| Hotline: 0983.970.780

Việt Nam sẽ tổ chức hội nghị Bệnh học Thực vật châu Á 2027

Thứ Sáu 23/08/2024 , 15:32 (GMT+7)

Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức hội nghị Bệnh học Thực vật châu Á năm 2027 (ACPP 2027) với chủ đề 'Sức khỏe cây trồng trong một nền nông nghiệp bền vững'.

Bệnh khảm lá đang gây thiệt hại cho nhiều diện tích sắn ở Việt Nam. Ảnh: TS.

Bệnh khảm lá đang gây thiệt hại cho nhiều diện tích sắn ở Việt Nam. Ảnh: TS.

Đại diện Việt Nam vừa tham dự hội nghị Bệnh học Thực vật châu Á (ACPP 2024) tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc và đăng cai tổ chức ACPP 2027.

Hội nghị Bệnh học Thực vật châu Á năm 2024 (ACPP 2024) là một trong những sự kiện học thuật có uy tín và ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực bệnh cây ở châu Á.

ACPP đầu tiên được tổ chức bởi Hiệp hội Bệnh học Thực vật Trung Quốc tại Bắc Kinh vào tháng 8/2000, đánh dấu sự thành lập chính thức của Hiệp hội các Hội Bệnh cây châu Á. 

Kể từ đó, ACPP đã được tổ chức thành công tại Singapore (2005), Indonesia (2007), Úc (2011), Thái Lan (2014) và Hàn Quốc (2017), cung cấp một nền tảng quan trọng cho các nhà nghiên cứu bệnh học thực vật cũng như giảng viên và sinh viên từ châu Á, châu Đại Dương và trên thế giới để trao đổi các kết quả nghiên cứu mới nhất và thảo luận về xu hướng phát triển của bệnh học thực vật.

ACPP 2024 là hội nghị Bệnh học Thực vật châu Á lần thứ 7 được tổ chức tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc trong tháng 8/2024. Hội nghị do Hiệp hội Bệnh học Thực vật Trung Quốc tổ chức với sự phối hợp của Trường Đại học Nông nghiệp Cát Lâm, Học viện Khoa học Nông nghiệp Cát Lâm, Trạm Khuyến nông Công nghệ nông nghiệp tỉnh Cát Lâm và các đơn vị khác.

ACPP 2024 thu hút các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh từ 24 quốc gia với 10 bài giảng phiên toàn thể, 99 bài báo cáo tại các tiểu ban, 9 báo cáo quốc gia về hiện trạng bệnh hại thực vật, 30 báo cáo của sinh viên và 205 báo cáo poster.

Ngành bệnh học thực vật ở Việt Nam đang đi sau các nước tiên tiến, khiến công tác nghiên cứu, phòng chống dịch hại cây trồng còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TS.

Ngành bệnh học thực vật ở Việt Nam đang đi sau các nước tiên tiến, khiến công tác nghiên cứu, phòng chống dịch hại cây trồng còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh: TS.

ACPP 2024 không chỉ tăng cường hơn nữa ảnh hưởng quốc tế của bệnh học thực vật Trung Quốc ở châu Á mà còn thúc đẩy trao đổi học thuật và hợp tác trong lĩnh vực bệnh học thực vật ở các nước châu Á.

Kết thúc ACPP 2024, Hiệp hội các Hội Bệnh cây châu Á (AASPP) đã bầu ra ban điều hành mới của nhiệm kỳ 2024 - 2027. Trong đó, Chủ tịch Hiệp hội là GS.You-Liang Peng (Trung Quốc). Hội Nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam được bầu là Phó Chủ tịch AASPP.

Đặc biệt, tại ACPP 2024, Hội Nghiên cứu Bệnh hại Thực vật Việt Nam (VPS) đã vinh dự được đăng cai tổ chức hội nghị Bệnh học Thực vật châu Á năm 2027 (ACPP 2027). Hội nghị này sẽ được tổ chức tại Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục Liên ngành (ICISE), thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định với chủ đề “Sức khỏe cây trồng trong một nền nông nghiệp bền vững”.

Tuy nhiên, một vấn đề đang được đặt ra với Việt Nam - nước chủ nhà của ACPP 2027 là đang thiếu lực lượng các nhà khoa học về bệnh học thực vật giỏi chuyên môn để có thể tham gia tích cực và hiệu quả tại ACPP 2027.

Để tổ chức tốt ACPP 2027, việc cần làm ngay với nước ta hiện nay là phải đầu tư nâng cao trình độ nhà khoa học về bệnh cây. Ảnh: TS.

Để tổ chức tốt ACPP 2027, việc cần làm ngay với nước ta hiện nay là phải đầu tư nâng cao trình độ nhà khoa học về bệnh cây. Ảnh: TS.

Hiện nay, về bệnh học thực vật, ở mặt bằng chung, Việt Nam đang đi sau các nước tiên tiến trên thế giới. Cụ thể, nhiều nước đã đi sâu vào nghiên cứu ở các lĩnh vực tế bào và gen, trong khi Việt Nam hiện mới nghiên cứu đến quần thể cây. Một số nhà khoa học về bệnh cây của Việt Nam đã đi vào tế bào và gen, nhưng số lượng rất ít ỏi.

Do các nước đã đi vào nghiên cứu tế bào và gen nên phần lớn các báo cáo khoa học dự kiến trình bày tại ACPP 2027 sẽ tập trung vào những lĩnh vực này. Vì vậy, để thúc đẩy tốt việc trao đổi học thuật và hợp tác trong lĩnh vực bệnh học thực vật giữa Việt Nam với các nước châu Á thông qua ACPP 2027, việc cần làm ngay với nước ta hiện nay là phải đầu tư nâng cao trình độ nhà khoa học về bệnh cây ở Việt Nam để có một lực lượng tiệm cận với trình độ chung trên thế giới.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.