Giá khóm tăng cao kỷ lục. Xuất khẩu hạt điều của Campuchia sang Việt Nam tăng gần 37 lần. Việt Nam nhập khẩu hơn 17.000 tấn cà phê nhân từ Brazil. Tây Ninh quy định mật độ chăn nuôi.
Giá khóm tăng cao kỷ lục
Văn Vũ sx
Thời gian gần đây, người trồng khóm ở thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang phấn khởi vì giá khóm đang ở mức cao, tăng trung bình 4.000 - 5.00 đồng/trái so với năm trước.
Theo đó, khóm loại 1 trọng lượng từ 1 kg trở lên được thương lái thu mua với giá 15 ngàn đồng/trái. Giá khóm loại 2 dưới 1kg có giá 12.000 - 13.000 đồng/trái. Đây là mức gía cao nhất trong 3 năm trở lại đây.
Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch thường trực TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang cho biết, Hiện nay, toàn TP Vị Thanh có 2.479 ha khóm. Năng suất bình quân khoảng 16 tấn một ha/năm. Bà con nông dân hiện đang đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhân rộng diện tích canh tác khóm theo hướng hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP gắn với liên kết chuỗi nâng cao giá trị sản phẩm. Thành phố hiện có các doanh nghiệp thu mua khóm với số lượng lớn nên giá tăng cao. Ngoài ra, thương hiệu khóm cũng phát triển, nên các thị trường nội địa tiêu thụ cũng rất mạnh.
Xuất khẩu hạt điều của Campuchia sang Việt Nam tăng gần 37 lần
Minh Phúc khai thác
Nửa đầu năm 2024, xuất khẩu hạt điều của Campuchia sang Việt Nam tăng gần 37 lần về lượng. Việt Nam chiếm 99,55% tổng lượng xuất khẩu hạt điều của Campuchia.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt điều của Campuchia sang Việt Nam đạt 430 nghìn tấn, trị giá 476 triệu USD, tăng 3.626% (tương đương gần 37 lần) về lượng và tăng 3.056% (tương đương gần 31 lần) về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ trọng xuất khẩu hạt điều sang Việt Nam chiếm 99,55% tổng lượng xuất khẩu của Campuchia trong 6 tháng đầu năm 2024, cao hơn nhiều so với tỷ trọng 4,94% trong 6 tháng đầu năm 2023.
Việt Nam, quốc gia xuất khẩu hạt điều số một thế giới, vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu chế biến trong nước, buộc các doanh nghiệp phải nhập khẩu lượng lớn hạt điều. Campuchia đã trở thành nguồn cung cấp chính, bên cạnh các nhà cung cấp từ châu Phi.
Việt Nam nhập khẩu hơn 17.000 tấn cà phê nhân từ Brazil
Minh Phúc khai thác
7 tháng đầu năm, Việt Nam - nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới đã mua 17.428 tấn cà phê nhân từ Brazil, với trị giá hơn 59 triệu USD.
Theo số liệu từ Trung tâm Thống kê ngoại thương nhà nước Brazil (Comex Stat), trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam - nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới đã mua tổng cộng 17.428 tấn cà phê nhân từ Brazil, với trị giá hơn 59 triệu USD, tăng đột biến 5,4 lần về lượng và gần 5,3 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây cũng là khối lượng cà phê lớn nhất mà Việt Nam nhập khẩu từ Brazil kể từ trước đến nay, cao hơn cả mức 12.609 tấn của cả giai đoạn 2021-2023 cộng lại. Nhập khẩu cà phê của Việt Nam từ Brazil tăng mạnh trong bối cảnh sản lượng trong nước giảm, tồn kho ở mức thấp.
Tây Ninh quy định mật độ chăn nuôi
Trần Trung sản xuất
UBND tỉnh Tây Ninh vừa thống nhất nội dung tờ trình của Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh về Quy định mật độ chăn nuôi nhằm góp phần quản lý tốt công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát ô nhiễm môi trường .
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, thời gian qua, các dự án đầu tư lĩnh vực chăn nuôi chủ yếu tập trung vào những địa bàn có diện tích đất nông nghiệp lớn, xa khu dân cư, thuận lợi trong thực hiện an toàn dịch bệnh như Tân Biên, Tân Châu, Bến Cầu và Châu Thành.
Trong khi đó, những địa phương không thu hút được dự án đầu tư do quá trình đô thị hóa nhanh, giá đất nông nghiệp cao, nhiều khu dân cư tập trung cần phải giảm mật độ chăn nuôi như thị xã Trảng Bàng, thị xã Hòa Thành, huyện Gò Dầu, thành phố Tây Ninh và huyện Dương Minh Châu.
Theo tờ trình, quy định mật độ chăn nuôi trên toàn tỉnh đến năm 2030 không vượt quá 1,5 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp. Trong đó, Mật độ chăn nuôi của thành phố Tây Ninh 0,15 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp; huyện Bến Cầu 2,5 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp.
Việc giảm mật độ chăn nuôi ở các địa phương này là phù hợp với định hướng Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.