trồng và vật nuôi được phía công ty bảo hiểm đền bù kịp thời, tuy nhiên vẫn còn một số bất cập nên người dân chưa thực sự hài lòng.

Cách tính toán thiệt hại để chi trả quyền lợi bảo hiểm gây nhiều thiệt thòi cho bà con.

Cách tính toán thiệt hại để chi trả quyền lợi bảo hiểm gây nhiều thiệt thòi cho bà con. Ảnh: VNE.

Đến năm 2020, công ty bảo hiểm này lại tiếp tục triển khai bảo hiểm cây lúa ở 8 huyện với số hộ nông dân tham gia trong vụ hè thu lên đến 7.291 hộ. Nhưng, từ người dân đến cán bộ các địa phương có tham gia bảo hiểm nông nghiệp nhanh chóng thất vọng bởi cách tính toán bồi thường của công ty bảo hiểm.

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết: Bất cập nhất là khi xẩy ra rủi ro, mất mùa, doanh nghiệp bảo hiểm chỉ bồi thường theo mức giảm năng suất thực tế của cả một khu vực địa lý, chứ không căn cứ vào tổn thất thực tế của đối tượng bảo hiểm.

Vụ hè thu 2020, huyện Yên Thành có tới 31 xã tham gia bảo hiểm nông nghiệp, do hạn hán xẩy ra làm mất mùa nặng trên diện rộng, nhưng chỉ có 3 xã đủ điều kiện chi trả theo cách tính toán của cơ quan bảo hiểm với tổng diện tích được đền bù là 31,5ha, chiếm tỉ lệ 4,1% tổng diện tích tham gia. Trong khi đó theo tính toán có số liệu cụ thể của thống kê huyện, có đến 20 xã được đền bù bảo hiểm năng suất cho cây lúa. Từ hệ quả này, đã gây bức xúc lớn cho người tham gia bảo hiểm và cả cán bộ địa phương.

Rõ ràng, phương pháp đo đếm, tính toán năng suất bị thiệt hại đã bộc lộ những bất cập cần phải được xem xét lại để bảo đảm tính khách quan thực tế.

Với cách tính toán của công ty bảo hiểm, cả năm 2020, mặc dù thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra tại 8 huyện có tham gia bảo hiểm nông nghiệp là rất lớn, rất nhiều hộ dân bị thất thu lớn do năng suất lúa giảm mạnh, nhưng chỉ có 834 hộ được bồi thường với tổng số tiền trên 145 triệu đồng, bằng 7% tổng số tiền nông dân mua phí bảo hiểm.

Nông dân thường xuyên phải đối mặt với rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, song họ không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp.

Nông dân thường xuyên phải đối mặt với rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, song họ không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp. Ảnh: BNA.

Mới đây, tỉnh Nghệ An lại tiếp tục có chủ trương hỗ trợ nông dân mua bảo hiểm nông nghiệp. Theo đó, sẽ có 5 huyện được hỗ trợ về cây lúa, 5 huyện được hỗ trợ về trâu, bò và 4 huyện được hỗ trợ về lợn. Mặc dù vậy, nếu cơ quan thực hiện bảo hiểm nông nghiệp cho bà con nông dân không điều chỉnh cách thức tính toán khi nông dân gặp rủi ro trong sản xuất như vừa qua thì rất khó triển khai thực hiện cho dù có chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh Nghệ An về việc mua bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân.

Nghệ An trung bình mỗi năm sản xuất gần 200.000ha lúa, chăn nuôi trên 800.000 con trâu bò, hơn 1 triệu con lợn và trên 1,6 triệu con gia cầm. Trong quá trình sản xuất, luôn chịu ảnh hưởng bất lợi của thiên tai như nắng nóng, hạn hán, mưa to, bão lớn, ngập úng, dịch bệnh cả cây trồng và vật nuôi... Vì vậy, HĐND, UBND tỉnh đã đồng ý với đề xuất của Sở NN-PTNT về chính sách hỗ trợ người dân một phần phí bảo hiểm nông nghiệp để nông dân phấn khởi, an tâm sản xuất.

Tuy nhiên, để chính sách này có thể trở thành hiện thực, được người dân tin và hưởng ứng thì rất cần có những điều chỉnh kịp thời và hợp lý của chính công ty thực hiện bảo hiểm nông nghiệp với bà con nông dân.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Nông dân lo lắng vì giá lúa đông xuân sớm giảm mạnh

ĐBSCL Hiện một số nơi tại ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân sớm nhưng giá lúa giảm từ 2.000 - 2.400 đồng/kg so với cùng kỳ.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất