| Hotline: 0983.970.780

Vui buồn nghề nuôi 'vua' trên đảo Bình Hưng

Thứ Sáu 21/04/2017 , 15:05 (GMT+7)

Tôm hùm được mệnh danh là "vua hải sản". Tuy nhiên, để có được con tôm hùm lên đến 1kg thì công sức, tiền bạc người nuôi phải bỏ ra liên tục trong cả năm trời, không ít người bầm dập vì nuôi vị "vua" này.

Tiền tấn đổ xuống biển

Đến thăm đảo Bình Hưng, xã Cam Bình, TP Cam Ranh (Khánh Hòa) trong chuyến công tác, tôi được chú Nguyễn Quế Phương, trưởng thôn Bình Hưng, giới thiệu về anh Nguyễn Thanh Tùng, một người đang nuôi tôm hùm với quy mô lồng bè lớn hàng đầu trên đảo Bình Hưng.

14-47-39_nh-tung-gioi-thieu-con-tom-hum-bong-chun-bi-xut-bn
Anh Tùng giới thiệu con tôm hùm bông chuẩn bị xuất bán

Khoảng 5h sáng, những tia nắng đang bắt đầu len lỏi đến từng ngỏ ngách trên đảo, tôi được anh Tùng đánh thức để chuẩn bị theo anh ra bè cho tôm ăn. Khi những chiếc tàu chở đầy thức ăn cho tôm vừa cập cảng, anh cùng mấy người nhân công đến nhận hàng rồi trả tiền cho chủ tàu.

Anh Tùng cho biết: “Sáng nào cũng đúng 6h30 tôi ra bè với nhân công để cho tôm ăn, công việc thường ngày là vậy cho dù mưa bão tôi cũng phải đi vì không thể để con tôm đói được, cũng may biển ở vùng này lúc trời bão cũng êm hơn so với nhiều chỗ khác nên lúc ra bè cũng ít ảnh hưởng”.

Sau khi vận chuyển đủ hết số thức ăn trong ngày cho tôm lên ghe, chúng tôi bắt đầu tiến về khu bè nuôi tôm của anh. Anh Tùng cho hay, người dân ở Bình Hưng hầu hết ai cũng làm nghề nuôi tôm hùm, người nuôi ít thì vài lồng người nuôi nhiều thì vài chục lồng, còn quy mô nuôi lên đến 120 lồng như anh trên đảo chỉ được vài người.

Nghề nuôi tôm hùm nơi đây chủ yếu nuôi 2 loại là tôm hùm xanh và tôm hùm bông. Thức ăn cho tôm mỗi ngày đều là hải sản đánh bắt ở biển gồm cá lép, sò, ốc, tôm tít…, chỉ trong sáng nay tổng số tiền mua thức ăn cho tôm anh vừa thanh toán đã trên 10 triệu đồng, mỗi tháng riêng chi phí thức ăn cho tôm không tính nhân công đã ngốn hết của anh Tùng khoảng 400 triệu đồng.

14-47-39_du-thuc-n-cho-tom-hum-r-be
Đưa thức ăn cho tôm hùm ra bè

Nuôi tôm hùm tốn kém là vậy, nếu người nuôi đủ tiền cho tôm ăn thì để tôm lại nuôi tiếp, còn gặp lúc kẹt tiền thì phải bán bớt con lớn để nuôi tiếp con nhỏ. Tuy nhiên tôm càng nuôi lớn thì bán càng có giá nhưng quan trọng người nuôi có đủ vốn để nuôi được lớn hay không thôi.

Hiện tại, lồng bè của anh Tùng đang nuôi một nửa tôm hùm xanh và tôm hùm bông vì tôm hùm xanh nuôi 10 tháng thì bán được giá, còn tôm hùm bông thì phải nuôi trên 16 tháng được 1,2 - 1,5kg lúc này xuất bán mới có giá, người nuôi bây giờ thường bán sớm tôm hùm xanh để lấy ngắn nuôi dài, và lấy tiền nuôi tôm hùm bông. Vì giá tôm hùm bông lúc nào cũng ổn định hơn tôm hùm xanh, luôn dao động trong khoảng 1,7 - 1,8 triệu đồng, lúc xuống thấp nhất cũng 1,5 triệu, nhiều lúc lên cao trên 2 triệu thì người nuôi thắng lớn, người nuôi nơi đây chủ yếu bán cho thương lái Trung Quốc vào dịp tết.

14-47-39_nhn-cong-chun-bi-thuc-n-cho-tom-hum-tren-be
Nhân công chuẩn bị thức ăn cho tôm hùm trên bè

Chiếc ghe chở chúng tôi tiến sát đến bè, mỗi người cùng phụ giúp nhau mang thức ăn cho tôm xuống, nhìn những chiếc lồng tôm đang nằm yên dưới dòng nước biển trong xanh, anh Tùng kể, tính đến thời điểm hiện tại anh đã theo nghề nuôi tôm được gần 20 năm, trước kia bố mẹ anh nuôi lồng chìm, thuê người trông nuôi, sau này anh về đầu tư lại bằng lồng bè bài bản hơn. Ngày xưa bố mẹ anh làm nghề chạy đò nên cho anh đi học lấy bằng thuyền trưởng, lấy bằng xong anh ba làm nghề lái tàu, nhưng qua một thời gian anh bôn ba trên biển vẫn muốn về quê hương nuôi tôm hùm để phát triển kinh tế.
 

Lợi nhuận cao, rủi ro lớn

Cách đây đúng 10 năm quy mô nuôi của anh Tùng đã lên 50 lồng, lúc đó anh vừa lấy vợ về được mấy tháng thì xã Cam Bình xảy ra dịch bệnh tôm, đợt đó tôm bị dịch chết hết, làm điêu đứng những người nuôi tôm trên đảo. Những con tôm hùm lớn nhỏ chết do dịch bệnh bị người nuôi đổ khắp nơi, ai nuôi tôm hùm năm đó đều thiệt hại nặng. Lúc này do dịch bệnh nên giá tôm hùm giống rất rẻ trong khi giá tôm thịt tăng cao, không ai dám đầu tư nuôi lần nữa.

Không nản lòng, nhận thấy thời cơ giá tôm giống rẻ mà giá tôm thịt đang cao nên anh Tùng mạnh dạn gom hết ít vốn còn sót lại tiếp tục đi mua tôm giống rồi nuôi với quy mô nhỏ hơn trước. Qua năm sau tôm bán được giá dịch bệnh trên con tôm được khắc phục nên anh thu lãi cao, cứ thế phát triển cho đến quy mô bây giờ.

Anh Tùng chia sẻ, sau năm thua lỗ anh tự mình học cách phòng bệnh cho tôm rồi kinh nghiệm tăng lên từng ngày, bệnh tôm hùm thường gặp là bị bệnh sữa lúc đó thịt tôm mềm nhũn chọc một phát là chảy nước như sữa. Ngày trước 2 năm mới vệ sinh lồng bè 1 lần, bây giờ hết 1 vụ là kéo lên vệ sinh lại lồng, đồng thời mỗi tháng cho tôm ăn kèm một ít thuốc phòng ngừa bệnh một lần để tôm tăng sức đề kháng. Sau khi nuôi thành công liên tiếp nhiều năm, anh truyền kinh nghiệm cho em rể, bây giờ quy mô nuôi tôm hùm của người em sau mấy năm cũng trên 50 lồng.

14-47-39_quy-mo-be-nuoi-120-long-tom-hum-cu-nh-tung
Quy mô bè nuôi 120 lồng tôm hùm của anh Tùng

Hiện anh đang thuê 8 người nhân công trông coi và cho tôm ăn mỗi ngày, trả lương cố định hàng tháng 4 triệu đồng mỗi người, cuối năm vừa rồi anh thưởng cho mỗi người 12 triệu, còn cho mượn tiền vốn để họ đầu tư lồng bè nuôi cùng anh. Trước kia còn có nhân công anh trả 10 triệu hàng tháng do làm thêm quản lý bè du lịch, nhưng do năm trước sau vụ chìm bè du lịch ở Vĩnh Hy nên tất cả bè du lịch ở đây đều bị rút giấy phép, bây giờ không nhận khách đến nữa, chỉ tập trung vào nuôi con tôm hùm, tuy vậy anh cũng vừa đầu tư xây thêm nhà nghỉ cho vợ quản lý.

Theo anh Tùng, do nguồn nước nuôi ở Bình Hưng đang sạch và trong nên nuôi tôm hùm nơi đây cho lợi nhuận cao, ít rủi ro hơn so với làm một số nghề khác. Những năm gần đây, năm nào nuôi anh cũng có được lợi nhuận cao, có năm cho thu nhập 1 tỷ, có năm tôm được giá thì lợi được trên 4 tỷ đồng, tôm hùm anh nuôi quanh năm lúc nào cũng có để bán cho thương lái. Tích lũy được nhiều vốn liếng, nhưng anh vẫn không muốn nghỉ nuôi tôm để đầu tư công việc khác ít rủi ro và nhàn hơn, do đây đã là nghề quen thuộc với lại hàng ngày không theo anh em ra bè ở riết trong đảo anh cũng chán.

Tuy nuôi tôm hùm được lợi nhuận cao nhưng nhiều lúc bị mất mấy chục con tôm hùm do bị bắt trộm, thường mất vào ban ngày vì ban đêm có người trông ở bè. Chưa kể nhiều lúc xuất bán thì bị lệ thuộc giá cả của thương lái, người nuôi tôm lệ thuộc vào giá rất nhiều. Do đầu tư vốn nhiều nên giờ ít dám đi đâu, tuy nhân công là anh em thân thiết lâu năm nhưng cũng không yên tâm khi giao hết cho họ quản lý.

Hòa mình xuống mặt nước biển, anh Tùng bắt lên cho tôi xem một con tôm hùm bông, anh cho biết, con tôm này anh nuôi hơn 1 năm rồi bây giờ chắc nặng được 1,5 kg.

Nhìn anh chăm lo cho từng con tôm trong lồng của mình, tôi hiểu được tại sao nuôi tôm vất vả và đầy rủi ro nhưng anh vẫn lạc quan với nghề.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Hai dự án chống ngập TP.HCM về đích

Ngày 27/4, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, UBND thành phố Thủ Đức tổ chức khánh thành 2 dự án chống ngập sau nhiều năm chật vật thi công.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm