| Hotline: 0983.970.780

Vựa heo miền Trung dốc lực phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Thứ Tư 27/02/2019 , 09:07 (GMT+7)

Huyện Hoài Ân (Bình Định) được mệnh danh “vựa heo” của miền Trung. Chính quyền địa phương các cấp ở Bình Định và người chăn nuôi ở Hoài Ân đang dốc lực phòng chống dịch.

10-21-02_1
Để ngặn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập, người nuôi heo ở Bình Định tích cực tiêu độc sát trùng chuồng trại

Có thể nói, không hộ dân nào ở huyện Hoài Ân là không chăn nuôi heo. Hộ nuôi ít cũng vài chục con, còn quy mô gia trại có đến 2.600 cơ sở thường xuyên nuôi từ 60 – 100 con heo/cơ sở. Hoài Ân hiện còn có 33 trang trại chăn nuôi heo quy mô lớn với hàng ngàn con thường xuyên có mặt trong chuồng. Đàn heo trên địa bàn huyện luôn ổn định khoảng 230.000 con heo thịt và 40.000 heo nái sinh sản.

Ông Hoàng Phi Long - Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho hay, khi dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành ở Trung Quốc, nước láng giềng với Việt Nam, ngành chức năng ở Bình Định đã phát động chiến dịch phòng chống dịch. Hoài Ân là huyện thực hiện ráo riết nhất nhằm bảo vệ đàn heo. “Do đây là vựa heo nên không có heo thịt nhập về địa phương, chỉ có xuất đi, do đó chúng tôi chỉ phải tăng cường khống chế heo giống nhập về. Xác định nguy cơ lây lan dịch là từ đối tượng này, nên chúng tôi tăng cường các chốt kiểm soát để quản lý chặt những con heo giống nhập từ các nơi khác”.

Cũng theo ông Long, tại huyện lực lượng thú y cơ sở đã được bố trí đến cấp thôn. Lực lượng này là nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động hộ chăn nuôi chủ động thực hiện các giải pháp phòng chống nhằm ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi xâm nhập địa bàn.

Theo ông Nguyễn Văn Quốc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thú y Bình Định, tỉnh đang tăng cường hết cỡ trong công tác kiểm soát đàn heo nhập tỉnh, đồng thời hỗ trợ hộ chăn nuôi tăng cường công tác tiêu độc sát trùng chuồng trại. Trong đợt 1/2019, ngành chức năng đã hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh 10 tấn thuốc sát trùng để vệ sinh chuồng trại.

10-21-02_2
Bình Định kiểm soát chặt chẽ đàn heo nhập tỉnh trước nạn dịch tả lợn châu Phi đã xâm nhập vào Việt Nam

Theo ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, Sở đã tăng cường cán bộ thú y tại 2 chốt kiểm dịch động vật. Các cán bộ thú y túc trực 24/24 giờ tại chốt kiểm dịch Bình Đê trên tuyến Quốc lộ 1A thuộc địa bàn huyện Hoài Nhơn và chốt kiểm dịch động vật trên tuyến Quốc lộ 1D thuộc địa bàn phường Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn) để giám sát, kiểm tra các phương tiện vận chuyển gia súc ra vào tỉnh. Các chủ phương tiện vận chuyển gia súc qua 2 chốt kiểm dịch nói trên đều phải xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ động vật và sản phẩm động vật, đảm bảo an toàn vệ sinh thú y. Ngoài kiểm tra, lực lượng thú y còn phun thuốc khử độc, sát trùng phương tiện.

Xem thêm
Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Áp dụng IPHM, 5 sào bưởi cho lợi nhuận tăng thêm hơn 16 triệu đồng

Khánh Hòa Không chỉ giảm chi phí vật tư đầu vào, áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây bưởi còn giúp nông dân tăng lợi nhuận và chất lượng sản phẩm.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.