Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn kiểm tra tại cửa khẩu phụ chuyên XK nông sản tại Cửa khẩu Tân Thanh. |
Trước tình hình này, lãnh đạo Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Lạng Sơn đã và đang tiến hành rà soát, tìm giải pháp thúc đẩy trở lại hoạt động XK nông sản qua địa bàn trọng điểm này.
Kim ngạch giảm sâu
Làm việc với UBND tỉnh Lạng Sơn và kiểm tra hệ thống các cửa khẩu XK nông thủy sản tại địa bàn tỉnh ngày 17/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá: Trong số các địa phương có đường biên giới với Trung Quốc, Lạng Sơn đóng vai trò quan trọng nhất về hoạt động XK nông sản Việt Nam sang thị trường Trung Quốc thông qua hệ thống cửa khẩu lớn, đặc biệt là mặt hàng rau quả của Việt Nam trước đây có thời điểm gần như 100% XK sang Trung Quốc qua các cửa khẩu thuộc địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Thị trường Trung Quốc thường xuyên chiếm 27 - 30% tổng cơ cấu kim ngạch XK nông lâm thủy sản của cả nước. Trong đó, một số sản phẩm nông sản XK chủ lực chiếm tỉ trọng lớn sang thị trường Trung Quốc (năm 2018) như trái cây 3,8 tỉ USD, sắn trên 1 tỉ USD, gạo thường xuyên chiếm 40% trong cơ cấu XK hàng năm…
Vì vậy, việc Trung Quốc tăng cường thực hiện nghiêm ngặt các quy định về điều kiện XK nông sản đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động SX cũng như XK nông sản nước ta trong thời gian qua.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết: Trước tình hình Trung Quốc áp dụng nghiêm ngặt các yêu cầu về quy định NK các mặt hàng nông thủy sản từ Việt Nam, đặc biệt là từ năm 2018 đến nay, kim ngạch XK nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã giảm khá mạnh, với mức giảm 8 tháng đầu năm 2019 là 19% so với cùng kỳ năm 2018.
Đặc biệt, một số mặt hàng nông sản chưa được phép XK trước đây vẫn có thể XK theo hình thức trao đổi biên giới, tuy nhiên từ tháng 4/2019 đến nay đã chính thức không còn XK được nữa nên đã giảm rất sâu như: Chanh leo năm 2018 đạt 45 nghìn tấn, trị giá 20 triệu USD thì 8 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt khoảng 2.000 tấn, trị giá 0,8 triệu USD; na năm 2018 đạt trên 8.000 tấn, trị giá 13 triệu USD những 9 tháng đầu năm 2019 không XK được lô nào; mặt hàng thạch đen năm 2018 XK trên 8.500 tấn, trị giá 8,5 triệu USD thì 8 tháng đầu năm 2019 chỉ còn XK được 1.500 tấn, trị giá 1,5 triệu USD…
Hoạt động XK nông sản tại các cửa khẩu địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã bị tụt giảm khá sâu từ đầu năm 2019 đến nay. |
Ông Hồ Tiến Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị: Hiện nay cửa khẩu Chi Ma đã được nâng cấp lên thành cửa khẩu song phương giữa Việt Nam - Trung Quốc, chính thức đi vào hoạt động hơn 1 năm qua. Đây là cửa khẩu truyền thống nhập khẩu các loại dược liệu từ Trung Quốc về Việt Nam. Theo đó phía Trung Quốc đã đầu tư hệ thống hạ tầng, kho bãi rất bài bản để phục vụ XK dược liệu sang Việt Nam từ lâu. Tuy nhiên hiện nay, theo quy định của phía Việt Nam, lại chỉ được phép NK dược liệu từ Trung Quốc về qua các cửa khẩu quốc tế. Điều này đã khiến hoạt động XNK tại cửa khẩu Chi Ma tụt giảm rất mạnh. Vì vậy, cần sớm cho phép hoạt động NK dược liệu sớm hoạt động trở lại ở cửa khẩu này. |
Tại các cửa khẩu phụ như Na Hình, Nà Nưa, Bình Nghi, Co Sâu, Pò Nhùng, Bản Chắt kim ngạch XK 8 tháng đầu năm 2019 chỉ còn đạt khoảng 130 triệu USD, giảm tới 45% so với cùng kỳ năm 2018…
Hàng chính ngạch cũng còn trở ngại cần tháo gỡ
Theo ông Vy Công Tường, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, Việt Nam cần sớm nắm bắt, đàm phán để có thể XK chính ngạch nhằm khai thác tiềm năng sản phẩm trong nước. Ví dụ sầu riêng là sản phẩm Trung Quốc mua rất mạnh, tuy nhiên trước đây, do chưa được phép XK sang Trung Quốc nên nhiều DN phải mượn C/O từ nước thứ 3 là Thái Lan mới XK được, khiến đội chi phí lên rất cao.
Ông Tường cũng thừa nhận, hiện nay, những mặt hàng nông sản nào có sự tham gia của các thương lái Trung Quốc trực tiếp sang Việt Nam triển khai sơ chế, đóng gói để XK thì việc thông quan vẫn rất thuận lợi, điển hình như thanh long, vải thiều…
Tuy nhiên, một số mặt hàng không có thương lái Trung Quốc sang trực tiếp giám sát khâu thu hoạch, sơ chế, đóng gói phân loại thì tiến độ XK thường gặp rất nhiều trúc trắc…
Đặc biệt thời gian gần đây, thanh long là mặt hàng đã được XK chính ngạch và là sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam cũng đang gặp khá nhiều khó khăn.
Theo ông Tường, bình quân trước đây nếu vào thời điểm chính vụ như hiện tại, mỗi ngày có khoảng 350 xe thanh long được thông quan qua cửa khẩu Tân Thanh, nhưng thời gian qua phía Trung Quốc yêu cầu thanh long sau khi thông quan sang bên kia biên giới, các DN nhập khẩu phía Trung Quốc phải thực hiện việc chiếu xạ.
Mặc dù nhu cầu tiêu thụ của các DN phía Trung Quốc vẫn rất lớn, tuy nhiên, hiện phía Trung Quốc chỉ có một dây chuyền chiếu xạ trái cây tại khu vực biên giới cửa khẩu Tân Thanh, nên lượng chiếu xạ còn rất hạn chế.
Vì vậy, đã xảy ra tình trạng thanh long XK tụt giảm so với trước đây. Cụ thể, có thời điểm mỗi ngày chỉ còn khoảng 50 xe thanh long thông quan (thời gian gần đây đã được nâng lên 150 - 200 xe/ngày).
Thị trường Trung Quốc thường xuyên chiếm 27 - 30% tổng cơ cấu kim ngạch XK nông lâm thủy sản của cả nước. |
Về vấn đề này, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục BVTV cho biết, hiện nay, Việt Nam cũng đã có các cơ sở chiếu xạ cho trái cây XK cả ở phía Bắc và phía Nam, vì vậy nếu phía Trung Quốc chấp nhận, chúng ta có thể nghiên cứu để có thể chiếu xạ trái cây ngay tại Việt Nam trước khi XK sang Trung Quốc, nhằm tạo điều kiện nhanh chóng hơn, tránh tình trạng ùn ứ khi thông quan.
“Hiện nay, nhu cầu thu mua của Trung Quốc đối với nhiều sản phẩm nông sản như gạo, thanh long, sầu riêng… là rất lớn, tuy nhiên, chúng ta cần phải kiểm soát tốt từ các khâu khai báo nguồn gốc xuất xứ, hoàn thiện C/O, C/Q về thủ tục hải quan phải rất chặt chẽ”, Đại tá Ninh Văn Hợp, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn kiến nghị.
Trên cơ sở kiểm tra, nắm bắt tình hình XK nông sản tại các cửa khẩu của địa bàn tỉnh Lạng Sơn, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết sẽ sớm ghi nhận, tổng hợp nhằm có giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ thị trường XK nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc một cách căn cơ, dài hơi hơn nữa. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các đơn vị liên quan của tỉnh Lạng Sơn phối hợp chặt chẽ với Cục BVTV nhằm có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc tiếp đón đoàn chuyên gia của Trung Quốc sang làm việc, kiểm tra, đánh giá để cho phép XK chính ngạch cây thạch đen sang thị trường Trung Quốc trong thời gian sớm nhất. Đồng thời tiến tới hoàn thiện đồng bộ từ tổ chức SX, kế hoạch XK để sớm đề nghị cho phép XK quả na, sản phẩm có nhiều dư địa lợi thế của Lạng Sơn, cùng với một số sản phẩm trái cây có thế mạnh khác như sầu riêng, dừa, chanh leo… mà Việt Nam đã nộp hồ sơ cho phía Trung Quốc. |
Trung Quốc xây hàng rào biên giới Đại tá Ninh Văn Hợp, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn thông tin thêm, hiện Trung Quốc đã cho xây dựng hệ thống hàng rào với hệ thống giám sát rất hiện đại ven biên giới với Việt Nam tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn nhằm ngăn chặn buôn lậu và nhập cảnh trái phép. Qua nắm bắt, hiện trên toàn tuyến biên giới của Lạng Sơn dài trên 230km thì đã có khoảng ½ chiều dài được phía Trung Quốc hoàn tất việc xây dựng hàng rào, và có thể hoàn thành toàn tuyến trong thời gian tới. Theo Đại tá Hợp, đối với một số loại trái cây chưa được phép XK sang Trung Quốc, điển hình như chanh leo trước đây vẫn nhúc nhắc XK được dạng trao đổi cư dân biên giới thì nay Trung Quốc kiểm soát rất ngặt nghèo, thậm chí khởi tố đối tượng do họ xem đây là buôn lậu. Vừa qua, có 3 xe vận chuyển nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc đã bị tạm giữ lại ở cửa khẩu của họ, thông tin phía Trung Quốc cho biết là do chủ hàng gian lận, khai báo không đúng chủng loại sản phẩm XK… |