Vũ Hán 'cháy' hoa cúc
Rạng sáng 12/2, trên khắp tỉnh Hồ Bắc, nơi Vũ Hán là thủ phủ, việc đến thăm nhà của một người đã ra đi trong năm qua để dâng hoa và thắp hương sau nửa đêm là một truyền thống.
Năm nay, nhu cầu hoa lễ đặc biệt tăng cao. Nhiều người mua hoa cúc vàng và trắng để tưởng nhớ những thân nhân đã khuất vì đại dịch Covid-19. Đó có thể là nguyên nhân khiến Vũ Hán 'cháy' hoa cúc, như ở nhiều nơi khác tại Hồ Bắc.
Wen Ji, một người dân Vũ Hán, cho biết cô năm nay tránh mọi đám đông và quyết định không đi đâu nhưng bạn bè cô kể rằng chợ hoa lớn nhất Vũ Hán đã xảy ra ùn tắc. Mọi người thậm chí còn giành giật nhau mua hoa.
Tại một hàng bán buôn hoa gần chợ, người chủ họ Chi cho biết họ đã bán hết sạch hoa cúc, một phần vì nhu cầu tăng cao nhưng phần khác cũng vì khan hàng do Covid-19. Một số nông dân trồng ít hoa hơn vì những gián đoạn do đại dịch gây ra hay lo ngại về một đợt bùng phát khác.
“Cả thành phố Vũ Hán đã 'cháy' hoa cúc. Tôi nghe nói có nơi một bông hoa cúc được bán với giá 100 nhân dân tệ (15 USD). Vì thế, tôi gợi ý hoa cẩm chướng hay hoa hồng cho khách hàng. Chúng cũng có thể dùng để dâng lên người đã khuất”, Chi nói.
Vũ Hán là tâm dịch Covid-19 đầu tiên của thế giới và đã bị chính quyền Trung Quốc áp lệnh phong tỏa trong 76 ngày hồi năm ngoái với nỗ lực kiềm chế virus lây lan.
Nhà chức trách đồng thời xây dựng các bệnh viện dã chiến và cử nhiều đội ngũ chuyên gia y tế từ các tỉnh khác tới thành phố để giúp đỡ. Tính đến ngày 13/2, số ca tử vong vì Covid-19 tại Vũ Hán là 3.869.
Trung Quốc đã gần như kiểm soát được dịch bệnh trong nước nhưng người dân ở Vũ Hán và nhiều nơi khác nói rằng họ lo sợ những tổn thương mà người dân nước này đã trải qua những ngày đầu đại dịch có thể nhanh chóng bị lãng quên.
Giận dữ
Các phương tiện truyền thông chính thống, bao gồm cả Sina News và kênh truyền hình kinh tế Hồ Bắc, đã đăng các bài viết trên mạng xã hội Weibo đưa tin rằng người dân ồ ạt đổ tới các chợ hoa để mua sắm cho mùa lễ hội Năm mới. Những bài viết này lập tức nhận về vô số bình luận giận dữ.
“Họ đang mua những loại hoa nào? Các anh có đủ can đảm để giải thích không? Hoa thắp hương đã bán hết veo. Người dân đã đi đâu sau nửa đêm, có ai biết không”, một tài khoản Weibo bình luận dưới bài viết của Sina News.
Những bình luận như vậy đều nhanh chóng bị xóa nhưng một bức ảnh chụp màn hình về chúng đã được nhà sử học Trung Quốc Đàm Bác Ngưu đăng lại, thu hút hơn 120.000 lượt “thích” và 27.000 lượt chia sẻ.
Những người bình luận trong bài đăng của Đàm cũng công kích kênh truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV vì không thừa nhận những nỗi đau mà người dân phải chịu suốt đại dịch trong chương trình Gala Lễ hội Mùa xuân thường niên. Đây là một chương trình nghệ thuật tạp kỹ thu hút hàng triệu người xem vào ngày 30 Tết ở Trung Quốc.
“Cuối chương trình Gala Lễ hội Mùa xuân, người dẫn nói rằng: ‘Năm vừa qua đã chứng minh rằng không mùa đông nào là không vượt qua được’. Tôi thực sự không thể chấp nhận lời bình luận đó. Thời gian đã ngừng trôi vĩnh viễn đối với không ít người. Họ có ý gì khi nói đến chuyện ‘vượt qua’?”, một người dùng viết dưới bài đăng của nhà sử học Đàm.
“Tôi đã nghĩ Gala Lễ hội Mùa xuân sẽ dành một phân đoạn để giải thích về sự hy sinh của người dân Hồ Bắc và tưởng nhớ những người đã qua đời vì dịch bệnh. Nhưng không”, một người khác viết. “Không mùa đông nào là không thể vượt qua nhưng không mùa đông nào mà ta có thể vượt qua dễ dàng. Vậy còn những người chưa thể vượt qua thì sao? Điều này mới chỉ xảy ra cách đây không lâu”.
Vũ Hán xét nghiệm 11 triệu dân trong 10 ngày
Chính quyền thành phố Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) đang lập kế hoạch xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ dân cư gồm khoảng 11 triệu người.
Các đơn vị hành chính thuộc thành phố được yêu cầu lập thống kê, kiến nghị cách thức triển khai xét nghiệm để có thể hoàn thành trong 10 ngày.
Đây là kế hoạch tham vọng xét về quy mô, bởi để so sánh thì hiện tại Mỹ chỉ thực hiện được 300.000 xét nghiệm mỗi ngày.
Từ ngày 3/4, Vũ Hán không ghi nhận ca nhiễm mới, nhưng cuối tuần qua lại có 6 người dính virus, làm dấy lên lo ngại có thể ổ dịch mới trở lại, đe dọa nỗ lực đưa cuộc sống trở lại bình thường.