50% sản lượng vải thiều Hải Dương đã xuất khẩu. Ban Chỉ đạo 389 vào cuộc ngăn chặn buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm. Thời tiết khô hạn ảnh hưởng tới năng suất và giá mận Bắc Hà. Tiền Giang còn hàng trăm điểm sạt lở lớn, chiều dài gần 4.200m.
50% SẢN LƯỢNG VẢI THIỀU HẢI DƯƠNG ĐÃ XUẤT KHẨU
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, tính đến hôm nay, Hải Dương đã thu hoạch được hơn 32.000 tấn vải.
Ngoài tiêu thụ tại thị trường trong nước, khoảng 16.000 tấn vải đã được xuất sang thị trường, chiếm 50% tổng sản lượng vải đã thu hoạch, tương đương cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, 3.000 tấn vải thiều Thanh Hà đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường cao cấp như Nhật Bản, Mỹ, Australia, số còn lại tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc. vải thiều
Năm 2023, sản lượng vải Thanh Hà ước đạt 40.000 tấn. Chất lượng quả vải tăng đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu... Dự kiến, sản lượng xuất khẩu sang các thị trường này đạt khoảng 6.000 tấn, chiếm 10% tổng sản lượng toàn tỉnh.
BAN CHỈ ĐẠO 389 VÀO CUỘC NGĂN CHẶN BUÔN BÁN, VẬN CHUYỂN TRÁI PHÉP GIA CẦM
Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vừa ban hành công văn chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm soát, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam.
Theo đó, tăng cường công tác nắm tình hình; phối hợp tổ chức triển khai lực lượng tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi tập kết, buôn lậu, vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài qua biên giới, cửa khẩu, vùng biển vào Việt Nam.
Bên cạnh đó, chủ động phối hợp, cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về các hoạt động vi phạm nêu trên với cơ quan thú y các cấp; phối hợp chỉ đạo tổ chức triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống các hoạt động tập kết, buôn lậu, giết mổ, kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm theo quy định.
THỜI TIẾT KHÔ HẠN ẢNH HƯỞNG TỚI NĂNG SUẤT VÀ GIÁ MẬN BẮC HÀ
Hiện đang là thời điểm bắt đầu vụ thu hoạch mận Tam hoa chính vụ năm 2023 ở cao nguyên Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, nắng nóng dẫn tới khô hạn kéo dài, mận chín sớm, chất lượng quả không đồng đều khiến giá mận thấp hơn so với cùng kỳ những năm trước.
Cụ thể, giá mận năm 2023 chỉ từ 10.000 - 40.000 đồng/kg; trong đó, loại mận xô có giá 10.000 đồng/kg; mận tuyển chọn từ 20.000 - 40.000 đồng/kg.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Hà cho biết, địa phương hiện có gần 350ha mận Tam hoa. Giai đoạn ra hoa đậu quả, nhờ thời tiết thuận lợi nên mận rất sai quả. Tuy nhiên lúc phát triển quả, thời tiết khô hạn kéo dài nên đã ảnh hưởng khiến trái nhỏ, tỷ lệ mận quả to thấp so với vụ trước.
TIỀN GIANG CÒN HÀNG TRĂM ĐIỂM SẠT LỞ LỚN, CHIỀU DÀI GẦN 4.200M
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương hiện còn hàng trăm điểm sạt lở lớn, tổng chiều dài gần 4.200 m; trong đó có nhiều khu vực sạt lở nghiêm trọng cần xử lý khẩn cấp bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân. Nguyên nhân tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp tại địa phương thời gian qua là do mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết và thủy văn.
Nặng nhất là khu vực các huyện, thị xã vùng kiểm soát lũ phía Tây nằm về đầu nguồn sông Tiền của tỉnh Tiền Giang.
Trước mắt, Tiền Giang đã đầu tư hoàn thành tuyến kè chống sạt lở với tổng chiều dài hơn 1.700 m, góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân xã cù lao Tân Phong. Ban Quản lý dự án công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục đầu tư hơn 118 tỷ đồng làm kè kiên cố phòng, chống sạt lở trên đoạn đê còn lại dài hơn 900 m, ở cù lao Tân Phong. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là 100 tỷ đồng, phần còn lại là ngân sách địa phương. Dự kiến công trình hoàn thành trong năm 2023 đáp ứng nguyện vọng nhân dân.