Kè biển chưa bàn giao đã xuống cấp. Lợi ích từ mô hình ‘Ruộng lúa bờ hoa’. Đóng cửa cống lớn thứ 2 ĐBSCL do mặn trên sông Tiền gia tăng. Khơi dậy khát vọng khởi nghiệp học sinh THPT.
Dự án tuyến đường ven kè biển do UBND huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) làm chủ đầu tư, và Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Tuấn Linh (địa chỉ tại thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa) là đơn vị thi công có chiều dài 2,1 km, vừa thông xe kỹ thuật vào ngày 29/4, nhưng đến ngày 4/5 thì đoạn kè biển chắn sóng của dự án thuộc địa phận thôn 1 (xã Hoằng Trường) đã bị sóng đánh sập.
Tuyến kè này có chiều dài cả trăm mét chạy dọc biển, là hạng mục công trình quan trọng được đầu tư xây dựng nhằm gia cố, bảo vệ tuyến đường du lịch ven biển khu du lịch tại huyện Hoằng Hóa. Hiện nay công trình chưa bàn giao, tuy nhiên, thời gian qua đã xuất hiện dấu hiệu xuống cấp. Theo quan sát, đoạn kè dài hơn 10m đã bị đánh sập, gây vỡ mái đê và khoang đê, cuốn trôi cát ra biển gây rỗng hàm ếch dưới mái đê, làm mất an toàn cho tuyến đê. Bề mặt bê tông mới vừa thi công xong chưa lâu, nhưng đã xuất hiện nhiều vết nứt ngang, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an toàn công trình. Nếu không được khắc phục kịp thời sẽ có nguy cơ hư hỏng toàn bộ công trình.
Lợi ích từ mô hình ‘ruộng lúa bờ hoa’
Việt Khánh sx
Mô hình “ruộng lúa bờ hoa” có quy mô 10 ha tại xứ đồng Bàn, xóm Đông Sơn, xã Hậu Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, thu hút 77 hộ nông dân tham gia. Thông qua đây bà con được cán bộ trồng trọt, bảo vệ thực vật hướng dẫn các nguyên tắc, biện pháp kỹ thuật IPHM và hiểu rõ sinh lý của cây lúa ở từng giai đoạn, từ đó áp dụng biện pháp phù hợp để tạo điều kiện cho cây trồng phát triển ổn định, chống chịu tốt với sinh vật gây hại.
Mô hình quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp giúp giảm thiểu số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, thiết lập cân bằng hệ sinh thái. Đồng thời tăng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.
So sánh với phương thức canh tác truyền thống, ruộng lúa áp dụng mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp lãi cao hơn 2 triệu đồng/ha. Được biết, mô hình này do Trung tâm bảo vệ thực vật vùng khu 4 phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Nghệ An triển khai.
Đóng cửa cống lớn thứ 2 ĐBSCL do mặn trên sông Tiền gia tăng
Minh Đảm sx
Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang. Do ảnh hưởng của kỳ triều cường đầu tháng 4 Âm lịch và gió mùa Tây Nam chuyển về phía Đông Bắc nên mực nước triều cường trong đợt này cao, độ mặn trên truyến sông Tiền tăng nhẹ trở lại. Đến sáng ngày 8/5, độ mặn tại cầu Kinh Xáng, xã Song Thuận, huyện Châu Thành (cách cửa sông 55 km) đo được 0,69 gam/lít và sẽ tiếp tục tăng trong vài ngày tới, trong khi cùng thời điểm này năm 2016 không có mặn.
Từ tình hình diễn biến xâm nhập mặn nêu trên, Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 đã phối hợp vận hành đóng ngăn mặn cống âu Nguyễn Tấn Thành. Vì vậy các phương tiện thuỷ sẽ không lưu thông qua khu vực này bắt đầu từ 13 giờ ngày hôm nay cho đến khi có thông báo mới.
Khơi dậy khát vọng khởi nghiệp học sinh THPT
Đình Hợi sx
Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn tổ chức hội thảo “Hành trình khởi nghiệp từ trường trung học phổ thông”. Hội thảo truyền tải 3 nội dung gồm: Chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp; Hoạt động khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; nhu cầu nguồn nhân lực trong cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo thu hút hơn 2.400 học sinh khối 12, một số dự trực tiếp tại hội trường THPT Bắc Kạn, còn lại dự tại 14 điểm cầu trong toàn tỉnh. Các em học sinh ở miền núi trăn trở, dù địa phương có nhiều tiềm năng, đặc biệt là khởi nghiệp trong sản xuất nông lâm nghiệp nhưng còn thiếu kỹ năng, chưa được tiếp cận nhiều các mô hình khởi nghiệp thành công. Chuyên gia đã giới thiệu cho các em học sinh những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu, thành công để các em học hỏi.