Đàn cá tự nhiên hơn 100 tấn vào bến sông sống cùng người dân. Thu tiền tỷ mỗi ha từ trồng dưa hữu cơ. Nhiều cánh đồng vụ đông xuân bị bỏ hoang ở thành phố vùng biên. ‘Rào cản’ tiêu chuẩn nông sản Việt vào EU ngày càng lớn.
Đàn cá tự nhiên hơn 100 tấn vào bến sông sống cùng người dân
Văn Vũ sx
Đàn cá tự nhiênhơn 100 tấn kéo về trước bến sông nhà ông Nguyễn Văn Út ở xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang sinh sống, hiện đàn cá đang được ông Út chăm sóc hằng ngày xem như thú cưng.
Ông Nguyễn Văn Út cho biết, gần 3 năm trước ông mua đất ở khu vực gần sông Vàm Nao, dự định làm bãi đậu sà lan của gia đình. Trong địa phận đất, có hầm cá của chủ cũ. Khi ông phóng sinh, đàn cá không đi, mà cứ lẩn quẩn chỗ cũ và ngày càng có nhiều đàn cá tự nhiên kéo vào cùng nhau sinh sống. Hiện đàn cá ước tính hơn 100 tấn, với hàng chục loại cá, như cá tra, cá trê. Ngoài ra, còn có nhiều con cá “khủng”, như chim trắng (ước tính trọng lượng trên 15kg), có loại cá dài trên 1m nằm sâu dưới lòng sông.
Theo ông út, hiện tại đàn cá quá đông nên việc tìm thức ăn cho chúng là vấn đề hết sức khó khăn, hàng ngày ông Út phải đến các chợ để tìm nhặt rau và trái cây hỏng, chín nục làm thức ăn cho cá. Ngoài ra, cũng có một số người hảo tâm gửi thức ăn và gửi ít tiền để phụ chăm lo đàn cá. Hiện mỗi ngày đàn cá tiêu tốn từ 7-10 bao thức ăn các loại.
(Tin 2) Thu tiền tỷ mỗi ha từ trồng dưa hữu cơ
Đinh Mười sx
Hợp tác xã Đầu tư phát triển Sông Giá tại xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng có gần 7.000m2 sản xuất các sản phẩm rau, quả theo phương pháp hữu cơ, sử dụng nhà lưới với hệ thống tưới nhỏ giọt phục vụ xuất khẩu.
Hiện tại, HTX đang trồng các loại dưa như: Bạch ngọc đường, Kim ngọc đường, Kim hoàng hậu, dâu tây... Một năm trồng 4 vụ cây ăn quả ngắn ngày trong đó 3 vụ chính. Sản lượng mỗi vụ đạt trên 10 tấn, được đối tác thu mua tại vườn với giá trung bình 60.000 đ/kg.
Để đạt chất lượng tốt nhất, mỗi gốc dưa chỉ để 1 quả, đơn vị sử dụng 100% thuốc phòng, trừ sâu bệnh vi sinh. HTX dành riêng khu nuôi trùn quế với diện tích 250m2 chuồng nuôi để cung cấp sản phẩm phân bón cho nông trại. Ước tính, với 1ha canh tác, mỗi năm hợp tác xã có thể thu về khoảng 1 tỷ đồng nhưng nếu xuất khẩu thì giá trị có thể tăng từ 2 đến 3 lần.
(Tin 3) Nhiều cánh đồng vụ đông xuân bị bỏ hoang ở thành phố vùng biên
Tiến Thành sx
Nhiều năm nay tại TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), tình trạng người dân bỏ hoang đất sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là trong vụ đông xuân diễn ra khá phổ biến.
Theo số liệu thống kê, TP Móng Cái có tổng diện tích đất nông nghiệp gần 38.500ha. Đối với vụ đông xuân trên địa bàn TP, diện tích cây lúa chỉ khoảng 750ha, còn lại chủ yếu là canh tác các cây màu như khoai lang, ngô và rau các loại.
Theo ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Móng Cái, do đặc thù diện tích đất nông nghiệp của Thành phố có địa hình chia cắt, cùng với đó, vụ đông xuân trên địa bàn thường có thời tiết bất lợi, trời rét kéo dài nên ảnh hưởng đến việc trồng lúa.
Mặt khác, thời gian gieo cấy vụ đông xuân cũng là thời điểm người dân đi khai thác thủy sản ven bờ cho thu nhập cao hơn so với trồng trọt nên bà con không mặn mà cấy lúa.
(Tin 4)
‘Rào cản’ tiêu chuẩn nông sản Việt Nam vào EU ngày càng lớn
Minh Phúc khai thác
Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU đã thông báo những quy định mới của EU về các biện pháp khẩn cấp và tạm thời đối với kiểm soát an toàn thực phẩm áp dụng với một số hàng hoá nhập khẩu.
Theo đó, các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường EU sẽ chịu giám sát cửa khẩu gồm ớt chuông, mì ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%.
Như vậy, đây là lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu với tần suất 10%.
Cũng tại quy định này, đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục II (thêm yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng từ Việt Nam) với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20% tại cửa khẩu EU.