| Hotline: 0983.970.780

Vùng bãi ngang, những mảng màu sáng - tối: Bài 2 - Mơ về canh bạc tất tay

Thứ Ba 11/06/2019 , 10:09 (GMT+7)

Đầm tôm xã Đa Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) những ngày cuối tháng 5 tĩnh lặng đến lạ. Đang vào vụ nuôi chính, những chiếc mô tơ quạt ô xy lẽ ra phải chạy hết tốc lực bọt tung trắng xóa thì nay nằm im dưới nắng thiêu đốt.

Nắng đến mức người với người gặp nhau chẳng thèm bắt chuyện. Vậy mà khi nhắc đến những canh bạc đầm tôm thì cứ thế, người nuôi tôm tuôn ào ào. Nhiều người đã khánh kiệt nhưng vẫn mơ về canh bạc tất tay để gỡ gạc…
 

Mỗi vụ tôm qua, lại thêm cục nợ

Đã từng có thời, nhiều “ông lớn” tại huyện Hậu Lộc đổ về xã Đa Lộc mua đất nuôi tôm. Những cú vung tay mạnh bạo đã biến vùng nuôi tôm Đa Lộc trở nên nhộn nhịp. Ngày ấy, chỉ cách đây 3 - 4 năm thôi, khu nuôi tôm tại Đa Lộc sôi động lắm! Người ra, kẻ vào, máy móc hoạt động rền vang cả một góc trời. Những đầm tôm được trải bạt đen Thái Lan; những chòi canh tôm lúc nào cũng nhộn nhịp người ăn, kẻ làm.

13-26-01_ong_phu_nguyen_chu_tich_ubnd_x_d_loc
Ông Vũ Xuân Phú, nguyên Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, hi vọng Nhà nước sớm đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm Đa Lộc.

Nhưng đó là câu chuyện của 3 - 4 năm trước bởi giờ đây, vùng đất này đã chứng kiến có không ít người dứt áo ra đi. Vùng nuôi tôm Đa Lộc trở nên đìu hiu, vắng lạnh. Kẻ ở lại thì ngày càng khánh kiệt nhưng vẫn cố dùng chút sức lực yếu ớt để mong thắng ván bài cuối. Thế nhưng, sức đã cùng, lực đã kiệt.

Con đường dẫn từ trung tâm xã Đa Lộc ra vùng nuôi tôm Đông Hòa – Yên Đông đã được trải bê tông phẳng lỳ. Đứng trên đê quai trục 8 có thể thấy toàn cảnh một vùng nuôi tôm rộng lớn, đầy tiềm năng của xã bãi ngang này. Người dẫn đường chua xót: “Không hiểu sao, vùng nuôi tôm này cứ thất bát triền miên. Được mùa tôm, đau mùa lúa đã đành. Ở đây, tôm, lúa đều mất cả”.

Người dẫn đường đưa chúng tôi đến cánh đồng lúa ngay phía dưới đầm tôm rồi trầm ngâm: “Đó! Nước mặn từ các đầm tôm thẩm thấu, từ các cống dẫn mặn vào đầm nuôi rò rỉ ra những ruộng lúa khiến ruộng đồng gần như mất trắng. Vừa rồi nghe nói một số chủ đầm phải chấp nhận đền bù cho người trồng lúa đấy”.

Chòi canh tôm của ông Vũ Đức Diện, thôn Yên Hòa nằm giữa 8 đầm tôm lớn nhỏ. Là người có thâm niên nuôi tôm gần 15 năm nay nhưng chưa bao giờ ông Diện thấy nghề nuôi tôm tại Đa Lộc lại thê thảm như bây giờ. Khi hầu hết còn nuôi tôm sú quảng canh, dù hiệu quả kinh tế thấp nhưng chưa bao giờ người nuôi rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Còn khi nhà nhà, người người chạy theo nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp, những vụ tôm thắng lợi cứ thưa dần; những vụ tôm thất bát lại tăng theo cấp số nhân.

Của nả trong nhà những ông chủ đầm cứ đội nón ra đi theo con tôm thẻ. Những sổ đỏ của gia đình, người thân bị ném thẳng vào ngân hàng không đoán biết ngày trở lại. Những khoản tiền vay nóng với lãi suất “cắt cổ” cũng cứ mặc cho lãi mẹ đẻ lãi con…

Mỗi vụ tôm qua, nhà ông Diện lại thêm cục nợ.
“Bây giờ ngộ ra thì đã muộn và không đủ lực để đầu tư thêm về hạ tầng nuôi nữa. Của nả đã đi theo con tôm hết rồi, đến cả tiền thức ăn cho tôm cũng phải đi giật nóng thì còn nghĩ gì đến cải tạo, nâng đáy đầm nuôi tôm trên cát? Thôi thì cứ chạy theo lao, ông trời thương được chừng nào hay chừng đó”, ông Sáu chủ một đầm tôm Đa Lộc chua xót.

Không thể vay được những khoản tiền lớn nữa thì phải đi gom, đi vay từ những đồng tiền nhỏ. Đấy là cách mà nhiều người nuôi tôm Đa Lộc hiện nay đang cầm cự. Với họ, chỉ con tôm mới trả hết nợ cho con tôm.

Chính vì thế, nhiều gia đình bỏ bẵng nhà cửa; vợ chồng, con cái đều tập trung về đầm tôm quyết đánh cược với ông trời canh bạc tất tay. Nhưng những vụ tôm thất bát thì vẫn chưa có điểm dừng.

“Không còn vốn liếng nên vụ 1 năm nay, tôi chỉ thả 3 đầm nuôi với số lượng 54 vạn con giống. Đáng lẽ thời điểm này, các quạt ô xy phải hoạt động hết công suất nhưng anh nhìn xem, chúng vẫn nằm yên một chỗ.

Hai đầm đã mất trắng rồi, giờ chỉ còn 1 đầm, con tôm đã to bằng đầu thuốc lá; cầu trời khấn phật cho chúng không có dịch bệnh gì. Đó là hi vọng nhỏ nhoi để tôi vớt vát cho vụ tôm này và có đồng vốn thả tôm vụ tiếp theo trả bớt nợ nần”, ông Diện than thở.

Ở vùng đất này, nếu nói nhờ nuôi tôm để có nhà lầu, xe hơi thì gần như không có. Nhưng chuyện vì nuôi tôm mà phải bán đất, bán nhà thì không hiếm.

Sau 3 năm nuôi tôm công nghiệp, dù đã phải bán tháo 2 lô đất ở để trả nợ nóng thế nhưng ông Diện vẫn còn ngập trong đống nợ.

Vậy mà món nợ ngân hàng và vay nóng còn lại 1,4 tỷ đồng vẫn chưa biết ngày nào trả được. “Đó là những gì tôi nhận được sau bao năm dãi nắng dầm sương với con tôm”, ông Diện chua xót rồi thở dài, nếu trả sòng phẳng, riêng số tiền vay nóng, mỗi ngày cũng phải trả 1,8 triệu đồng tiền lãi. Nhưng chỉ có con tôm mới trả nợ được cho nó, nếu đi làm thuê, làm mướn, tháng 5 - 6 triệu thì chưa đủ để trả lãi hàng tháng chứ chưa nói gốc. Đành làm liều...
 

Nhắm mắt theo lao

Trong một chòi canh tôm tại xã Đa Lộc, chúng tôi được ngồi nghe những ông chủ đầm bàn tán về câu chuyện nuôi tôm thất bát tại xã bãi ngang này. Theo những ngươi nôi tôm ở Đa Lộc, không phải tất cả những ông chủ nuôi tôm đều thất bại nhưng tỷ lệ thành công chỉ đạt mức dưới 20%.

Vì thế, ở Đa Lộc, chuyện những ông chủ đầm tôm bán nhà, bán đất nhưng vẫn ôm nợ 2 - 3 tỷ là chuyện không hiếm. Rồi người dân Đa Lộc tiếc nuối, nếu không vì con tôm, nhiều hộ đã có thể xây được nhà cao, cửa rộng. Nhiều nhà cầm trong tay 400 - 500 triệu định xây nhà nhưng cứ ngỡ nuôi tôm “bở ăn” nên nhắm mắt đầu tư. Kết quả là mất cả chì lẫn chài.

Cũng như nhiều hộ nuôi khác, từ nhiều năm nay, căn nhà chính to rộng của vợ chồng, con cái ông Nguyễn Văn Hữu cửa đóng then cài. Cả gia đình ông tập trung nhân lực ra đầm tôm để mong trở thành tỷ phú. Thế nhưng, mỗi vụ tôm qua, nhà ông lại ôm thêm cục nợ.

“Tôi cũng đã nuôi tôm được gần 20 năm nay rồi. Nhưng 5 - 6 năm nay khi chuyển sang nuôi tôm thâm canh thì hầu như năm nào cũng mất đau. Tôi đã đầu tư gần chục tỷ đồng vào những đầm tôm nhưng qua nhiều năm nuôi, số nợ cứ tăng dần trong khi con tôm ở vùng đất này có lẽ đã hết thời”, ông Hữu phân trần.

Theo phân tích của ông Hữu, nguồn nước nuôi tôm được lấy từ điểm tiếp giáp giữa hạ nguồn sông Mã đổ ra biển. Đây là điểm tàu thuyền thường xuyên qua lại, cư dân lại sống vây quanh. Vì thế, nguồn nước bị ô nhiễm, dù các chủ đầm tôm rất có ý thức lắng lọc, xử lý nhưng vẫn không đảm bảo.

Hạ nguồn sông Mã bị ô nhiễm nên nước nuôi tôm không đảm bảo.

Từ những đầm tôm này, muốn lấy nước từ ngoài biển để giảm thiểu ô nhiễm thì quãng đường phải dài 5 - 7 km. Trong khi đó, hệ thống kênh dẫn không có nên chúng tôi đành phải sử dụng nước hạ nguồn sông Mã. Muốn đầu tư hệ thống kênh này có lẽ phải mất hàng trăm tỷ đồng. Số tiền đó, người nuôi tôm không thể kham nổi nên đành phải để mặc rủi ro ông trời định đoạt.

Cũng theo ông Hữu, trước đây, khi nuôi tôm quảng canh, người dân phải thuê máy về múc ao xuống sâu. Sau đó, bước vào nuôi thâm canh công nghiệp, với ao nuôi cũ, được vài vụ đầu thắng lợi người dân lại không cải tạo ao nuôi nên đó cũng là một phần của thất bại.

Chúng tôi đang đi giữa những vùng nuôi trồng thủy sản được quy hoạch hẳn hỏi của huyện Hậu Lộc. Nhưng điều đáng nói hơn, vài năm lại đây, tình trạng nuôi trồng thủy sản tại các xã bãi ngang, vùng biển của tỉnh Thanh Hóa ngày càng nở rộ. Vài vụ nuôi đầu thắng lợi như liều doping kích thích người dân bỏ nhà, bỏ cửa chạy theo con tôm. Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, nhiều vùng nuôi ngoài quy hoạch tại Hoằng Hóa, Tĩnh Gia… cũng lâm vào cảnh bi đát không kém.

Ông Vũ Xuân Phú, nguyên Chủ tịch UBND xã Đa Lộc, người đã có nhiều năm tháng cùng nhân dân quai đê, lấn biển cho biết, trước đây, Nhà nước đã quy hoạch vùng nuôi tôm, lấy nước từ hạ lưu sông Mã. Nhưng vùng nuôi này đa phần thất bại, có lẽ do nguồn nước ô nhiễm, tôm chết nhiều lắm. Nghe nói Nhà nước đang có dự án xây dựng đập tràn ngăn mặn, người nuôi tôm lấy nước chủ động hơn nhưng không biết lúc nào mới triển khai?

Xem thêm
Đề xuất tăng chi ngân sách cho giáo dục, y tế

Nếu thực hiện tự chủ, các bệnh viện và trường đại học công lập có thể tăng viện phí hoặc học phí lên cao, khiến người bệnh, người học phải chi trả nhiều tiền hơn.

Tìm nguyên nhân khiến ngành chè 'ngại đổi mới'

'Cây chè là cây truyền thống và từng được bao cấp một cách triệt để về doanh nghiệp và đầu ra. Như vậy, đây có phải là nguyên nhân khiến ngành chè ngại đổi mới?' - nguyên Thứ trưởng Lê Quốc Doanh trăn trở.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuất hiện vết nứt trên núi Phú Gia, di dời khẩn cấp hàng chục hộ dân

THỪA THIÊN - HUẾ Trên núi Phú Gia xuất hiện vết nứt dài khoảng 50m, đã có 1 điểm lở xuống phía dưới, độ cao khoảng 20m có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản người dân.