| Hotline: 0983.970.780

Vùng bãi ngang những mảng màu sáng - tối: Bài 4 - Ngỡ ngàng đất biển Quỳnh Phương

Thứ Năm 13/06/2019 , 14:35 (GMT+7)

Nằm phía đông bắc của thị xã Hoàng Mai (Nghệ An), nhờ vận dụng hiệu quả các cơ chế chính sách của nhà nước phát huy tiềm năng kinh tế biển, diện mạo phường Quỳnh Phương những năm qua có bước chuyển mình rõ rệt.

Lộc biển giúp người dân có cuộc sống sung túc, đủ đầy hơn. Nhiều hộ sớm thoát khỏi vòng xoáy cơm áo gạo tiền và cho thấy sự bứt phá tích cực.
 

Ăn chắc mặc bền

Quỳnh Phương được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho dải biển trải dài tít tắp. Vùng biển nơi đây hội tụ quần thể phù du sinh vật đa dạng, kết nối với hệ thống sông Mai Giang tạo nên một ngư trường khai thác đầy tiềm năng.

Quỳnh Phương sở hữu phương tiện tàu cá hùng hậu.

Từ xa xưa ngư dân đã xác định vươn khơi bám biển làm trọng, một năm đều đặn 2 vụ. Mùa cá Nam kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, thời gian này thường xảy ra bão tố nên người dân chủ yếu khai thác trong vùng lộng. Đến mùa cá Bắc, tranh thủ trời êm bể lặng các hộ dong thuyền buồm tìm đến những bãi cá ngoài khơi xa.

Trước bà con chủ yếu dùng thuyền nhỏ, dài 6-10m, buồm nâu hình cánh én, có nhà sở hữu thuyền lớn dài 12m nhưng không nhiều. Công cụ đánh bắt thô sơ thành thử chỉ tận dụng được một phần nhỏ tiềm năng sẵn có, quanh năm suốt tháng lênh đênh bám biển không đủ trang trải cuộc sống. Về sau ít nhiều có sự chuyển biến nhưng chưa đáng kể, nhìn chung Quỳnh Phương vẫn còn bộn bề gian khó.

Nghề sông nước nặng nhọc lại đối mặt với không ít rủi ro. Khi khoa học kỹ thuật chưa được ứng dụng rộng rãi, công tác dự báo còn lắm hạn chế nên sinh mệnh của ngư dân như thể mành chỉ treo chuông. Cánh đàn ông ăn sóng nói gió, thuộc ngư trường như lòng bàn tay cũng không dám chắc điều gì, hơn ai hết họ hiểu những mối lo tiềm ẩn có thể xảy đến bất kỳ lúc nào, nhưng vì gánh nặng mưu sinh buộc phải chấp nhận đánh đổi.

Biển cả bao la giúp ngư dân Quỳnh Phương có cơm ăn áo mặc nhưng cũng nhẫn tâm cướp đi bao phận người xấu số. Con mất cha, vợ mất chồng, em mất anh, nhiều gia đình chìm trong thương đau, những tiếng khóc nức nở nghẹn ngào bao trùm khắp vùng đất biển.

Qua thời gian địa phương từng bước cải tiến, nâng cấp phương tiện đánh bắt nhằm vượt qua nghịch cảnh. Gần đây, nhờ thụ hưởng những chính sách thiết thực của nhà nước nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư thuyền to máy lớn vươn khơi.

Hiệu quả kinh tế cải thiện rõ rệt, mức độ rủi ro cũng giảm đi trông thấy: “Còn người là còn của, chung quy lại, mạng sống vẫn là thứ quan trọng nhất. Nếu quanh quẩn ven bờ may lắm chỉ đủ ăn thôi, muốn khấm khá phải đầu tư đóng mới tàu thuyền, phải cải hoán nâng công suất, phải mua sắm ngư cụ hiện đại để vươn ra khơi xa, đánh bắt những con cá lớn, có giá trị cao”, ngư dân Hoàng Văn Luận chia sẻ.

Lộc biển mang ấm no đến với người dân Quỳnh Phương.

Muốn làm ra thành quả đòi hỏi phải hình thành một chuỗi liên kết mang tính bền vững, mỗi người mỗi việc cần bổ trợ, phối hợp nhuần nhuyễn với nhau. Quá trình hoạt động, dựa vào mức độ quy mô sẽ tiến hành bố trí số lượng lao động phù hợp nhất, thông thường với những phương tiện công suất vừa cần tối thiểu 6-7 người, nhiều thuyền lớn tăng lên 12-13 người.

Thế mạnh của ngư dân Quỳnh Phương là vốn liếng kinh nghiệm đầy đặn, được truyền thụ lại từ các bậc cha ông đi trước. Một điều bất di bất dịch đặt ra, đã xác định gắn bó với nghề nhất định phải am hiểu tường tận các quy luật của biển cả, phải dự báo được tình hình thời tiết, nắm rõ con nước, vùng cá, có như vậy mới duy trì được sự chủ động trong mọi tình huống. Riết mãi rồi cũng thành quen, sau nhiều lần vươn khơi dân biển đúc kết:

Tháng năm trông tây, tháng mười trông đông.

Tháng giêng gió ngoài, tháng hai gió trong.

Tháng ba nồm đông, tháng tư bấc rải.

Tháng năm khuấy lại, tháng sáu nam trong.

Có sự nhanh nhạy trời phú, ngư dân Quỳnh Phương tiếp cận cực nhanh những kỹ năng đánh bắt hiện đại, nhờ đó chất lượng khai thác cải thiện thấy rõ. Phần đa thuyền buồm cất công ra khơi đều nặng lưới quay về, thu đen, thu trắng, ù, nục, sú, rìu, tôm hùm, tôm he, tôm sắt, mực ván, mực ống nhiều vô kể, tất cả như nói thay về một cuộc sống mới sung túc và đủ đầy.

Ngư dân Quỳnh Phương tiếp cận cực nhanh những kỹ năng đánh bắt hiện đại, nhờ đó chất lượng khai thác cải thiện thấy rõ.

Ông Đậu Như Danh, cán bộ địa chính – thú y phường Quỳnh Lương hồ hởi nói, đất đai sản xuất hạn hẹp nên địa phương định hướng tập trung khai thác nguồn lợi thủy sản làm hướng đi chính. Nghề biển hình thành đã lâu nhưng 3, 4 năm trở lại đây mới thực sự phát triển lớn mạnh. Đến nay toàn phường sở hữu 619 phương tiện khai thác các loại, đã thành lập được 41 tổ hợp tác. Địa bàn có 4.200 hộ dân, trong đó tỷ lệ bám biển chiếm đến 50%.
 

Ấm no nhờ lộc biển

Hoàng Văn Luận, Hoàng Đức Long, Nguyễn Phúc Sơn, Trần Văn Mai, Nguyễn Ngọc Cường, Nguyễn Hồng Sơn, Hồ Văn Sơn, Bùi Thái Chung, Bùi Văn Huấn... ông Đậu Như Danh kể vanh vách những chủ tàu hoạt động khai thác thủy sản có hiệu quả cho chúng tôi ghi. Đều như vắt chanh, những hộ trên hàng năm thu về 300 – 400 triệu đồng.

Điều đáng mừng là quyền lợi không chỉ gói gọn trong một số hộ cá thế mà lan tỏa rộng khắp, việc phát triển lớn mạnh nghề cá đã trực tiếp giúp người lao động địa phương có thêm công ăn việc làm, ổn định cuộc sống. Năm 2018 bình quân mỗi thuyền viên nhận trên 100 triệu đồng, ghi nhận 6 tháng đầu năm 2019 đạt mức 50 – 55 triệu đồng/người. Mức thu nhập quá ổn so với mặt bằng chung.

Người người bám biển, nhà nhà bám biển mưu sinh. Trai tráng sức dài vai rộng thì theo thuyền bè vươn khơi, cánh phụ nữ và người già cả cũng tranh thủ kiếm đồng ra đồng vào từ nghề vá lưới, ai nhanh tay nhanh mắt kiếm 150.000 – 200.000 đồng/ngày dễ như bỡn. Nhờ lộc biển cuộc sống của người dân thêm phần đủ đầy, gánh nặng về kinh tế ngày càng được xóa nhòa.

Thế hệ trẻ Quỳnh Phương thực sự mạnh bạo trong tư duy, họ sẵn sàng đầu tư làm ăn lớn không một chút đắn đo. Trường hợp của chàng trai trẻ Đậu Văn Thành là minh chứng, lênh đênh sóng nước từ thuở mười tám đôi mươi nom Thành rắn rỏi hơn hẳn so với bạn bè đồng trang lứa.

Chuyến gần nhất, tàu cá của anh Đậu Văn Thành thắng lớn.

Năm 2015 anh quyết định hùn vốn, mua lại tàu cá công suất 560 CV với giá 800 triệu đồng, cộng thêm tiền nâng cấp, hoàn thiện đồng bộ (làm lưới mới, thay tời, phân khoang...) tổng kinh phí lên đến hơn 2 tỷ đồng: “Giá trị tàu quá lớn, chi phí hoạt động lại tốn kém, nếu tự mình đứng ra cáng đáng thì không thể nào kham nổi. Liên kết là phương án phù hợp, vừa san sẻ được gánh nặng tài chính vừa quán xuyến tốt những vấn đề liên quan”, Thành bộc bạch.

Với đội ngũ sát cánh tâm đầu ý hợp, lại sở hữu kinh nghiệm dạn dày nên quá trình hoạt động khai thác mang lại nhiều kết quả tích cực. Liệu tính như thần, đã xác định vươn khơi là y như rằng thắng lớn. Riêng chuyến gần nhất tham gia đánh bắt gần địa phận đảo Bạch Long Vỹ được xem là chưa có tiền lệ ở đất biển Quỳnh Phương, sau 19 ngày ròng rã thành quả thu về là 12 tấn cá, chất kín đặc cả 600 khay.

Chuyến này mỗi thuyền viên chia nhau 21 triệu đồng, những chủ tàu như anh Thành bỏ túi gấp 2,5 lần, sự hoan hỉ hiện trên những khuôn mặt luôn nở nụ cười giòn.

Nhiều địa phương khác thường triển khai đánh bắt bề mặt tầng nổi, mỗi chuyến có thể thu về hàng trăm tấn hàng, dù vậy phương thức này không ổn định, chuyến được chuyến mất khả năng thua lỗ rất cao. Nhằm hướng đến sự bền vững dài lâu, đội ngũ phương tiện tàu cá Quỳnh Phương cơ bản chỉ tập trung khai thác khu vực tầng đáy, kéo dài từ vĩ tuyến 18 đến vĩ tuyến 21 thuộc địa phận Quảng Ninh. Nguồn lợi thu về đủ để ngư dân sống khỏe.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xúc tiến, quảng bá, kết nối du lịch Đồng bằng sông Cửu Long

Đồng bằng sông Cửu Long từ lâu đã nổi tiếng là vùng đất bình yên của những người dân chất phác, thân thiện với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, thơ mộng.