Không giấu dịch khi phát hiện tôm nhiễm bệnh. Không phát sinh lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Cam Lâm. Bình Phước đặt mục tiêu sớm đạt vùng an toàn dịch bệnh chuẩn quốc tế. Khởi công khai thác mỏ cát biển thi công thí điểm các tuyến cao tốc.
Từ đầu tháng 4 năm 2024 đến nay, tại tỉnh Quảng Bình có nhiều đợt nắng nóng kéo dài đã làm cho môi trường ao nuôi biến đổi đột ngột, nguy cơ xảy ra các loại tôm nhiễm bệnh.
Hiện, tổng diện tích thả nuôi tôm mặn lợ toàn tỉnh đạt gần 1.200 hecta. Thời gian gần đây, dịch bệnh đốm trắng đã xảy ra tại một số hộ nuôi thuộc các xã Hàm Ninh, Võ Ninh của huyện Quảng Ninh với tổng diện tích hồ nuôi tôm bị nhiễm bệnh gần 1 ha.
Nhằm hạn chế những tác động bất lợi của thời tiết nắng nóng và đảm bảo cho vụ nuôi thắng lợi, ngành NN - PTNT Quảng Bình khuyến cáo các hộ nuôi tôm theo dõi chặt chẽ khả năng di chuyển của tôm để phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi phát hiện tôm chết bất thường thì phải khai báo với thú y cơ sở hoặc chính quyền địa phương để thu mẫu xét nghiệm. Đồng thời thực hiện “3 không”, là không giấu dịch, không xả nước thải chưa qua xử lý, không xả bỏ tôm chết, tôm nhiễm bệnh ra ngoài môi trường.
Không phát sinh lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi tại huyện Cam Lâm
Kim Sơ- Phương Chi sx
Ông Nguyễn Ngọc Trung, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Cam Lâm tỉnh Khánh Hoà cho biết, sau khi phát hiện xác lợn chết bỏ tại bãi đất ở thôn Tân Phú, xã Cam Thành Bắc dương tính dịch tả lợn châu phi, lực lượng thú y đã nỗ lực phòng, chống dịch bệnh. Trạm đã phân bổ 100 lít sát trùng cho 3 xã Cam Thành Bắc, Cam An Nam và Cam An Bắc để phun liên tục 1 lần/ngày trong tuần đầu tiên và phun 3 ngày/tuần trong 2 tuần tiếp theo. Đồng thời, vận động người dân khai báo kịp thời nếu phát hiện vật nuôi có dấu hiệu dịch bệnh cho chính quyền địa phương và thú y. Thực hiện cam kết “5 không” theo quy định ngành thú y. Với sự nỗ lực trên đến nay đã qua 17, đàn lợn huyện Cam Lâm chưa ghi nhận bệnh, chết do dịch tả lợn châu phi.
Bình Phước đặt mục tiêu sớm đạt chuẩn vùng an toàn dịch bệnh chuẩn quốc tế
(Trần Phi Trần Trung sản xuất)
Ngày 28/6, Sở NN-PTNT tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Tại hội nghị xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh năm 2024 vừa được tỉnh Bình Phước tổ chức, ông Trần Văn Phương - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh cho biết, Bình Phước đặt mục tiêu là tỉnh đầu tiên trên cả nước có vùng an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới WOAH -OIE. Đến năm 2030, sẽ có 11/11 huyện đạt an toàn dịch bệnh theo quy định Việt Nam và 6/11 huyện đạt an toàn dịch bệnh theo quy định WOAH-OIE.
Để triển khai hiệu quả, ngành nông nghiệp Bình Phước đề nghị Cục Thú y, Bộ NN - PTNT quan tâm, hỗ trợ và có ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể việc xây dựng kế hoạch ứng phó dịch bệnh theo tiêu chuẩn Việt Nam và OIE.
Đồng thời có quy định, hướng dẫn các biện pháp kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật giữa các huyện trong tỉnh, giữa vùng an toàn dịch bệnh và không an toàn dịch bệnh nhằm đảm bảo thực thi kiểm soát an toàn, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Khởi công khai thác mỏ cát biển thi công thí điểm các tuyến cao tốc
Kim Anh sx
Ngày 29/6, nhà thầu là Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Kỹ thuật VNCN E&C đã tổ chức lễ khởi công khai thác mỏ cát biển làm vật liệu thi công thí điểm đoạn tuyến cao tốc đi qua các tỉnh Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau.
Khu vực mỏ cát biển tại Tiểu khu B1.1 và B1.2 thuộc khu B1 vùng biển tỉnh Sóc Trăng, có diện tích khoảng 100 ha và được giới hạn bởi 4 điểm góc có tọa độ cụ thể. Độ sâu được phép sử dụng đến 7,5m, độ cao được phép sử dụng đến 5m tính từ mặt nước biển. Thời gian khai thác dự kiến từ nay đến 1/7.
Để việc thi công cát biển được thuận lợi, không ảnh hưởng đến môi trường và đời sống sinh hoạt của người dân trong khu vực, Bộ GTVT cùng với UBND các địa phương có dự án đi qua phối hợp với Chủ đầu tư trong việc kiểm tra, giám sát, theo dõi quá trình tổ chức triển khai thực hiện thí điểm mở rộng trên Dự án.