Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của dự án VnSAT triển khai tại địa phương trong 5 năm qua?
Dự án VnSAT Gia Lai đã giúp nông dân trồng cà phê ở địa phương thay đổi về tư duy làm nông nghiệp thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo kỹ thuật và các mô hình điểm, người dân không những biết sản xuất cà phê một cách hiệu quả, mà còn bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, làm nông sản sạch và bền vững.
Việc dự án đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mà đặc biệt là giao thông nội đồng, đường điện, sân phơi, nhà kho, hỗ trợ trang thiết bị đã giúp người dân thuận lợi trong sản xuất, vận chuyển, chế biến nông sản. Nhờ được tập huấn, đào tạo nên người trồng cà phê ở địa phương đã chú trọng đến khâu chế biến sau thu hoạch, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, người dân chú trọng vào sản xuất theo tiêu chuẩn sản phẩm sạch, chất lượng cao để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm cà phê dần có chất lượng hơn và được các nhà tiêu thụ mua với giá cao hơn. Bà con nông dân được học hỏi kinh nghiệm sản xuất cà phê sạch, áp dụng các phương pháp bón phân, tưới nước khoa học… Theo đó đã giảm giá thành, tăng lợi nhuận, góp phần nâng cao cuộc sống của người làm cà phê. Triển khai mô hình tưới nước tiết kiệm, dự án hỗ trợ 50/50, giúp người dân tiết kiệm chi phí sản xuất, tránh những tác động môi trường tiêu cực.
Dự án VnSAT đã góp phần định hình về các mô hình sản xuất sản phẩm cà phê bền vững. Thông qua chương trình VnSAT, bà con xác định được giống là khâu đầu tiên, quan trọng để phát triển trong nông nghiệp bền vững. Nhiều hộ được sự hỗ trợ từ dự án đã phát triển tốt thành nơi để bà con ngoài dự án đến tham khảo, học hỏi.
Dự án giống như làn gió mới, giúp địa phương rất nhiều trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển cà phê. Hơn nữa, dự án cũng xúc tiến thành lập các HTX, hướng đến sản xuất theo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm với những kết quả cụ thể: VnSAT triển khai hỗ trợ nông dân sản xuất cà phê bền vững đã có 40.360 người trồng cà phê được hưởng lợi trực tiếp. Diện tích áp dụng theo tiêu chuẩn kỹ thuật canh tác của VnSAT đạt 8.191 ha; có 20 tổ chức nông dân tham gia dự án gồm 10 HTX, 10 Tổ hợp tác do VnSAT hỗ trợ thành lập trong vùng dự án.
Sau 5 năm triển khai, dự án VnSAT đã có tác động tích cực như thế nào đến việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai, thưa ông?
Trước tiên, dự án VnSAT đã góp phần cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ ngành hàng cà phê; khuyến khích doanh nghiệp liên kết, ký kết hợp đồng sản xuất, tiêu thụ cà phê với nông dân; phát triển nâng cao năng lực các tổ hợp tác và HTX hợp tác tự nguyện, liên kết sản xuất với các doanh nghiệp chế biến theo chuỗi giá trị.
Hỗ trợ tập huấn, khuyến nông và nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân nhằm nâng cao kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cho nông dân… Đặc biệt, dự án đã góp phần nâng cao hiệu quả dịch vụ công trong ngành nông nghiệp, góp phần rất lớn vào thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh.
Xin cảm ơn ông!