Đảm bảo việc làm là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị xã hội. Kinh tế tuần hoàn từ rơm cải thiện đa dạng sinh học và tính bền vững. Tiền Giang dự kiến đưa 14.700ha mặt nước vào nuôi thủy sản. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13%.
BẢO ĐẢM VIỆC LÀM LÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CẢ HỆ THỐNG CHÍNH TRỊ VÀ XÃ HỘI
Phát biểu tại Hội nghị triển khai thực hiện nhiệm vụ thuộc lĩnh vực việc làm năm 2023 diễn ra sáng 9/3 tại Phú Thọ, Thứ trưởng Bộ lao động – thương binh và xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Lao động - Việc làm là một trong những cân đối lớn của nền kinh tế góp phần đảm bảo cuộc sống và phát triển toàn diện của người dân. Vì vậy, bảo đảm việc làm và an sinh xã hội cho người dân là nhiệm vụ quan trọng và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và xã hội, góp phần tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định chính trị. Đồng thời thể hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế trong thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị các địa phương cần theo dõi nắm bắt tình hình biến động của thị trường lao động; tình hình sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của các doanh nghiệp; các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động.
KINH TẾ TUẦN HOÀN TỪ RƠM CẢI THIỆN ĐA DẠNG SINH HỌC VÀ TÍNH BỀN VỮNG
Sáng 9/3, Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế - IRRI và Bộ Nông Nghiệp &PTNT đồng tổ chức Hội thảo khởi động Dự án về “Kinh tế tuần hoàn từ rơm để cải thiện đa dạng sinh học và tính bền vững” – RiceEco.Dự án RiceEco, do Quỹ Hợp tác Mekong-Hàn Quốc, Viện Mê Kông tài trợ, được IRRI cùng các đối tác của Việt Nam và Campuchia thực hiện trong giai đoạn 3 năm, từ 2023 đến 2026.Qua đó, xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn từ rơm, bao gồm các thực hành và công nghệ canh tác lúa gạo bền vững, hữu cơ, và các sản phẩm từ rơm như nấm rơm, thức ăn cho bò, phân bón sinh học,…Tại hội thảo, Chuyên gia khoa học cao cấp của IRRI nhận định, dự án nhận được sự tham gia của nhiều đối tác khu vực công tư với các thế mạnh trong cả chính sách, khoa học, sẽ thúc đẩy nhanh phát triển chuỗi giá trị “tuần hoàn, chỉ chính phẩm, không phụ phẩm”, tăng thu nhập từ rơm, tăng giá trị sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế như sản xuất lúa gạo bền vững và phát thải thấp.
TIỀN GIANG DỰ KIẾN ĐƯA 14.700HA MẶT NƯỚC VÀO NUÔI THỦY SẢN
Trong 2 tháng đầu năm 2023, sản lượng nuôi trồng và khai thác thủy sản của tỉnh Tiền Giang gần 42.000 tấn. Giá tôm thẻ chân trắng trên địa bàn cũng duy trì ở mức cao, loại 30 con/kg có giá khoảng 230.000 đồng/kg, loại 40 con/kg có giá khoảng 190.000 đồng/kg, loại 100 con/kg có giá 82.000 đồng/kg.Các loại thủy sản nuôi khác như tôm sú, cá da trơn… cũng tăng từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg so với thời điểm cuối năm 2022. Với mức giá này, người nuôi thủy sản tại địa phương có lợi nhuận khá.Năm nay, tỉnh Tiền Giang dự kiến đưa 14.700 ha mặt nước vào nuôi thủy sản, phấn đấu đạt sản lượng nuôi và khai thác trên 364.000 tấn thủy sản các loại phục vụ tiêu dùng, chế biến xuất khẩu.
TỔNG MỨC BÁN LẺ VÀ DOANH THU DỊCH VỤ TIÊU DÙNG TĂNG 13%
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 2 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có quy mô cao hơn và đang dần bắt kịp tốc độ tăng của cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19, đạt hơn 994.000 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Để phát triển thị trường trong nước trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các Chương trình, đề án về phát triển thương mại trong nước. Cùng với đó, đổi mới phương thức, lồng ghép các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường trong nước vào các chương trình kích cầu tiêu dùng, các sáng kiến kết nối cung cầu hàng hóa và thực hiện tốt các chương trình bình ổn thị trường.