Vua Felipe VI, Hoàng hậu Letizia và Thủ tướng Pedro Sanchez và lãnh đạo vùng Valencia Carlos Mazon, đã đến thăm thị trấn Paiporta, một trong những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất sau trận lũ lịch sử.
Một số người dân địa phương ném trứng và bùn vào các thành viên hoàng gia và các quan chức, trong khi những người khác la ó "Đồ giết người", "Xấu hổ" và "Biến đi", theo hãng tin EFE của Tây Ban Nha. Các video từ hiện trường cho thấy nhân viên an ninh đã cố gắng che chắn Vua Felipe VI bằng ô. Người biểu tình cũng ném đá vào xe của Thủ tướng, khiến cửa kính xe bị vỡ.
"Làm ơn, nhiều người hiện vẫn đang mất tích, nhiều gia đình vẫn đang tìm kiếm người thân và bạn bè của họ. Tất cả những gì chúng tôi muốn là được cảnh báo sớm và nhiều người sẽ được cứu", Nuria Chisber, một cư dân, nói.
"Thảm họa này đã được phát hiện từ rất sớm và chính quyền không làm bất cứ điều gì để phòng tránh nó", một thanh niên nói với Vua Felipe VI, người đã nhất quyết ở lại để nói chuyện với người dân bất chấp tình trạng hỗn loạn, trong khi Thủ tướng đã nhanh chóng rút lui.
Tây Ban Nha là nước theo chế độ quân chủ lập hiến, nơi nhà vua là nguyên thủ quốc gia. Khi nhà vua cố gắng xoa dịu đám đông tức giận, ông cũng đề cập đến việc "kẻ xấu" lợi dụng tình hình để gây bất ổn. "Có rất nhiều thông tin độc hại về trận lũ đang được lan truyền và có nhiều kẻ muốn gây ra sự hỗn loạn", ông nói với đám đông.
Số người chết trong trận lũ quét lịch sử của Tây Ban Nha đã tăng lên 217 người hôm 3/11, chủ yếu ở khu vực Valencia và hơn 60 người đã thiệt mạng ở riêng ở Paiporta. Hàng chục người vẫn đang mất tích, trong khi khoảng 3.000 hộ gia đình chưa có điện, các quan chức cho biết.
Chính quyền trung ương cho rằng việc đưa ra cảnh báo cho người dân là trách nhiệm của chính quyền khu vực. Tuy nhiên, chính quyền Valencia cho biết họ đã nỗ lực hết sức có thể với thông tin ít ỏi được cung cấp.
"Nếu chính quyền phát đi một cảnh báo kịp thời cho người dân, số thương vong sẽ không lớn đến vậy", Jorge Olcina, chuyên gia khí tượng tại Đại học Alicante, đồng thời chỉ ra sự phối hợp kém hiệu quả giữa chính quyền trung ương và khu vực. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng thảm họa này có mức độ đặc biệt nghiêm trọng và "khó xử lý".
Thủ tướng Sanchez hôm 2/11 cho rằng bất kỳ sơ suất tiềm ẩn nào cũng sẽ được điều tra và kêu gọi đoàn kết chính trị khi đối mặt với thảm kịch.
Lãnh đạo khu vực Valencia, Carlos Mazon, người cũng đã đến Paiporta cùng nhà vua, đã đăng trên mạng xã hội X: "Tôi thấu hiểu sự tức giận của người dân và tất nhiên tôi sẽ ở lại để hứng chịu điều này. Đó là nghĩa vụ chính trị và đạo đức của tôi. Thái độ của nhà vua sáng nay là rất mẫu mực".
Hàng nghìn binh sĩ và cảnh sát đã được huy động tham gia nỗ lực cứu trợ thiên tai trong cuối tuần qua ở Tây Ban Nha. Đây là thảm họa liên quan đến lũ lụt tồi tệ nhất ở châu Âu từ năm 1967, khi khoảng 500 người thiệt mạng ở Bồ Đào Nha trong một vụ việc tương tự.
Các nhà khoa học cho rằng các sự kiện thời tiết cực đoan đang xảy ra thường xuyên hơn ở châu Âu và nhiều nơi khác do biến đổi khí hậu. Các nhà khí tượng học cho rằng sự nóng lên của Địa Trung Hải, làm tăng sự bốc hơi nước, đóng một vai trò quan trọng trong việc khiến cho những cơn mưa lớn trở nên nguy hiểm hơn.