Nông dân hào ứng áp dụng công nghệ 4.0
Mỗi năm, vùng ĐBSCL canh tác gần 4,2 triệu ha với tổng sản lượng khoảng 24 triệu tấn lúa, trong đó khoảng 50% cho tiêu dùng nội địa và 50% phục vụ xuất khẩu. Thời gian qua, nhờ ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất mà năng suất, chất lượng lúa không ngừng được nâng lên.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia nông nghiệp, bước tăng trưởng đó vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của vùng châu thổ này. Cụ thể, giá thành sản xuất lúa còn cao, tình trạng thất mùa do thiên tai, dịch bệnh vẫn thường xuyên xảy ra, đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của nông dân.
Khi khoa học công nghệ phát triển, nhất là công nghệ 4.0 đang được đón nhận, ngày nay, ở bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào, nông dân canh tác lúa chỉ cần mở điện thoại thông minh cập nhật là có thể biết được các chỉ số quan trọng trong ruộng lúa của mình để chủ động xử lý kịp thời. Với những dữ liệu thu thập từ các hệ thống quan trắc được lắp đặt tại đồng ruộng, bằng các thiết bị di động, bà con nông dân có thể biết được thực trạng nguồn nước tưới tiêu, độ pH, độ mặn và tình hình sâu bệnh, cũng như sự thay đổi của thời tiết để chủ động có biện pháp chăm sóc lúa.
Đây là cách làm hiệu quả, góp phần giảm thiểu rủi ro, giảm chi phí, gia tăng năng suất, chất lượng lúa hàng hóa và hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững. Hình thức sản xuất khá mới mẻ này được nhà nông gọi là canh tác lúa từ xa.
Những năm gần đây, một số tỉnh thành vùng ĐBSCL đã được ngành nông nghiệp hỗ trợ lắp đặt một số hệ thống quan trắc trên đồng ruộng như trạm quan trắc giám sát khí tượng thủy văn, trạm cảm biến giám sát côn trùng.… đã giúp nhà nông có thể chủ động trong canh tác lúa ở một số công đoạn quan trọng, góp phần dần định hình phương thức mới trong canh tác lúa ở vùng ĐBSCL.
Việc đồng áng chưa bao giờ nhàn như vậy
Được sự quan tâm của UBND tỉnh Đồng Tháp, HTX Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Đông 2 (HTX Mỹ Đông 2) ở xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười) đã tiến hành xây dựng hệ thống trạm bơm điện kết hợp với cơ sở hạ tầng (kênh mương, giao thông nội đồng, điện, hệ thống tưới tiêu thông minh phục vụ sản xuất lúa) và mô hình 4.0 thích ứng với biến đổi khí hậu, phục vụ diện tích 170ha của HTX.
Ông Hồ Văn Mười, Phó Giám đốc HTX Mỹ Đông 2 cho biết: Ngày trước, khu vực này cũng có trạm bơm nhưng quy mô nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất của người dân. Từ năm 2017, được sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, tỉnh đã hỗ trợ trên 30 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng gồm kênh mương, giao thông nội đồng, điện, hệ thống tưới tiêu thông minh nhằm giúp tiết kiệm nước, giảm chi phí trong sản xuất.
Theo ông Mười, đây là mô hình mở rộng từ mô hình điểm được HTX Mỹ Đông 2 phối hợp với Công ty Cổ phần Rynan Technologies Việt Nam (Công ty Rynan) thí điểm thực hiện từ vụ đông xuân 2017 - 2018 với diện tích 7,6ha. Trên cơ sở hiệu quả của mô hình mang lại trong việc giảm chi phí về giống, phân bón, nhân công, tiết kiệm nước..., tỉnh Đồng Tháp đã mở rộng dự án lên hàng trăm ha tại HTX. Theo đó, tỉnh đầu tư các hạng mục về cơ sở hạ tầng, Công ty Rynan cung cấp thiết bị ứng dụng điều khiển chế độ tưới ngập - khô xen kẽ theo công nghệ điện toán đám mây với tổng kinh phí trên 30 tỷ đồng.
Việc kết hợp thông số quan trắc mực nước, ống cảm biến để kiểm soát tưới ướt - khô xen kẽ và trạm điều khiển bơm giúp HTX thuận tiện trong việc điều chỉnh mực nước tại ruộng. Cụ thể, hệ thống trạm bơm điện gồm 2 máy bơm được điều khiển bằng hệ thống cảm biến nên người quản lý trạm điều khiển chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh có kết nối Internet sẽ điều khiển từ xa cho hệ thống trạm bơm cấp nước vào ruộng đúng lúc, đúng thời điểm và tự động hóa thông qua điện thoại thông minh. Ngoài ra, mô hình này cũng góp phần tiết kiệm nước, nâng cao giá trị, lợi nhuận cho người sản xuất lúa.
Theo tính toán của Phó Giám đốc HTX Mỹ Đông 2, hệ thống trạm bơm này giúp giảm 30% chi phí bơm nước do rút ngắn được thời gian. Cụ thể, nếu bơm bình thường phải mất từ 2 - 3 ngày mới bơm đầy nước, còn bơm nước bằng máy bơm biến tần này chỉ mất 1,5 ngày là đảm bảo đầy nước tưới cho cánh đồng rộng hàng trăm ha mà nông dân không mất nhiều công sức.
“Là cây lúa nước nhưng không phải lúc nào cây lúa cũng cần nước. Tùy theo từng giai đoạn phát triển và sinh trưởng cụ thể mà nông dân nông cung cấp nước theo nhu cầu của cây lúa”, ông Điền nói.
Ông Nguyễn Văn Tê, thành viên HTX Mỹ Đông 2 canh tác 3,5ha lúa cho biết: Kể từ vụ đông xuân năm 2020, anh không cần ra đồng mà vẫn có thể biết được ngay các chỉ số cần thiết ngoài đồng lúa như độ mặn, độ pH, mực nước. Qua đó có thể chủ động xử lý kịp thời cho canh tác lúa. Theo ông Tê, việc đồng áng chưa bao giờ thuận lợi và dễ dàng như vậy. Tất cả cũng nhờ hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn, ứng dụng công nghệ mới vào canh tác lúa.
Ông Kim Khắc Điền, đại diện Công ty Cổ phần Rynan Technologies Việt Nam phân tích: Trong sản xuất nông nghiệp, lúa là cây trồng sử dụng nước nhiều nhất, vì vậy chủ động nguồn nước tưới tiêu được xem là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo năng suất.
Cũng nhờ hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn do nhà nước đầu tư mà nhà nông rất thuận lợi để ứng dụng kỹ thuật tưới nước tiết kiệm trong canh tác lúa bằng phương pháp ngập - khô xen kẽ. Đây là tiến bộ kỹ thuật đang được ngành nông nghiệp khuyến khích áp dụng và nhân rộng.
Dịch vụ mới của nghề trồng lúa
Khi canh tác lúa với quy mô lớn, theo hướng hiện đại thì phương pháp truyền thống đã bộc lộ nhiều nhược điểm như tốn nhiều công lao động, chi phí tăng cao và độ chính xác về liều lượng, số lượng phun thuốc cũng không được như mong muốn.
Những năm gần đây, Drone (thiết bị bay không người lái) phun thuốc BVTV đã trở thành một nông cụ mới không chỉ giúp nhà nông nâng cao hiệu quả lao động, giảm chi phí sản xuất mà còn góp phần ổn định năng suất, chất lượng lúa hàng hóa. Việc ứng dụng công nghệ mới này vào canh tác lúa là bước chuyển đổi quan trọng và tạo thêm dịch vụ mới nâng cao thu nhập cho nhiều hộ dân ở ĐBSCL.
Canh tác 30ha lúa, trước đây mỗi khi cần phun thuốc BVTV, anh Lê Quốc Trung (thị trấn Tràm Chim, huyện Tam Nông, Đồng Tháp) phải huy động hơn chục người để hỗ trợ việc đồng áng. Mấy năm qua, gia đình anh đã đầu tư 2 chiếc Drone hơn 1 tỷ đồng nên việc phun thuốc BVTV, rải phân bón, sạ lúa nhàn tênh. Công việc này không chỉ thuận lợi mà còn giúp gia đình anh có thêm nguồn thu nhập khá cao nhờ làm thêm dịch vụ.
Anh Trung cho biết, chính những ưu điểm đó mà hiện nay ở ĐBSCL nhiều tổ dịch vụ Drone đã ra đời. Ngoài phun thuốc BVTV, Drone còn sử dụng để sạ lúa, bón phân, góp phần giải phóng sức lao động cho hàng ngàn lao động ở các địa phương.
Cái hay của Drone là phần mềm lưu trữ của hệ thống sẽ cập nhật chi tiết từng lần phun như thời gian, số lượng, danh mục phân bón, thuốc BVTV. Đây cũng là nhật ký đồng ruộng để người trồng lúa có thể kiểm soát mọi hoạt động trong canh tác, quan trọng hơn nữa là có thể truy xuất nguồn gốc nông sản.
Hiện nay, các địa phương tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ nhà nông và các tổ chức nông dân ứng dụng Drone trong cánh đồng lớn và các HTX nông nghiệp. Đây cũng là xu thế phát triển của một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.