| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam đang nỗ lực rất lớn để thoát thẻ vàng

Thứ Sáu 24/08/2018 , 09:30 (GMT+7)

Việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khai thác hải sản trên biển đối với ngư dân còn là danh dự quốc gia.

Chúng ta tuyên truyền để ngư dân hiểu rằng nếu sang nước khác khai thác là vi phạm luật pháp quốc tế và phải thấy xấu hổ. Chậm khắc phục điều này thì thẻ vàng không sớm thoát ra mà còn ảnh hưởng đến lòng tự trọng quốc gia.

Phó tổng cục trưởng Tổng Cục thủy sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quang Hùng nhấn mạnh như vậy trong cuộc trả lời PV NNVN.

Phó tổng cục trưởng Tổng Cục thủy sản Nguyễn Quang Hùng trong cuộc trả lời PV NNVN (Ảnh: T.H)


Cơ hội để xây dựng nghề cá tốt lên

Lãnh đạo ngành thủy sản khẳng định rằng, các khuyến cáo của EC đối với thủy sản Việt Nam là đúng và đây là cơ hội để chúng ta xây dựng nghề cá tốt lên. Phía Việt Nam nhận thức đúng điều đó và EC cũng đánh giá cao về nhận thức này.

Trả lời câu hỏi đâu là căn cứ để EC đưa ra các khuyến cáo và trong lịch sử đã có những nước nào bị rút thẻ vàng như Việt Nam, ông Hùng cho biết, ngay cả Hàn Quốc, Philippin cũng bị rút thẻ đỏ. Nguyên nhân chính là các nước đánh bắt bất hợp pháp. Do đó không chỉ có thẻ vàng mà có 9 nước từng bị rút thẻ đỏ. Còn căn cứ để EC đưa ra quy định này là họ dựa vào một quy định của FAO về nguồn gốc nguồn lợi thủy sản. Việc quản lý nguồn gốc xuất xứ sản phẩm theo tôi là điều rất tốt.

Thưa ông, EC vừa có chuyến kiểm tra tại Việt Nam. Đề nghị ông cho biết, điều gì mà EC hài lòng và chưa hài lòng, đòi hỏi Việt Nam tiếp tục hành động thực hiện có hiệu quả các khuyến cáo đó?

Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Ủy ban Châu Âu (EC) đánh giá Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam có nhiều nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của EC. Đoàn ghi nhận sự vào cuộc tích cực của các cơ quan Trung ương trong việc chống khai thác IUU. Đoàn cũng đánh giá cao Việt Nam thông qua Luật Thủy sản năm 2017, đảm bảo tương thích với các quy định của khu vực và quốc tế.

Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế, EC cho rằng hiện trạng chống khai thác IUU của Việt Nam tại các địa phương chưa được cải thiện đáng kể, đặc biệt là triển khai trên thực tế còn yếu. Các địa phương chưa chỉ đạo sát sao cơ quan chuyên môn trong việc chứng nhận, xác nhận sản phẩm thủy sản khai thác; hệ thống giám sát tàu cá chưa đáp ứng được yêu cầu. Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn diễn biến phức tạp. Mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm khai thác IUU còn thấp, chưa tạo được sự răn đe, chưa tương đồng với một số nước trong khu vực và quốc tế.

Theo ông, vấn đề nào trong các khuyến cáo của EC mà Việt Nam rất khó thực hiện vì vướng phải thực tiễn của Việt Nam? Đâu là giải pháp tiếp theo của Việt Nam?

Nghề cá Việt Nam có quy mô nhỏ, đa ngành, nghề, đa loài (hiện nay, cả nước có hơn 108.000 chiếc, trong đó số lượng tàu có chiều dài từ 15 m nước trở lên khoảng 28.600 chiếc).

Trình độ văn hóa đại bộ phận ngư dân còn thấp. Lao động nghề cá phần lớn được đào tạo theo phương thức “cha truyền con nối”. Ví dụ để xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản thì ngư dân phải ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản theo quy định. Nhưng qua kiểm tra, đa phần ngư dân không ghi nhật ký, một số có ghi nhưng ghi không đầy đủ.

Tình trạng ngư dân vi phạm vùng biển các nước trong khu vực Đông Nam Á còn tiếp diễn. Trong khi đó, lực lượng thanh tra của chúng ta còn mỏng, thiếu nguồn lực, thiếu cơ sở vật chất và thiết bị cần thiết để phát hiện và xử lý.

Việc đầu tư cho cảng cá, bến cá còn hạn chế, không đáp ứng sự phát triển nhanh về số lượng tàu cá hiên nay.

Thời gian tới bên cạnh việc tập trung hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo chế tài đủ mạnh, Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo về Khai thác IUU đảm bảo cơ chế chỉ đạo điều hành kịp thời, thông suốt, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương, trong đó sẽ ưu tiên công tác quản lý tàu cá, sản lượng cập bến tại cảng, công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, công tác thanh tra kiểm tra và giám sát tàu cá.
 

Cần giải quyết từ gốc của vấn đề

Nhân đây, chúng tôi muốn được biết, kinh nghiệm của một số nước xử lý tàu cá vi phạm vùng đánh bắt như thế nào? Việt Nam cần học gì ở các nước từng bị rút thẻ vàng?

Một số nước sau khi bị EC cảnh báo “thẻ vàng” đã tăng cường thực hiện nhiều giải pháp để chống khai thác IUU, đặc biệt là giải pháp về thể chế và các biện pháp thực thi.

Ví dụ như Thái Lan thành lập Trung tâm chỉ huy, đấu tranh chống hoạt động IUU fishing (đặt dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng) và 28 Trung tâm kiểm soát và quản lý hoạt động khai thác thủy sản tại 22 tỉnh vùng biển. Tăng cường xử lý các hành vi vi phạm khai thác IUU. Sửa đổi Luật nghề cá, quy định tất cả tàu cá phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Xử lý nghiêm tàu cá đánh bắt không có giấy phép và các hành vi IUU khác.

Tôi xin kể một cách làm của Úc về vấn đề này. Họ theo dõi một tàu cá từ khi vi phạm đến khi lai dắt vào bờ thực hiện xử lý, thậm chí là bắt bỏ tù ngư dân, họ tính một tàu như thế mất 1 triệu đô la. Mới đây, họ thay đổi cách làm này.

“Ở Đài Loan sau khi tàu cá cập cảng, ngư dân sẽ lên bờ về nhà ngủ. Việc kiểm kê, phân loại hải sản đánh bắt và tiến hành bán sản phẩm sẽ do các nhân viên Ban quản lý Cảng cá thực hiện. Số tiền bán được sẽ chuyển vào tài khoản cho ngư dân. Tôi cho rằng, mô hình này khá hay và chỉ khi sự tin tưởng và cách làm minh bạch, khoa học như thế sẽ kiểm soát được nguồn gốc, nguồn lợi hải sản trên biển”, ông Nguyễn Quang Hùng chia sẻ.

Họ tổ chức các chuyến đến trực tiếp các địa phương, quốc gia có tàu cá vi phạm để tuyên truyền bằng các hình ảnh trực quan, nói rõ quy định pháp luật nước họ và nhấn mạnh việc bắt bỏ tù. Họ thực hiện truyền thông và để ngư dân cùng tham gia, trao tặng các phần cho ngư dân trong quá trình giao lưu.

Đến Việt Nam, Úc đã tiến hành tổ chức các cuộc như thế tại Bình Định, Quảng Ngãi, Bà Rịa – Vũng Tàu. Và quả thực, sau khi được phía Úc tuyên truyền như thế, không một tàu cá Việt Nam vi phạm vào vùng đánh bắt hải sản ở nước họ. Rõ ràng, cách mà Úc họ làm là đi từ gốc của vấn đề. Cách làm đó không chỉ tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho chính ngư dân nước họ mà cả ngư dân các nước. Đó là điều mà chúng ta nên học.

Ở In đô nê xi a, họ làm nghiêm, thu giấy phép khai thác, tích thu sản phẩm, đánh chìm tàu cá vi phạm.

Ông có lạc quan về triển vọng EC sẽ gỡ thẻ vàng cho Việt Nam trước khi kết thúc năm 2018? Kế hoạch sắp tới, hai bên có những cuộc họp nào để bàn bạc, trao đổi, tạo sự hiểu biết lẫn nhau nhằm tháo gỡ thẻ vàng hay không?

Ngay sau khi EC cảnh báo thẻ vàng đối với Việt Nam, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố ven biển, cả hệ thống chính trị đã tập trung vào cuộc chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hành động thực chất, hiệu quả các giải pháp để khắc phục các khuyến nghị của EC.

Chính phủ xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị hàng đầu của bộ, ngành, địa phương, không để EC áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”; sớm tháo gỡ cảnh báo “thẻ vàng”; đồng thời coi đây là cơ hội để sắp xếp, chấn chỉnh lại hoạt động khai thác hải sản, phù hợp, đáp ứng với yêu cầu của quốc tế.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị vào cuộc như vậy, tôi cho rằng Việt Nam sẽ sớm tháo gỡ được thẻ vàng.

Hiện tại, phía Việt Nam đang phối hợp chặt chẽ với phía Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản (DG-MARE) thuộc Ủy ban Châu Âu. Dự kiến tháng 9, sẽ tổ chức Hội thảo trực tuyến với phía EC về tình hình và tiến độ triển khai các khuyến nghị của EC. Khoảng 10, Đoàn Nghị viện Châu Âu sẽ sang làm việc với Việt Nam.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tính từ ngày 23/10/2017 đến tháng 7/2018, đã xảy ra 44 vụ/75 tàu/482 ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý; cụ thể: Kiên Giang: 15 vụ/26 tàu/133 ngư dân; Cà Mau: 12 vụ/15 tàu/87 ngư dân; Bình Định: 5 vụ/8 tàu/70 ngư dân; Bình Thuận: 5 vụ/7 tàu/51 ngư dân; Bến Tre: 3 vụ/11 tàu/61 ngư dân; Bà Rịa – Vũng Tàu: 1 vụ/3 tàu/23 ngư dân; Phú Yên: 1 vụ/2 tàu/14 ngư dân; Quảng Ngãi: 1 vụ/2 tàu/30 ngư dân; Tiền Giang: 1 vụ/1 tàu/13 ngư dân.

 

Xem thêm
Thời của tôm sú?

Theo số liệu của Liên minh Thủy sản Toàn cầu (GSA), Trung Quốc, Việt Nam là hai quốc gia sản xuất tôm sú lớn nhất thế giới, với sản lượng mỗi nước khoảng 150.000 tấn.

Phú Lương lần đầu tổ chức Ngày hội hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS

Sáng 21/4, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) tổ chức Ngày hội Tư vấn hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024.

‘Con tôm ôm Thụy Hương 308’ cùng phát triển bền vững

Giống lúa lai ba dòng Thụy Hương 308 đem đến năng suất vượt trội, khả năng chống chịu phù hợp với mô hình luân canh lúa - tôm trên những cánh đồng mặn xâm nhập.

Những gương mặt 'vàng' trong danh sách trả nợ trái phiếu doanh nghiệp bất động sản

Năm 2024, hơn 90 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn với tổng nợ vay gần 100.000 tỷ đồng. Trong đó, nhiều 'ông lớn' có nợ tới hàng nghìn tỷ.