Ngành nông nghiệp phải bình tĩnh, sáng suốt vượt qua 'những cơn gió ngược'. Đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới. Hơn 700 chậu quýt hồng Lai Vung cung ứng dịp Tết. Trình diễn máy sạ cụm 16 hàng tại Quảng Nam.
NGÀNH NÔNG NGHIỆP PHẢI BÌNH TĨNH, SÁNG SUỐT VƯỢT QUA ‘NHỮNG CƠN GIÓ NGƯỢC’
Quang Dũng – Thanh Thủy - Sản xuất
Chiều 3/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo hội nghị.
Năm 2023, ngành nông nghiệp đã chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành… theo đúng định hướng tại Nghị quyết "Tam nông" và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Đáng chú ý, tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp đạt 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay đạt 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%. Năm nay cũng là lần đầu tiên Việt Nam bán được 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng, thu về 1.200 tỷ đồng.
Năm 2024, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,0 - 3,5%. Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 - 55 tỷ USD. Phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; có 290 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm đạt 82%...
Phát tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao đóng góp của ngành nông nghiệp trong thành tích chung của cả nước. Đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh, toàn ngành đã xoay chuyển tình thế từ bị động, bất ngờ sang chủ động, kịp thời, sáng tạo và tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức để đạt kết quả cao. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp đã chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự, chống đỡ sang tấn công, đẩy mạnh xuất khẩu như gạo, rau quả… để xác lập kỷ những lục mới. Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị toàn ngành phải luôn bình tĩnh, sáng suốt để vượt qua những “cơn gió ngược”, biến thách thức thành cơ hội, mạnh mẽ và quyết đoán hơn trong giải quyết những tồn đọng của ngành. Song song với đó, ngành nông nghiệp phải có tư duy đổi mới, tầm nhìn có chiến lược, không bị động, lúng túng trước khó khăn. Thủ tướng cũng vui mừng khi thấy rằng năm 2023 là một năm được mùa, được giá của ngành nông nghiệp. Từ đó khẳng định vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế cả nước.
ĐƯA VIỆT NAM TRỞ THÀNH TRUNG TÂM CHẾ BIẾN SÂU CỦA NÔNG NGHIỆP THẾ GIỚI
Quang Linh khai thác
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, đến 2030, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trồng trọt đạt trên 26 tỷ USD.
Đến năm 2050, trồng trọt phải trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại, thuộc nhóm đứng đầu khu vực và thế giới. Việt Nam trở thành trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới.
Chiến lược nêu rõ, Việt Nam giữ ổn định diện tích 3,56 triệu ha đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước 3 triệu ha, sản lượng trên 35 triệu tấn thóc. Điều này giúp bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu.
Với mặt hàng rau, cần xây dựng các cụm liên kết gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ tại địa phương, vùng trồng có sản lượng lớn và phát triển vùng sản xuất rau an toàn, đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
HƠN 700 CHẬU QUÝT HỒNG LAI VUNG CUNG ỨNG DỊP TẾT
Văn Vũ sx
Huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp nổi tiếng với đặc sản là cây quýt hồng. Để tăng giá trị kinh tế của loại cây này, nhiều nông dân đã sáng tạo, đưa cây quýt hồng "lên" chậu để phục vụ khách hàng trưng tết.
Cây quýt hồng trồng trong chậu có chiều cao trung bình từ 1 - 1,6m và cho nhiều quả to, chất lượng quả ngon ngọt, màu sắc đẹp.
Ngoài việc bán trực tiếp, một số nhà vườn kinh doanh trực tuyến thông qua mạng xã hội.
Theo Tổ hợp tác trồng quýt hồng trong chậu xã Vĩnh Thới, những năm trước có gần 20 hộ tham gia trồng nhưng năm nay hiện chỉ còn 5 hộ trồng quýt trong chậu, với trên 700 chậu quýt cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán 2024.
Hiện nay, thị trường tiêu thụ của quýt hồng Lai Vung trồng trong chậu chủ yếu các tỉnh ĐBSCL, Thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam bộ… Năm nay, giá bán quýt hồng trong chậu dao động từ 1 - 5 triệu đồng/chậu, tùy loại.
Thu tuong dung voi ba mac ao xanh xanh
TRÌNH DIỄN MÁY SẠ CỤM 16 HÀNG TẠI QUẢNG NAM
Lê Khánh sx
Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng vừa phối hợp Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Hồng 2, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trình diễn máy sạ cụm bón phân vùi 16 hàng.
Theo lãnh đạo Công ty Sài Gòn Kim Hồng, loại máy sạ cụm này đã được người dân vùng ĐBSCL biết đến và đưa vào sản xuất từ năm 2019. Mỗi năm, công ty cung ứng ra thị trường này khoảng 200 máy. Việc sử dụng máy sạ cụm để gieo sạ mang lại nhiều hiệu quả như tiết kiệm được đến 50% lượng giống, giảm công lao động, tiết kiệm chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật so với cấy khay mạ hoặc sạ lan truyền thống.