Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) vừa có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về bản án Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM phán xét vụ việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng giữa VRG và Công ty CP Thủy điện Đắk R’Tih.
Theo kết quả Bản án số 06/2024/KDTM-PT ngày 24/1/2024 của Tòa án Nhân dân cấp cao tại TP.HCM, VRG thắng kiện và hoàn trả tiền cọc hợp đồng chuyển nhượng với Thủy điện Đắk R’Tih. Đây là số tiền Thủy điện Đắk R’Tih nộp ký quỹ tại VCBS – Chi nhánh TP.HCM để đảm bảo thực hiện quyền mua cổ phần.
Trước đó, thực hiện chủ trương thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo Đề án tái cơ cấu VRG giai đoạn 2012 – 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 5/1/2013, trong đó có việc thoái vốn tại 5 công ty thủy điện, VRG đã thuê đơn vị tư vấn định giá, thuê tổ chức tư vấn chào bán là Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam – Chi nhánh TP.HCM.
Ngày 5/10/2016, Thủy Điện Đắk R’Tih tham gia mua thỏa thuận trọn lô gần 111 triệu cổ phần của các công ty thủy điện thành viên thuộc VRG (gồm Công ty CP Thủy điện Geruco Sông Côn, Công ty CP VRG Bảo Lộc, Công ty CP VRG Đắk Nông, Công ty CP VRG Phú Yên và Công ty CP VRG Ngọc Linh) với tổng giá trị chuyển nhượng theo hợp đồng hơn 1.415 tỷ đồng.
Tuy nhiên, thời điểm thực hiện thoái vốn, ký kết hợp đồng chuyển nhượng cổ phần theo lô tại 5 công ty thủy điện, VRG là tập đoàn nhà nước chiếm giữ 100% vốn sở hữu (cơ quan chủ quản là Bộ NN-PTNT). Do đó, VRG phải thực hiện các bước quy trình, thủ tục theo đúng pháp luật và theo hướng dẫn chỉ đạo thực hiện của cơ quan chủ quản, của Chính phủ.
VRG luôn tích cực và có rất nhiều văn bản trình đến cơ quan chủ quản, các bộ ngành Trung ương khác, trên cơ sở đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo cụ thể cho VRG về việc thoái vốn, cụ thể nêu tại văn bản số 190/VPCP-ĐMDN ngày 11/1/2016. Như vậy, việc phê quyệt, quyết định chọn nhà đầu tư phải được chấp thuận từ cơ quan có thẩm quyền, của cơ quan chủ quản, của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ.
Cũng theo các điều khoản trong hợp đồng số 3785 ngày 8/12/2016, hai bên đã thống nhất trình tự, quy trình các bước thực hiện sau khi trúng thầu, kết quả trúng thầu lựa chọn nhà đầu tư phải được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì hợp đồng chuyển nhượng trọn lô cổ phần mới có hiệu lực. Trên cơ sở đó, các bên mới tiến hành các bước theo nghĩa vụ của mỗi bên được nêu trong hợp đồng. Đây là hợp đồng có điều kiện chỉ có hiệu lực thực hiện về các quyền, nghĩa vụ của các bên khi được cơ quan thẩm quyền phê duyệt.
Vì vậy, theo quyết định hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần Hợp đồng số 3785/HĐ-CSVN ngày 8/12/2016 của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP. HCM giữa VRG và Thủy điện Đắk R’Tih, VRG sẽ hoàn trả hơn 141 tỷ đồng nộp ký quỹ tại VCBS – Chi nhánh TP.HCM để đảm bảo thực hiện quyền mua cổ phần.