Những năm qua, Sơn La đã chú trọng đầu tư nhiều công trình thủy lợi như hồ chứa nước cùng hệ thống dẫn nước sau hồ, qua đó phát huy hiệu quả rất tốt, giúp đồng bào vùng cao chủ động được nguồn nước sản xuất, nâng cao đời sống.
MC: Thưa quý vị và bà con! Việc đầu tư những công trình thủy lợi vùng cao như: trạm bơm điện, hồ chứa nước cùng hệ thống dẫn nước sau hồ đã phát huy hiệu quả rất tốt, giúp đồng bào vùng cao chủ động được nguồn nước sản xuất, nâng cao đời sống. Sau đây xin mời quý vị và bà con cùng đến với Sơn La, thủ phủ cây ăn quả.
Trước đây, xã Phổng Lái (thuộc huyện Thuận Châu) vẫn còn là vùng đất “khát”, người dân chủ yếu dựa vào nguồn nước mưa tự nhiên và phải đi đến các mó nước cách xa hàng chục cây số để lấy nước. Đến tận bây giờ, ông Nguyễn Bá Vụ, Bí thư kiêm Trưởng bản Đông Quan vẫn nhớ như in những ngày tháng gian khó đó.
Ông NGUYỄN BÁ VỤ
Bí thư, Trưởng bản Đông Quan, xã Phổng Lái, Thuận Châu, Sơn La
Trước đây bà con phải đi gánh nước rất xa bằng thùng, rồi tiến tới là chở bằng xe bò kéo bằng thùng phi. Mỗi nhà có khoảng chục khối, nhà nào có điều kiện thì xây hơn chục khối để tích nước mùa mưa để mùa khô sử dụng, nói chung rất là tiết kiệm, tiết kiệm kinh khủng luôn, chứ không có nguồn nước ở đâu lấy về để tưới cây được, kể cả nước sinh hoạt đã hiếm rồi.
Cũng bởi lẽ đó mà từ khi nguồn nước được đưa từ hồ Lái Bay về xã Phổng Lái, bà con dân bản nơi đây vẫn cứ ngỡ như một giấc mơ.
Nước… đem lại sức sống
Nước…đưa màu xanh về với bản làng
Màu xanh đó là hàng chục ha cây ăn quả: bưởi, mận, na… mà trước đây không ai dám nghĩ tới.
Ông NGUYỄN BÁ VỤ
Bí thư, Trưởng bản Đông Quan, xã Phổng Lái, Thuận Châu, Sơn La
Trước kia cơ bản trồng chè, cà phê, bây giờ một số chuyển đổi cây ăn quả và trồng màu như rau, đỗ, củ, quả…thì nguyên nhân là do có nguồn nước về. Nói chung là không có nguồn nước thì bà con vất vả lắm, cây ăn quả rồi mọi vấn đề rất phức tạp. Hồi xưa có dám nuôi lợn đâu mà một số gia đình bây giờ đã xây chuồng trại lợn to rồi. Vì không có nguồn nước thì làm sao mà tắm với rửa chuồng cho lợn được.
Nhiều bà con còn tự mày mò, suy nghĩ để làm những bể tích nước như thế này. Vừa tránh lãng phí nguồn nước, lại vừa tạo sự chủ động khi mùa khô tới. Đây cũng là cách làm đang được nhân rộng tại bản Đông Quan cũng như nhiều bản làng khác tại xã Phổng Lái.
Anh PHẠM VĂN THUẦN
Bản Đông Quan, xã Phổng Lái, Thuận Châu, Sơn La
Trước kia chưa có hồ Lái Bay thì bà con tại đây, kể cả như bản thân tôi cũng chưa bao giờ làm được 1 cái vườn cũng như có cây rau mà ăn. Như bây giờ có nguồn nước này thì chúng tôi đầu tư thêm 1 chút hố chứa nước là có thể phát triển cây ăn quả, vườn rau, ao cá. Chứa thế này thì kể cả là mưa nắng hoặc đường ống trục trặc hoặc trên kia hết nước thì ở dưới mình vẫn có nước để chủ động tưới được.
Một số thanh niên tại địa phương còn mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới tự động, vừa tiết kiệm nước, vừa giúp giảm công lao động lại đảm bảo độ đồng đều nước tưới cho cây trồng.
Anh PHẠM TIẾN NGHĨA
Bản Đông Quan, xã Phổng Lái, Thuận Châu, Sơn La
Mình có 1 ao 500 m2, sâu 2m để trữ nước sử dụng dần. Những lúc dư thừa thì mình tích trữ vào ao. Những lúc còn lại không có thì mình bơm từ ao lên để sử dụng. Trước đây mình tưới bằng vòi nhưng như thế thì chậm, mất thời gian, tốn nhân công. Như bây giờ mình tưới tự động thì cũng nhàn hơn. Mình chỉ đi mở van, sử dụng máy bơm để đẩy, nó hết ít công mà diện tích tưới được nhiều hơn.
Ông SÙNG A MANG
Phó Chủ tịch UBND xã Phổng Lái, Thuận Châu, Sơn La
Cây chè trên 600 ha, cà phê trên 300 ha và cây ăn quả các loại gần 300 ha cũng toàn sử dụng nguồn nước tưới tiêu của cái hồ này và đến hiện giờ các gia đình cũng đã kéo nguồn nước vào có hiệu quả và bà con rất vui mừng, ủng hộ.
Công trình thủy lợi hồ Lái Bay có dung tích hơn 1,3 triệu m3, đường ống dẫn nước từ hồ về tới xã Phổng Lái có tổng chiều dài hơn 50 km. Các hộ dân sẽ đấu nối vào hệ thống thông qua đồng hồ được đặt tại các bể chứa cố định. Lịch cấp nước cũng được xây dựng cụ thể, đảm bảo cung cấp đủ nước cho bà con.
Anh LƯƠNG XUÂN VIỆT
Cụm trưởng Cụm quản lý kỹ thuật công trình thủy lợi hồ Lái Bay
Bây giờ rơi vào khoảng 16 bản, mình phân công các bản gần thì 4 bản lấy 1 ngày, còn đâu cứ 3 bản lấy 1 ngày. Nếu không điều tiết theo ngày như thế thì sẽ không đảm bảo được lượng nước cấp cho bà con hết mùa khô đến mùa mưa nên là phải xây dựng lịch cấp cụ thể như thế.
Anh BÙI ĐĂNG HÙNG
Trưởng chi nhánh Thủy lợi huyện Thuận Châu, Công ty TNHH MTV quản lý khai thác công trình thủy lợi Sơn La
Cuối năm 2023, bên sở nông nghiệp, ban nông nghiệp cũng đầu tư nâng cấp thêm 250 ha tưới ẩm mở rộng xuống xã Chiềng Pha. Tới đây cũng đang dự kiến mở rộng thêm 20 – 30 ha tưới tiết kiệm, cái đó đang triển khai và sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Sơn La, hiện nay, địa phương này có hơn 2.600 công trình thủy lợi, trong đó có 110 hồ chứa. Nếu như trước đây, thủy lợi chỉ phục vụ nông nghiệp, trồng lúa, nuôi trồng thủy sản. Thì ngày nay, ngành thủy lợi của Sơn La cũng đã chuyển mình để song hành với sự chuyển biến của hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng phục vụ cây ăn quả, cây công nghiệp trên đất dốc. Bên cạnh đó, vấn đề sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả cũng được các đơn vị quản lý hết sức quan tâm.
Ông LÊ XUÂN HÙNG
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy Lợi tỉnh Sơn La
Thời gian tới, Chi cục sẽ phối hợp với công ty khai thác xác định các điểm giao nhận nước cũng như hướng dẫn các tổ chức thủy lợi cơ sở hoạt động để họ có nguồn thu từ dịch vụ thủy lợi cung cấp cho bà con nhân dân. Cái dịch vụ đó ngoài chuyện tiết kiệm nước thì còn mang lại sự công bằng cho người sử dụng nước giữa người đầu nguồn và cuối nguồn và trên cơ sở đó bà con sẽ có ý thức hơn trong việc tiết kiệm nước.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cho rằng, những vùng đất khó như Tây Bắc cần tập trung cho việc tích nước không tập trung tại các ao, hồ để dự trữ cho mùa khô hạn. Bên cạnh đó, cũng cần tính toán mùa vụ cũng như cây trồng phù hợp.
Ông NGUYỄN HOÀNG HIỆP
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Chỗ không có nước mà đi cấy lúa là không ổn, chuyển sang trồng cây ăn trái đi, ít nước hơn. Phải tái cơ cấu cho phù hợp vơi nguồn nước mình có, cái này quan trọng không kém gì câu chuyện tích nước. Vấn đề nữa ở những vùng này là quy hoạch lại dân cư và từ đó quy hoạch lại vùng sản xuất. Có như thế thì mới đảm bảo được.
Có thể nói, Sơn La đang từng bước khai thác có hiệu quả của các công trình thủy lợi, đặc biệt là tại các vùng đất dốc. Từ đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, tăng thu nhập cho bà con.
MC: Thưa quý vị và bà con! Qua phóng sự vừa rồi, chúng ta có thể thấy được cách làm hay và hiệu quả của công tác thủy lợi trên đất dốc của tỉnh Sơn La. Hệ thống ống dẫn nước đã phát huy ưu thế, đảm bảo sự ổn định và chất lượng nguồn nước ở địa hình phức tạp như đồi núi. Đồng thời, cách làm này cũng khá thích hợp với xu hướng hiện đại hóa, thông minh và tiết kiệm nước.
Xin cảm ơn quý vị và bà con đã quan tâm theo dõi!
Xin kính chào và hẹn gặp lại trong những chương trình sau!