Lúa sạch sâu bệnh hơn mọi năm
Vụ đông xuân 2021-2022, Nam Định gieo cấy 72.000 ha lúa, trong đó diện tích gieo sạ hơn 45.200 ha. Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) Nam Định, đến ngày 20/4, các diện tích lúa xuân đang giai đoạn đứng cái - phân hoá đòng, trà sớm phân hoá đòng ở bước 2 - 3.
Ông Trần Ngọc Chính, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định thông tin: Vụ đông xuân 2021-2022, tình hình thời tiết diễn biến đặc biệt hơn so với mọi năm. Các đợt rét đậm, rét hại kéo dài, lượng mưa ít nên giai đoạn đầu vụ việc canh tác cũng như khả năng sinh trưởng và phát triển của các trà lúa không thuận lợi. Theo nhận định, lúa năm nay sinh trưởng phát triển chậm hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-7 ngày.
Cũng theo ông Chính, đến hiện tại qua theo dõi, nắm bắt thực tế trên đồng ruộng, nhìn chung các trà lúa đã khôi phục và phát triển tốt. Tình hình sâu bệnh gây hại trên lúa thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Đối với nguy cơ của bệnh lùn sọc đen, từ ngày 10/3 đến nay, Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định đã lấy tổng cộng 105 mẫu rầy và 5 mẫu lúa tiến hành giám định, kết quả không có mẫu nào dương tính với virus lùn sọc đen.
Đến ngày 19/4, theo thống kê, rầy lưng trắng có mật độ phổ biến 50 - 100 con/m2, nơi cao 300 - 600 con/m2, cá biệt trên 1.500 con/m2. Dự báo thời gian rầy lứa 2 ra rộ từ 29/4 - 6/5.
Sâu cuốn lá nhỏ mật độ phổ biến 0,3 - 1 con/m2, nơi cao 3 - 5 con/m2, cá biệt 10 con/m2. Dự kiến, sâu non ra rộ từ 30/4 - 6/5. Bệnh đạo ôn lá, diện tích nhiễm 60 ha (58 ha nhiễm nhẹ, 2 ha trung bình), tỷ lệ bệnh phổ biến rải rác, nơi cao 5 - 10%, cá biệt 20 - 30%.
Bệnh khô vằn, tỷ lệ bệnh phổ biến rải rác, nơi cao 5 - 10%. Diện tích bị chuột hại 69 ha (67 ha mức nhẹ, 2 ha trung bình), tỷ lệ hại phổ biến rải rác, nơi cao 3 - 5%, cá biệt 10%.
Tại huyện Hải hậu, ông Lê Văn Định, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện thông tin: Tổng diện tích gieo cấy lúa vụ đông xuân trên địa bàn toàn huyện gần 10.000 ha. Đợt rét đậm, rét hại thời điểm đầu vụ đã khiến 546 ha lúa bị chết, trong đó chủ yếu là các diện tích gieo sạ.
Cũng theo ông Định, tình hình sâu bệnh hại trên lúa vụ đông xuân đến thời điểm này mật độ thấp hơn so với trung bình nhiều năm. Các đối tượng gây hại chủ yếu như: Đạo ôn chưa thấy xuất hiện; sâu cuốn lá lứa 2 ở những diện tích lúa không phải cấy sạ lại, mật độ sâu non từ 1,5 - 2 con/m2, nơi cao 3,5 con/m2 (thấp hơn so với cùng kỳ nhiều năm 10 con/m2); rầy lưng trắng mật độ 7 - 10 con/khóm (cùng kỳ nhiều năm trước 40 - 50 con/khóm).
“Thông thường mọi năm, thời điểm này đã phải tiến hành phun phòng trừ đạo ôn, rầy lưng trắng, nhưng đáng mừng vụ đông xuân năm nay, đến hiện tại huyện Hải Hậu chưa phải thông báo tới người dân tiến hành phun phòng một loại bệnh nào trên đồng ruộng”, ông Định phấn khởi cho biết.
Bà Đặng Thị Lê, thôn Quang Thanh, xã Hải Quang (Hải Hậu) chia sẻ: Gia đình bà trồng 1,4 mẫu lúa, trong đó có 6 sào phải gieo cấy, dặm tỉa lại do ảnh hưởng của giá rét đầu vụ. Đến hiện tại, gia đình bà cũng như nhiều hộ dân có phần an tâm hơn vì sâu bệnh hại trên lúa không nhiều như mọi năm.
“Các năm trước, thời điểm này đã thấy đạo ôn, sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện rồi, nhưng năm nay vẫn chưa thấy. Tuy nhiên, cỏ lồng vực mật độ nhiều hơn, chuột phá hại lúa cũng gia tăng, nên vẫn phải đều đặn ra đồng, không là mất ăn như chơi”, bà Lê cho hay.
Cũng theo bà Lê, chưa vụ lúa nào người dân lại vui buồn lẫn lộn như vụ lúa năm nay. Vui vì sâu bệnh hại lúa ít, nhưng lại buồn vì chi phí đầu tư cao hơn so với mọi năm.
Bà Đặng Thị Lê lý giải, giá các loại vật tư đầu vào, đặc biệt là phân bón tăng cao gấp đôi như phân đạm các loại có giá giao động từ 18.000 - 20.000 đồng/kg (cao hơn nhiều so với các năm trước từ 7.000 - 10.000 đồng/kg); phân lân 5.000 đồng/kg (các năm trước 2.500 - 3.000 đồng/kg)..., trong khi các trà lúa xấu, nhiều diện tích đầu vụ phải gieo cấy lại do ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại, nếu không đầu tư chăm sóc sẽ khó bắt kịp thời vụ, ảnh hưởng đến năng suất.
Nhiều rủi ro sâu bệnh cuối vụ
Ông Lê Văn Định, Phó trưởng Phòng NN-PTNT Hải Hậu cho biết: Mặc dù hiện tại tình hình sâu bệnh có phần “an tâm” hơn so với mọi năm, tuy nhiên thời gian tới vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn được điều gì vì thời tiết vẫn có những diễn biến khó lường.
Theo ông Định, do lúa đông xuân năm nay sinh trưởng chậm hơn so với các năm trước nên thời gian trỗ cũng sẽ muộn hơn. Thông thường, mọi năm lúa trỗ từ 5 - 8/5, nhưng năm nay dự kiến thời gian trỗ sẽ từ 12 - 13/5, những diện tích phải gieo sạ lại dự kiến trỗ từ 20/5.
Bên cạnh đó, lúa sinh trưởng phát triển phân thành nhiều trà khác nhau, nên giai đoạn cuối vụ tình hình sâu bệnh hại có thể sẽ diễn biến phức tạp. Các loại sâu bệnh rất dễ phát sinh trên những diện tích cấy muộn, cấy lại, thời gian phát sinh gây hại sẽ kéo dài hơn so với các năm trước.
Đối với bệnh khô vằn, đây là giai đoạn nguy cơ xâm nhiễm cao nên dự kiến thời gian phun phòng từ 23 - 25/4. Sâu cuốn lá lứa 3 dự kiến mật độ thấp hơn mọi năm, sẽ tiến hành phun phòng vào cuối tháng 4 đầu tháng 5.
Rầy đang ở tuổi 4 - 5, dự báo từ 5 - 10/5 rầy lứa 3 sẽ nở rộ. Riêng đạo ôn cổ bông, không thể chủ quan, lơ là mà vẫn phải theo dõi sát diễn biến thời tiết, căn cứ tình hình thời tiết để đưa ra dự báo hàng ngày thì mới có thể phun phòng chính xác, đạt hiệu quả.
Ngoài ra, việc lúa đông xuân trỗ muộn sẽ gây áp lực lớn cho khung thời vụ của vụ mùa kế tiếp. Bởi thời gian giữa hai vụ ngắn, nếu gieo cấy lúa mùa càng muộn rủi ro sẽ càng lớn, dễ gặp thời tiết mưa bão...
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định, trước diễn biến của thời tiết và sâu bệnh hại còn khó lường ở giai đoạn cuối vụ, Sở NN- PTNT Nam Định đã có công văn gửi UBND các huyện, thành phố chỉ đạo Phòng NN-PTNT, Ban Nông nghiệp xã/thị trấn và các đơn vị chuyên môn trên địa bàn phân công cán bộ chuyên môn bám sát cơ sở, tăng cường giám sát, dự tính dự báo sâu bệnh trên các trà lúa xuân để hướng dẫn nông dân phòng trừ kịp thời, hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại lúa.
Bên cạnh đó, kiểm tra, đánh giá và phân loại các trà, các diện tích lúa để có biện pháp chăm sóc bổ sung phù hợp. Bón vá/bổ sung phân đạm và kali cho những diện tích lúa còn xấu, nhất là một số diện tích gieo sạ muộn. Tuy nhiên, không bón bổ sung phân đạm cho những diện tích lúa tốt. Tuyệt đối không bón phân đạm cho những diện tích lúa đang bị nhiễm bệnh đạo ôn và bón phân đạm muộn sau ngày 10/4.
Triển khai rút nước phơi ruộng cho những diện tích lúa tốt (đạt trên 400 dảnh/m2), thời gian phơi ruộng liên tục 10 - 15 ngày. Vùng thủy triều tiêu rút nước phơi ruộng bắt đầu từ ngày 5/4, lấy nước trở lại cho lúa vào ngày 17/4. Vùng động lực bắt đầu rút nước phơi ruộng từ ngày 5/4, lấy nước trở lại từ ngày 15/4. Không thực hiện rút nước phơi ruộng đối với những diện tích lúa còn xấu và những diện tích nhiễm chua, phèn, mặn.
Sở NN-PTNT Nam Định đề nghị các sở, ngành liên quan và các địa phương tăng cường kiểm tra thị trường cung ứng vật tư nông nghiệp (VTNN), thuốc BVTV. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là những trường hợp kinh doanh lợi dụng tăng giá VTNN, thuốc BVTV cấm, thuốc giả, kém chất lượng hoặc bán kèm nhiều loại thuốc không theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nông dân thực hiện nguyên tắc “4 đúng” trong phòng trừ sâu bệnh...