Thực tế cho thấy, đậu tương vẫn còn đất sống, thậm chí cạnh tranh sòng phẳng với cây vụ đông khác nếu như có các giải pháp đồng bộ.
Xã Mỹ Thành (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) có trên 230 ha đất nông nghiệp, vụ đông năm nay đã phủ kín cây đậu tương. Không phải dĩ nhiên nhiều năm nay, Mỹ Thành luôn giữ được tỉ lệ cây vụ đông nói chung, đặc biệt là đậu tương, bởi đối với nông dân Mỹ Thành, trồng đậu tương vụ đông đã trở thành một nghề, quan trọng là nó vẫn đang cho lợi nhuận tốt so với những cây trồng vụ đông ở địa phương khác.
Ông Bùi Văn Nhìn (thôn Vĩnh Lạc, xã Mỹ Thành) phân tích, giá đậu tương vụ đông mấy năm nay không tăng nhiều, đậu phơi khô chỉ xoay quanh 17.000 -20.000 đ/kg, đậu bán hạt tươi cho thương lái chỉ khoảng 13.000 - 15.000 đ/kg.
Dù vậy, đậu tương vẫn có thế cạnh tranh so với các loại rau màu vụ đông khác, đặc biệt là đầu tư thấp, rất ít tốn công lao động. Với quy trình SX bằng gieo vãi trên đất lúa vụ mùa, nông dân gần như chỉ tốn tổng cộng hơn một ngày công cho việc xuống giống, bón phân, chăm sóc…
Với tổng đầu tư giống, phân bón, công thu hoạch… chỉ khoảng 300.000 đ/sào, 1 sào đậu tương chỉ cần năng suất 70 kg, với giá khoảng 15.000 đ/kg, nông dân vẫn có lãi từ 900.000 - 1 triệu đ/sào.
Ở xã Mỹ Thành, trung bình mỗi hộ dân có từ 1 - 2 mẫu đậu tương vụ đông, mỗi vụ trừ chi phí thu khoảng 10 - 15 triệu đồng, nhà nào ít cũng 5 - 7 triệu đồng. Đây chính là nguồn tiền tiêu Tết của hầu hết nông dân ở đây.
“Ngô, khoai tây hay ràu màu các loại tổng thu nhập/sào cao hơn so với đậu tương rất nhiều, nhưng chi phí đầu tư quá lớn, nếu trừ chi phí, công lao động quy ra mỗi sào cũng chỉ lãi 1 - 1,5 triệu đồng, nhưng cái khó là không thể có nhiều lao động để làm. Còn đậu tương thì một lao động có thể làm hàng mẫu, tất nhiên là diện tích phải lớn thì mới có thu nhập đáng kể”, ông Nhìn nhận xét.
Nhất trí với những kiến nghị của Hà Nội, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, tiềm năng đậu tương vùng ĐBSH còn rất lớn, có thể đẩy lên 300.000 - 500.000 ha. Tuy nhiên, để đẩy mạnh được diện tích đậu tương nhất định phải SX quy mô lớn. Bên cạnh đó, không phải vùng nào cũng trồng được đậu tương vụ đông, vì vậy thời gian tới, các địa phương cần rà soát kỹ các diện tích phù hợp. |
Là địa phương có diện tích đậu tương lớn nhất nước hiện nay, Hà Nội đang quyết tâm khôi phục trở lại diện tích đậu tương bằng nhiều chính sách. Vụ đông 2014, Sở NN-PTNT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu & phát triển đậu, đỗ (Viện Cây lương thực, cây thực phẩm) có chính sách hỗ trợ 100% lượng giống đậu tương cho mô hình 50 ha tại xã Mỹ Thành, với giống đậu tương DT26. Theo đánh giá của nông dân, năng suất đậu tương đạt trung bình hơn 2 tấn/ha.
Ông Nguyễn Văn Thắng, GĐ Trung tâm Nghiên cứu & phát triển đậu đỗ đánh giá: "Với tiềm năng năng suất của giống đậu tương DT26, nếu xuống giống sớm (trước 20/9) và thâm canh tốt, chủ động tưới, năng suất đậu tương vụ đông vùng ĐBSH hoàn toàn có thể đạt được từ 2,5 tấn/ha, thậm chí 3 tấn/ha. Vì vậy đây vẫn là cây trồng hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các đối tượng cây vụ đông ưa ấm khác.
Được biết hiện nay, nhiều DN như Cty C.P chi nhánh Xuân Mai (Hà Nội), Cty sữa Nutricare (Gia Lâm, Hà Nội)… thông qua các đại lí thu mua đã tiêu thụ đầu ra khá ổn định cho đậu tương vụ đông tại Hà Nội, riêng tại vựa đậu tương xã Mỹ Thành khoảng 150 - 200 tấn/vụ đông. Các đại lí thu mua sẵn sàng mua đậu tươi sau khi nông dân đập tách hạt bằng máy đập, vì vậy nông dân không phải lo việc phơi sấy, giảm được nguy cơ rủi ro thời tiết không thuận lợi.
Tại hội nghị đầu bờ mới đây tại xã Mỹ Thành, ông Đào Duy Tâm, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nội, người vốn gắn bó với chương trình đậu tương từ lâu cho biết, Hà Nội sẽ quyết tâm tiếp tục theo đuổi đối với cây đậu tương với kế hoạch phối hợp với Bộ NN-PTNT lấy Hà Nội làm hạt nhân để xây dựng vùng đậu tương ĐBSH, trước hết sẽ nâng diện tích từ hơn 20.000 ha lên 50.000 - 70.000 ha trong những năm tới.
Theo ông Tâm, khó khăn nhất hiện nay để khôi phục và mở rộng trở lại đậu tương vẫn đang là khâu thu hoạch và bảo quản, bởi chưa có loại máy nào thu hoạch được đậu tương khiến công thu hoạch còn lớn. Bên cạnh đó, giống đậu tương DT26 công nhận chính thức từ 2010 nhưng đến nay vẫn đang giai đoạn SX mô hình là quá chậm.
“Một số nơi nông dân vẫn còn gieo quá dầy, giống DT26 năng suất rất tốt nhưng vẫn chưa có quy trình canh tác xem gieo mật độ bao nhiêu thì vừa, điều chỉnh phân bón ra sao thì hợp lý…. Vì vậy thời gian tới, cần phải sớm có bộ quy trình canh tác bài bản”, ông Tâm kiến nghị.