| Hotline: 0983.970.780

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT):

Vụ đông xuân 2021 ở ĐBSCL có sự chủ động toàn diện

Thứ Sáu 26/02/2021 , 11:58 (GMT+7)

Rút kinh nghiệm các năm trước, tinh thần chủ động bảo vệ sản xuất đối phó hạn, mặn của từng địa phương ĐBSCL ngay đầu năm 2021 đã rất cao.

Đầu năm 2021, Báo Nông nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) xoay quanh vấn đề này.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Cơ bản vượt qua hạn, mặn năm 2021

Thưa ông, hạn, mặn định kỳ xuất hiện từ tháng 11-12 năm trước và kéo dài đến tháng 3 năm sau, vậy tình trạng năm nay ở ĐBSCL diễn biến ra sao, có ảnh hưởng vụ lúa đông xuân không?

Đến nay, lúa đông xuân ở ĐBSCL cơ bản đã vượt qua vấn đề khô hạn, xâm nhập mặn 2021. Dựa vào dự báo xâm nhập mặn, khô hạn của cơ quan chuyên môn và tiến độ thu hoạch lúa hiện nay, có thể nói vụ đông xuân ĐBSCL cơ bản vượt qua được vấn đề khô hạn, xâm nhập mặn 2021.

Vấn đề khô hạn, xâm nhập mặn sẽ không ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng lúa, nhất là các diện tích vùng ven biển vùng ĐBSCL trong năm nay.

"Tín hiệu và kết quả đến nay cho thấy, sự tiếp cận các nguồn thông tin từ các cơ quan báo đài, các cơ quan chuyên môn và người tham gia sản xuất đều tốt lên một cách chủ động. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục có vụ bội thu ngay trong mùa khô 2021 này với cả lúa và cây ăn trái." Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, ông Lê Thanh Tùng.

Đây là kết quả của việc chủ động điều chỉnh lịch thời vụ sớm hơn cùng với việc áp dụng các giải pháp kỹ thuật, chọn tạo giống lúa ngắn ngày ở các địa phương vùng ĐBSCL. Chính vì vậy, hiện nay lúa đông xuân ở ĐBSCL xuống giống trên 1,5 triệu ha, giảm 30.000ha so với đông xuân 2019-2020. Hiện vùng ĐBSCL đã thu hoạch được hơn 400.000ha, dự kiến thu hoạch đến hết tháng 2 đạt 550.000ha, các diện tích còn lại sẽ thu hoạch ở tháng 3, 4 và số ít ở tháng 5.

Về năng suất, lúa đông xuân ước đạt 69,31 tạ/ha, tăng 0,96 tạ/ha, sản lượng trên 10 triệu tấn. Giá lúa vụ lúa đông xuân ở ĐBSCL dao động 6.800-7.000 đồng/kg với lúa chất lượng cao, 7.000-7.500 đồng/kg với lúa thơm.

Vậy các giải pháp phòng chống hạn, mặn ở ĐBSCL được triển khai như thế nào thưa ông?

Rút kinh nghiệm từ các năm trước, từ cuối 2020 và đầu 2021 chúng tôi đã nhận thấy sự chủ động và tinh thần bảo vệ sản xuất của từng địa phương và bà con nông dân ở ĐBSCL là rất cao. Nguồn tin, dự báo từ các cơ quan chuyên môn Trung ương đến địa phương cập nhật hằng ngày và được thông báo thường xuyên đến cán bộ kỹ thuật và nông dân trong vùng.

Đặc biệt, nhờ sự chuẩn bị trước nhiều tháng từ năm 2020, với các giải pháp được triển khai đồng bộ, xuyên suốt từ Bộ NN-PTNT đến các cơ quan chuyên ngành của Bộ, các Sở NN-PTNT nên mùa khô 2020-2021 dù được dự báo khắc nghiệt, nguồn nước thượng nguồn có những diễn biến bất thường, nhưng sản xuất vẫn được đảm bảo.

Hiện nay nông dân ở ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân trúng mùa được giá cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Hiện nay nông dân ở ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân trúng mùa được giá cao. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Chú trọng an toàn thực phẩm để bồi đắp thương hiệu lúa gạo Việt

Năm 2020 lúa gạo ở ĐBSCL thắng lớn, vậy bước sang 2021 ngành trồng trọt đặt kỳ vọng gì với ngành hàng quan trọng này?

Xét tổng sản lượng lúa vụ đông xuân 2019-2020 và 2020-2021, chúng ta có lượng lúa tương đương nhau và lượng gạo hàng hóa dành cho xuất khẩu cũng tương đương, khoảng 3-3,3 triệu tấn gạo.

Vấn đề còn lại hiện nay là việc điều tiết xuất khẩu gạo trong các tháng thu hoạch của lúa đông xuân thế nào, giá cả dự kiến ra sao để chúng ta chủ động ký kết hợp đồng với các quốc gia mua lúa gạo cho phù hợp.

Hiện các thông tin về thu hoạch lúa, chất lượng, cơ cấu giống lúa từng tháng tại các tỉnh ĐBSCL, chúng tôi đã chia sẻ cụ thể đến các cơ quan chuyên môn, hiệp hội lương thực, doanh nghiệp để chủ động tìm kiếm thị trường, ký kết hợp đồng xuất khẩu được giá cả phù hợp, tối ưu nhất.

Chúng tôi tin tưởng sản lượng, chất lượng lúa gạo năm nay sẽ rất tốt. Cơ cấu giống lúa thơm và đặc sản hiện chiếm khoảng 80%, bên cạnh đó cơ cấu giống nếp cũng gia tăng, đây là những mặt hàng nhiều lợi thế cho xuất khẩu những tháng đầu năm từ thu hoạch lúa đông xuân.

Chúng tôi nhận định giá lúa gạo sẽ tiếp tục tốt đến cuối năm, giá xuất khẩu hiện giờ đã tăng hơn cuối năm 2020 khoảng 5-10 USD/tấn và giá cả trong nước cũng giữa được ổn định. Kỳ vọng tổng sản lượng gạo hàng hóa của năm 2021 xấp xỉ khoảng 6,5-6,7 triệu tấn. Cơ cấu giống sẽ được điều tiết từng vụ phù hợp với thị trường và tình hình tiêu thụ trong nước cũng như yêu cầu của quốc gia nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT cũng đẩy mạnh vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng đạt các hàng rào kỹ thuật để chúng ta tiếp cận nhiều hơn nữa đối với các thị trường khó tính, tận dụng các hiệp định FTA.

Có điều, chúng tôi cũng nhắn nhủ bà con nông dân và các cơ quan ở địa phương nghe ngóng các tín hiệu thị trường về các giống lúa chế biến, từ đó có những điều chỉnh tỷ lệ cơ cấu vụ hè thu một cách phù hợp, không vì vụ đông xuân khan hiếm mà tăng diện tích ở vụ hè thu.

Cụ thể, giống IR 50404, OM 576, ML202… đây là những giống dành cho chế biến rất tốt nhưng thị trường xuất khẩu có giới hạn và không phải mục đích chính trong xuất khẩu chúng ta vì giá không cao.

Thứ 2 là giống nếp, thường 6 tháng cuối năm chúng ta sẽ xuất khẩu nếp rất chậm, đông xuân có thể tăng tỷ lệ nếp nhưng hè thu ta giảm, không sản xuất nhiều. Tuy nhiên, giống lúa thơm và chất lượng ta có thể duy trì tỉ lệ khoảng 80% trong cơ cấu giống, đó là những yêu cầu trong cơ cấu.

Thay đổi phương thức quản lý tăng định hướng dự báo

Để ngành nông nghiệp phát triển bền vững hơn, trong năm 2021 Cục trồng trọt đang đưa ra đề án quản lý vùng trồng bằng nông nghiệp số 4.0, ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về chủ trương này?

Về vấn đề số hóa, với sản xuất lúa gạo và cây ăn trái hiện không còn quan điểm gia tăng năng suất, sản lượng hoặc không đi theo các thông tin về tổng hợp, thống kê để cuối vụ báo cáo nữa, những yêu cầu đó không còn phù hợp tốc độ phát triển về thương mại, triển thị trường.

Nhờ chủ động phòng chống hạn, mặn sớm, kỳ vọng ĐBSCL thắng lợi vụ lúa đông xuân 2021. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhờ chủ động phòng chống hạn, mặn sớm, kỳ vọng ĐBSCL thắng lợi vụ lúa đông xuân 2021. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Tương lai, không chỉ Bộ NN-PTNT và các địa phương trong vùng ĐBSCL, chúng ta nên chuyển cách tiếp cận thống kê để có con số sản lượng cụ thể, từ đó chuyển sang tư duy mới là dự tính, dự báo thị trường và chất lượng nông sản.

Điều này góp phần rất lớn cho vấn đề tiêu thụ nông sản mà không cần giải cứu. Ví dụ, lúa có 90 ngày sẽ cho thu hoạch, khi biết được cơ cấu giống và ước lượng được năng suất, chất lượng, chúng ta sẽ ước lượng được giá thành và giá trị sản xuất cho thị trường ở từng địa phương. Chúng tôi gọi đó là quản lý vùng trồng bằng nông nghiệp số mà trong Luật trồng trọt đã quy định.

Như vậy, đối với lúa chúng ta có thể biết trước 3-4 tháng tới sẽ có cái gì, đối với cây ăn trái 6 tháng tới có những sản phẩm gì để có những bước chuẩn bị tiếp cận cho thị trường, thông tin, quảng bá, giới thiệu sản phẩm kịp thời.

Do đó, các địa phương trong năm 2021 và các năm tới cần tập trung nâng cấp các vùng trồng này lên đạt các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của các quốc gia nhập khẩu, từ đó ngành nông nghiệp mới có cơ sở để cấp mã số vùng trồng truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lí.

"Trong năm 2021, với lợi thế tốt khi tham gia vào các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… chúng ta cần chú trọng trong sản xuất lúa hiện nay là gia tăng giá trị bằng cách nâng cao chất lượng, đảm bảo sản phẩm không có dư lượng thuốc BVTV và các chất độc hại để giữ uy tín của thương hiệu lúa gạo Việt Nam." Ông Lê Thanh Tùng.

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.