| Hotline: 0983.970.780

Tái cơ cấu ngành lúa gạo và cà phê:

VnSAT thổi làn gió mới vào sản xuất cà phê Tây Nguyên

Thứ Tư 09/09/2020 , 06:00 (GMT+7)

Trao đổi với NNVN, các địa phương đều khẳng định: VnSAT đã đưa khoa học, kỹ thuật cao với chi phí thấp, lợi nhuận tăng để phát triển bền vững cây cà phê Tây Nguyên.

Chương trình VnSAT triển khai ở Tây Nguyên đã mang lại hiệu quả rõ rệt và chính quyền các địa phương mong muốn dự án được mở rộng. Ảnh: Minh Hậu.

Chương trình VnSAT triển khai ở Tây Nguyên đã mang lại hiệu quả rõ rệt và chính quyền các địa phương mong muốn dự án được mở rộng. Ảnh: Minh Hậu.

Chi phí thấp nhất, lợi nhuận cao nhất

Nói về dự án VnSAT triển khai trên địa bàn xã, ông Lê Ngọc Chánh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng khẳng định: “Dự án giống như làn gió mới, giúp địa phương rất nhiều trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phát triển cà phê. Hơn nữa, dự án cũng xúc tiến thành lập các HTX, hướng đến sản xuất theo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm”.

Cũng theo ông Chánh, trong thời gian qua, dự án VnSAT đã giúp nông dân trồng cà phê ở địa phương thay đổi về tư duy làm nông nghiệp. Thông qua các chương trình tập huấn, đào tạo kỹ thuật và các mô hình điểm, người dân không những biết sản xuất cà phê một cách hiệu quả, mà còn bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe, làm nông sản sạch bền vững.

“Bây giờ người dân đã có cách làm mới. Đó là không lạm dụng thuốc BVTV, không lạm dụng phân bón hóa học. VnSAT tập huấn cho người dân cách làm cà phê với chi phí thấp nhất, nhưng hiệu quả lại cao nhất. Ngoài ra, mô hình vườn cây che bóng cũng được dự án hướng dẫn để người dân có thể tăng thu nhập. Trước đây, người dân địa phương trồng cây che mát, chắn gió không bền vững và không tạo được lợi nhuận. Bây giờ trồng bằng các cây như bơ, mắc ca, sầu riêng... nên có nguồn lợi nhuận cao”, ông Lê Ngọc Chánh nói.

Ông Bùi Đức Hiển, Chủ tịch UBND xã Đức Minh, huyện Đăk Mil (Đăk Nông) khẳng định: “Đa phần các mô hình tái canh ở xã Đức Minh đều áp dụng giống mới của Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), cây phát triển tốt nên lan tỏa ra cộng đồng. Việc dự án đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng mà đặc biệt là giao thông nội đồng đã giúp người dân thuận lợi trong sản xuất, vận chuyển nông sản. Bà con ở các thôn làng, diện tích lại trải rộng nên việc đóng góp để thực hiện đường giao thông nội đồng gặp nhiều khó khăn. Khi được dự án VnSAT hỗ trợ, xây dựng đường giao thông, bà con rất phấn khởi”.

Được dự án VnSAT hỗ trợ, tập huấn... người trồng cà phê ở Tây Nguyên đã thay đổi tư duy canh tác để nâng cao hiệu quả. Ảnh: Minh Hậu.

Được dự án VnSAT hỗ trợ, tập huấn... người trồng cà phê ở Tây Nguyên đã thay đổi tư duy canh tác để nâng cao hiệu quả. Ảnh: Minh Hậu.

Cũng theo ông Hiển, nhờ được tập huấn, đào tạo nên người trồng cà phê ở địa phương đã chú trọng đến khâu chế biến sau thu hoạch giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, người dân chú trọng vào sản xuất theo tiêu chuẩn sản phẩm sạch, chất lượng cao để tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

“Cà phê dần có chất lượng hơn và được các nhà tiêu thụ đón nhận một cách tích cực. Lúc đầu, VnSAT chỉ hỗ trợ một số bà con làm điểm nhưng đến giờ này, mô hình có hiệu quả nên bà con ngoài dự án bắt đầu học hỏi, làm theo. Đó là những hiệu quả rất rõ nét”, ông Hiển thổ lộ.

Ông Tiêu Văn Bính, Chủ tịch UBND xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng cũng đánh giá về những tác động của dự án VnSAT: VnSAT triển khai ở địa bàn xã đã thu được nhiều kết quả đáng mừng. Bà con nông dân được học hỏi kinh nghiệm sản xuất cà phê sạch, áp dụng các phương pháp bón phân, tưới nước khoa học. Từ những việc đó đã góp phần giảm chi phí đầu tư, tăng cao lợi nhuận. Dự án VnSAT cũng đầu tư nhiều hạng mục như đường giao thông, kho chứa, sân phơi... góp phần hình thành vùng sản xuất cà phê bền vững.

Mong dự án VnSAT được mở rộng

Trước những tác động tích cực từ dự án VnSAT mang lại, ông Tiêu Văn Bính, Chủ tịch UBND xã Nam Hà, huyện Lâm Hà, Lâm Đồng kiến nghị dự án có thêm nhiều sự hỗ trợ khác đối với người trồng cà phê. “Hiện giá cà phê tương đối thấp và nhiều bà con có ý định chuyển sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Do vậy, để duy trì sản xuất cà phê thì cần phải có nhiều phương án hỗ trợ mới có thể giữ được những vùng cà phê theo đúng ý nghĩa. Hơn nữa, cần phải khuyến khích, đầu tư về khoa học kỹ thuật, tưới nước tiết kiệm và tiếp tục nâng cấp các tuyến đường giao thông trong các vùng cà phê, đặc biệt là vùng dự án”, ông Bính kiến nghị.

Từ các mô hình điểm của dự án, cách làm mới được lan tỏa nhanh chóng ra cộng đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Từ các mô hình điểm của dự án, cách làm mới được lan tỏa nhanh chóng ra cộng đồng. Ảnh: Minh Hậu.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Chánh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Nghĩa, huyện Di Linh, Lâm Đồng cho hay, ở địa phương, dự án VnSAT đã giúp rất nhiều khi xây dựng những tuyến đường vào khu vực sản xuất, giúp các hợp tác xã có sân phơi để nâng cao giá trị cho nông sản. Về lâu dài, chương trình chỉ ở giai đoạn ngắn nên mong muốn dự án kéo dài để tránh lỡ dở.

Ông Chánh bày tỏ: “Mong muốn dự án mở rộng thêm ra các cây trồng khác ở Tây Nguyên chứ không nhất thiết chỉ mỗi cà phê. Kiến nghị dự án VnSAT mở thêm các danh mục khác phục vụ cho nông nghiệp văn minh, sạch đẹp, phục vụ du lịch. Đối với mô hình tưới nước tiết kiệm, địa phương chỉ hỗ trợ trên cây cà phê nên người dân trồng xen các loại cây khác như tiêu, mắc ca, bơ... gặp khó khăn khi những cây này không nằm trong danh mục hỗ trợ. Rất mong VnSAT linh động, đầu tư thêm vốn”. 

Ông Bùi Đức Hiển, Chủ tịch UBND xã Đức Minh, huyện Đăk Mil, Đăk Nông nêu kiến nghị: “Ở tỉnh Đăk Nông, các mô hình sản xuất công nghệ cao rất ít. Hiện nay, tỉnh bạn là Lâm Đồng rất phát triển nông nghiệp công nghệ cao và đó là một giấc mơ của người dân địa phương chúng tôi. Chúng tôi rất mong Nhà nước mà đặc biệt là VnSAT đầu tư các mô hình điểm, trình diễn một vài mô hình công nghệ cao để bà con có thể học hỏi, noi theo”.

Người dân sau khi tham gia dự án VnSAT đã biết cách làm với chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả cao nhất. Ảnh: Minh Hậu.

Người dân sau khi tham gia dự án VnSAT đã biết cách làm với chi phí thấp nhất nhưng hiệu quả cao nhất. Ảnh: Minh Hậu.

Tại xã Nam Bình, huyện Đăk Song, Đăk Nông, thời gian qua, dự án VnSAT đã hỗ trợ phát triển một HTX và có bước tiến vượt bậc. HTX này được hỗ trợ xây dựng nhà kho, sân phơi, đường sản xuất và tập huấn kỹ thuật... và đây là sự hỗ trợ cần thiết.

“Trong thời gian tới, để phát triển hơn nữa, việc hỗ trợ cho người dân là rất cần thiết và những mô hình như dự án VnSAT vô cùng quan trọng. Phải hỗ trợ như VnSAT thì người dân mới ổn định sản xuất, thoát khỏi phương thức tự cung, tự cấp như trước đây và phải có tổ hợp tác thì sản xuất mới bền vững. Hiện xã còn 5 HTX còn khó khăn nên mong muốn dự án VnSAT hỗ trợ trong thời gian tới”, ông Ông Bùi Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Nam Bình kiến nghị.

VnSAT tác động mạnh đến phương thức sản xuất cà phê

Ông Bùi Đức Hiển, Chủ tịch UBND xã Đức Minh, huyện Đăk Mil (Đăk Nông) khẳng định: Dự án VnSAT triển khai ở vùng trồng cà phê rộng lớn với nhiều nội dung đã có những tác động mạnh đến phương thức sản xuất lẫn đời sống của người dân. Đầu tiên là định hình về các mô hình sản xuất các sản phẩm cà phê bền vững. Thông qua chương trình VnSAT, bà con xác định được giống là khâu đầu tiên, quan trọng để phát triển trong nông nghiệp bền vững. Nhiều hộ được sự hỗ trợ từ dự án đã phát triển tốt nên trở thành nơi để bà con ngoài dự án đến tham khảo, học hỏi.

ĐĂNG LÂM

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.