Ngay từ khi mới lọt lòng, những đứa trẻ người J’Rai ở Tây Nguyên đã được nghe cha mẹ, già làng hoặc người lớn kể cho nghe về thanh kiếm thần có thể “hô phong, hoán vũ” và vị vua Lửa, thủ lĩnh tinh thần của họ với lòng tôn kính.
Vua cũng phải lên nương làm rẫy
Vị vua Lửa ấy và thanh kiếm ấy ở làng Plei Ơi, xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, nơi có hồ nước nhân tạo Ayun Hạ duy nhất và đẹp nhất vùng Tây Nguyên.
Từ thành phố Pleiku, chúng tôi theo QL14, đến ngã ba huyện Chư Sê, rẽ trái sang đường QL 25, con đường huyết mạch nối Pleiku với Tuy Hòa (Phú Yên) để đến quê hương của kiếm thần.
“Từ đây đến làng vua Lửa chỉ cách chưa đến 1 cây số”. Ông Chu Văn Tứ, Phó Chủ tịch xã Ayun Hạ, người dẫn đường kiêm “phiên dịch” cho chúng tôi thông báo. Rẽ trái đi thêm vài phút nữa trên con đường đất đỏ Bazan đầy bụi, hai bên lúp xúp những ngôi nhà nhỏ xen lẫn những ruộng lúa vừa thu hoạch xong, chúng tôi đến làng vua Lửa, nằm dưới thung lũng Cheo Reo màu mỡ. Đó là một ngôi làng nhỏ, giống mọi ngôi làng khác ở Tây Nguyên.
Vua Lửa hiện nay là Rơ Lan Hieo, “vị vua” đời thứ 15. Nhà của vua Lửa là một ngôi nhà sàn nhỏ, đã cũ lắm, vách được ghép bằng ván, mái lá. Nếu không có người dẫn đường, chỉ dẫn, sẽ khó nhận ra nhà của “vua”, bởi tôi thấy nó cũng bình thường như hàng trăm ngôi nhà khác.
Vua Lửa Rơ Lan Hieo chuẩn bị cúng cầu mưa
Lúc chúng tôi đến, vua Lửa không có nhà, ông đang ở rẫy cách đó vài cây số. Trong lúc ngồi đợi một thanh niên trong làng đi gọi “vua” về, ông Tứ kể: “Người J'Rai gọi vua Lửa là Pơtao A Pui. Thật ra chữ Pơtao” không đồng nghĩa với từ “vua” trong xã hội phong kiến thông thường. Pơtao của người J'Rai chỉ là người có năng lực siêu nhiên, có thể nói chuyện và nghe được tiếng của thần linh, từ đó có thể cầu xin các vị thần ban phát ân huệ, cứu giúp người dân. Pơtao không có thực quyền hành chính, không có tài sản, không có quyền ra lệnh cho ai cả. Vua cũng đi lên nương làm rẫy, sinh con đẻ cái. Và cũng nghèo như bất cứ người J'Rai nào. Quyền hạn của những ông vua này chỉ được thể hiện trong lễ hội cầu mưa. Lúc đó Pơtao sẽ dùng gương thần làm cầu nối giữa người J'Rai với thần linh để những vị thần trên trời có thể nghe thấy ước muốn của họ mà ban mưa cho dân bản”.
Chúng tôi đang nói chuyện thì một người đàn ông chừng 40 tuổi, dáng vẻ lam lũ bước vào. Ông Tứ cho biết: “Vua Lửa Rơ Lan Hieo đấy”. Ông cúi đầu chào khách rồi chìa bàn tay sần sùi, lem luốc ra cho chúng tôi và cười: “Không có lễ cúng, tao phải đi nương thôi. Tay bẩn, người cũng bẩn, cán bộ đừng chê tao”. Nói rồi ông bước vào trong, lát sau ông quay ra với bộ đồ mới khá tươm tất, lúc này ông mới ngồi xuống sàn.
Rơ Lan Hieo kể, ông là người theo giúp việc cho vua Lửa đời thứ 14 Siu Luynh từ nhỏ. Đến năm 1999, Siu Luynh mất nên truyền ngôi lại cho ông. Những “báu vật” truyền từ bao đời nay của Pơtao Puih là một chiếc trống da, mặt ngoài còn nguyên những sợi lông voi bạc, một bộ chiêng Ơi Tú gồm 3 chiếc, một chiếc bát con cũng đen nhẻm, một chậu đồng to ngang cái bát tô của người Kinh.
Theo đề nghị của chúng tôi, vua Lửa đồng ý thực hiện nghi lễ cầu mưa. Sau khi chuẩn bị xong, Hieo miệng ngậm tẩu, một tay khua chiêng, tay còn lại cầm bát tượng trưng như đang vãi hạt muối hạt gạo ra xung quanh cho chúng sinh. Vừa nhún chân, khua chiêng, miệng của Hieo không ngừng rít tẩu và phát ra mớ âm thanh rền rĩ như cơn gió hú. Sau khi khua chiêng, vãi gạo, nước ra xung quanh cho chúng sinh, đoàn cúng gồm 7 người bắt đầu nhảy múa...
Hieo cho biết, ngoài vua, người giúp việc trực tiếp như anh phải châm nước vào ghè rượu. Bốn người còn lại đánh chiêng trống, một người phụ múa. Chỉ có lễ vật là heo, trâu hai người khiêng, trống mới nổi lên. Lễ vật là gà thì không được đánh trống. Khi Pơtao Puih thắp nến, tay cầm cuộn chỉ và vảy rượu, gạo ra xung quanh, miệng đọc bài cúng bằng tiếng J'Rai, đại ý: "Cầu cho mưa thuận gió hòa, được mùa màng, cầu cho con heo con bò sinh ra khỏe mạnh, cho lửa cháy trên bếp, con người không đau ốm"...
Vào hang kiếm thần
Chúng tôi theo chân Rơ Lan Hieo, băng qua một cánh đồng khá rộng, đến khi lưng áo ướt dẫm mồ hôi thì đến chân Chư tao Yang, nơi có hang cất giấu kiếm thần. Núi không cao lắm nhưng dường lên nhỏ hẹp và bị các loại cây dại bít bùng. Chúng tôi phải vừa gỡ cây là vừa lần từng bước lên.
Một góc làng Plei Ơi - làng của các vua Lửa giờ được bao bọc bởi những mảnh ruộng nước một năm hai vụ
Lên đến đỉnh, tôi thấy có 3 viên đá xếp chồng lên nhau. Dưới khe đá là cửa hang chỉ vừa lọt một thân người chui qua. Hieo kể lại, phải qua hai ngách hang mới đến nơi cất giấu gươm. Nền hang chỉ có dăm nhánh lá khô. Chúng tôi chỉ được phép đi đến đây bởi người duy nhất có thể vào là Pơtao, sau khi đã giết trâu, bò, gà... làm lễ cúng. Khi chúng tôi ngỏ ý muốn đến gần ngôi nhà lá để ngắm gươm thần, Hieo hốt hoảng xua tay từ chối và vội vàng đi xuống.
"Dù cả đời họ chưa một lần được nhìn thấy thanh kiếm “thần” có thể “hô phong, hoán vũ”, nhưng trong tâm thức người J’Rai từ ngàn năm nay và mãi sau này, thanh kiếm vẫn là “báu vật” vô giá. Ngày nay hồ Ayun Hạ đã cung cấp nước cho Plơi Ơi suốt 4 mùa. Không còn nỗi lo hạn hán nữa nhưng Pơtao A Pui vẫn mãi là thủ lĩnh tinh thần của họ”, ông Nguyễn Quang Tuệ. |
Theo lời vua Lửa thì truyền thuyết kể rằng: Kiếm thần do 2 anh em ruột là T'dia và T'diêng rèn từ một hòn đá ở núi Hàm Rồng (là một miệng núi lửa khổng lồ nay đã tắt). Nhưng khi rèn xong, thanh gươm cứ đỏ rực, không chịu nguội, nhúng vào ghè ghè cạn, nhúng xuống suối suối khô, nhúng xuống sông sông hết nước... đến khi một người chẳng may vấp té, ngã trúng thanh gươm, máu tuôn chảy nhuộm kín thanh gươm thì nó mới chịu nguội. Nhưng khi đó, anh em T’diêng thấy máu chảy sợ quá nên vứt xuống sông. Hay tin, người Chàm, người Lào, người Khơ Me... đều lặn tìm thanh gươm. Một dân chài người Kinh lặn được thanh gươm. Từ dưới nước ông nhô người và giơ thanh gươm lên thì người J'rai giật được lưỡi gươm, người Lào giật được chuôi gươm, còn người Kinh giữ vỏ gươm.
Tìm gặp ông Nguyễn Quang Tuệ, Trưởng phòng Nghiệp vụ Văn hóa, Sở VHTT - DL Gia Lai, một người từng có nhiều năm nghiên cứu văn hóa truyền thống của người J’Rai, ông nói: “Ngày xưa, việc trồng lúa là phương thức canh tác chính nuôi sống con người trên cao nguyên, nhưng khí hậu Tây Nguyên rất khốc liệt và đầy bất thường. Trong đó, nguy cơ thường trực nhất là hạn hán. Truyền thuyết kiếm thần nói lên khát vọng khắc chế thiên nhiên. Nhưng khả năng của con người có hạn, họ không làm nổi nên đành dựa vào tâm linh để an ủi mình, đó là cầu xin thần linh hay tạo ra một thứ gì đó có thể, “hô phong, hoán vũ”, bắt thiên nhiên phục vụ con người”.
Hieo bảo, từ khi có hồ Ayun Hạ, cánh đồng làng Ơi lúc nào cũng đầy ắp nước nên bà con không cần cầu mưa nữa rồi. Còn ông Tứ cũng hồ hởi: “Từ năm 1993, làng Plei Ơi đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Làng có hơn 100 hộ nhưng có đến 38 hộ gia đình văn hóa. Đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của bà con ngày càng nâng cao. Chúng tôi mừng lắm”.