| Hotline: 0983.970.780

Vùng bãi ngang, những mảng màu sáng - tối: Bài 3 - Đổi thay vùng cói

Thứ Tư 12/06/2019 , 14:06 (GMT+7)

Cùng là vùng bãi ngang, nếu như ở nhiều địa phương, người dân nhắm mắt “đốt tiền” vào những “canh bạc” tất tay chạy đua với con tôm thì một số nơi đã bắt đầu có những cách làm và tư duy mới. Đi bằng “hai chân”, vừa duy trì nền tảng kinh tế truyền thống vừa mở ra hi vọng.

Thăng trầm vùng cói

Xã Nga Tân (Nga Sơn, Thanh Hóa) được thành lập năm 1965 theo chủ trương khai hoang lấn biển từ người dân các xã Nga Hưng, Nga Trung, Nga Mỹ… về vùng đất này. Những người cao niên tại Nga Tân cho biết, thời điểm di dân vào xây dựng kinh tế mới, đây hoàn toàn là vùng đầm lầy hoang hóa, nhiễm mặn trầm trọng do đất đai nông trường Bình Minh không khai thác, sử dụng hết.

Vùng cói thăng trầm nhưng vẫn đủ nuôi sống người dân bãi ngang Nga Sơn.

Sau khi được cấp 1.000m2 đất/hộ, do địa hình thấp, các gia đình khi di dời đến đây đều phải đào một ao trong vườn, lấy đất nâng nền nhà. Vì thế, hiện nay, hầu như trong vườn nhà nào ở Nga Tân cũng đều có một cái ao như là dấu tích của một thuở lập địa.

Thời điểm gia đình di cư đến vùng đất này, ông Nguyễn Tiến Liên, nay là Chủ tịch UBND xã Nga Tân vẫn còn là thế hệ măng non. Ông Liên nhớ như in cuộc sống trên vùng đất mới. Lúc đó, nước ngọt không có, mỗi hộ đều phải có một bể nước mưa dùng. Nhưng làm gì có bể to trữ nước, bể nhỏ dùng dè sẻn cũng chỉ được 1 - 2 tuần là hết.

Vì thế, dù là vùng đất trũng nhưng người dân Nga Tân quanh năm mong ngóng mưa bởi nếu hết nước mưa lại phải đi 4 - 5km vào các làng xa biển để xin nước ngọt. Giờ thì có giếng khoan lấy nước sinh hoạt hàng ngày, còn nước ăn uống thì đã có chương trình nước sạch với hơn 70% dân số được thụ hưởng.

Thời điểm đó, cả nước đang làm ăn theo mô hình hợp tác xã kiểu cũ, xã viên được tính công điểm. Xã có trên 300ha đất nông nghiệp thì 100% là đồng sâu trũng chỉ có thể độc canh cây cói. May mắn là thời gian đó, sản phẩm làng cói các xã bãi ngang như Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thủy… đều xuất khẩu sang các nước Đông Âu.

Cho nên, với công điểm cao, hàng tháng, bình quân mỗi nhân khẩu tại Nga Tân được cấp 17 kg lương thực các loại. Đó được coi là thời kỳ hoàng kim nhất của người trồng cói vùng bãi ngang Nga Tân nói riêng và Nga Sơn nói chung. Các hợp tác xã vùng bãi ngang Nga Sơn thời điểm này làm ăn khấm khá, chuyện mua sắm ô tô vận tải hàng hóa không phải là hiếm.

Nhưng đến những năm 90 của thế kỷ trước, khi Đông Âu tan rã, việc xuất khẩu sản phẩm cói gần như bị đóng băng. Thiếu cái ăn, cái mặc, nhiều hộ dân Nga Tân đã rời bỏ vùng đất này để trở về quê cũ hoặc đi tứ xứ mưu sinh. Ruộng đồng bị bỏ bẵng, hoang hóa, thu nhập thấp, đời sống khó khăn, hầu như năm nào chính quyền cũng phải đi xin nguồn hỗ trợ của Nhà nước để duy trì hoạt động của bộ máy và chia sẻ khó khăn với người dân.

Đến năm 1993, thị trường cói có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu các sản phẩm từ cói của Trung Quốc tăng cao. Thời điểm này, người dân lao vào chỉnh trang, cải tạo đồng ruộng. Nhưng cũng phải đến khoảng năm 2000 trở về sau, cây cói mới tìm lại được vị thế, có đóng góp tích cực vào tỷ trọng kinh tế.

Cây cói giúp người dân xã Nga Tân phát triển kinh tế.

Những năm gần đây, sự chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy kinh tế, không ít diện tích cói kém hiệu quả tại Nga Tân được chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Nga Tân bắt đầu bước sang thời kỳ kinh tế năng động, nhiều mô hình sản xuất, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao được đầu tư xây dựng.

Xã Nga Tân hiện có 60 hộ nuôi trồng thủy sản gồm các đối tượng như tôm thẻ chân trắng, cá vược, cua, chăn nuôi trồng trọt tổng hợp. Mỗi năm Nga Tân cung ứng ra thị trường 350 - 400 tấn cói khô, thu về trên 70 - 80 tỷ đồng; 780 hộ dân làm dịch vụ thu mua, xe sợi cói cung ứng cho thị trường; 35 hộ làm nghề dệt chiếu truyền thống. Kinh tế, ngành nghề phát triển giúp thu nhập người dân tăng nhanh và đạt 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,96% (2010 là 31%).

Một người dân đang thu hoạch cói trên cánh đồng xã Nga Tân chia sẻ: “Cói cho thu hoạch 2 vụ, bình quân thu nhập 7 - 8 triệu đồng/sào/năm, không mất tiền giống, không mất công cày cấy. Nếu chăm bẵm tốt, làm cỏ, xới đồng thì cũng có thể cho thu nhập trên dưới 10 triệu đồng/sào/năm.

So với trồng lúa thì lãi hơn nhiều và mỗi lao động có thể trồng, chăm sóc, thu hoạch 3 - 4 sào cói. Nhưng trồng cói, để giàu thì phải làm nhiều còn làm ít thì cơ bản vẫn chỉ đủ ăn. Muốn giàu phải đầu tư nuôi tôm bền vững như mấy đầm tôm ở ngoài kia”.

Còn bà chủ đại lý thu mua cói Vân Hưởng tại Nga Tân cho hay, nhu cầu cói hiện nay đang rất lớn nhưng cũng khá bấp bênh. Khi Trung Quốc ngừng thu mua thì người trồng cói bị ảnh hưởng về giá cả. Nước bạn không đồng ý nhập khẩu chính ngạch khiến giá cả, nhu cầu cũng khó mà ổn định. Điều này không chỉ khiến thương lái mà cả người trồng cói dễ gặp rủi ro trong giao dịch.
 

Thay đổi để phát triển

Thời kỳ cây cói lấy lại vị thế cũng là lúc tình trạng xâm nhập mặn đang có dấu hiệu quay trở lại, nhiều diện tích cói bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Trước tình hình đó, Nga Tân và một số xã bãi ngang Nga Sơn tiến hành chuyển đổi ruộng đất. Đến năm 2012, Huyện ủy Nga Sơn ra chủ trương khuyến khích dồn điền đổi thửa, xây dựng những cánh đồng cói lớn liền vùng liền thửa. Diện tích nhiễm mặn được UBND xã Nga Tân chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững. Hạ tầng vùng nuôi tôm được đầu tư xây dựng khá bài bản nên việc dẫn nước vào các khu nuôi tôm ngày càng thuận lợi.

Ông Mai Xuân Tạc, chủ một đầm tôm lớn tại Nga Tân cho biết, trước đây ông nhận khoán diện tích đất nuôi trồng thủy sản vùng bãi triều để nuôi tôm sú quảng canh.

Nhưng trước thực trạng nuôi tôm công nghiệp ngày càng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và với mục tiêu hướng tới nuôi tôm bền vững, an toàn sinh học ông Tạc đã đầu tư hàng chục tỷ đồng làm nhà mái nuôi tôm thẻ chân trắng. Hệ thống dẫn nước vào các đầm tôm được bê tông hóa hoàn toàn vừa đảm bảo khả năng cách ly dịch bệnh vừa thuận lợi trong việc dẫn, tiêu thoát nước.

Theo ông Tạc, nếu không chịu bứt phá mạnh dạn đổi mới thì vùng đất này mãi vẫn khó khăn. Trồng cói giờ cũng không còn đói khổ nhưng để thực sự tiến lên mạnh mẽ thì phải đầu tư hạ tầng nuôi trồng thủy sản.

Đổi mới tư duy và cách làm mới trong nuôi trồng thủy sản để thành công.

Hàng chục héc ta cói được chuyển sang nuôi tôm đã chứng minh được cách nghĩ, cách làm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Nga Tân là đúng hướng trong phát triển kinh tế.

Cũng có nhiều vùng nuôi tôm tại Thanh Hóa phát triển mạnh nhưng muốn đạt hiệu quả kinh tế cao thì không thể dễ dãi như trước. Nuôi con tôm bây giờ không phải cứ thả ra là có thu nhập như trước mà phải chấp nhận đầu tư về công nghệ và phải xây dựng được mối liên kết cộng đồng trách nhiệm trong nuôi trồng.

Mô hình nuôi tôm ứng phó với biến đổi khí hậu là một điểm sáng trong mảng sáng đầy hi vọng ở Nga Tân. Tính đến nay, toàn xã đã chuyển đổi được 98ha ruộng cói nhiễm mặn sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp.

Theo ông Nguyễn Tiến Liên, Chủ tịch UBND xã Nga Tân, 300ha đất nông nghiệp trước đây của xã đều là đất trồng cói, không có đất màu, không có đất trồng lúa. Vì thế, từ năm 2013 đến nay Nga Tân đã chuyển đổi gần 100ha trồng cói sang nuôi trồng thủy sản. Hiệu quả kinh tế tăng lên rõ rệt, đời sống người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn bãi ngang khởi sắc. Xã đã đạt 16 tiêu chí NTM và sẽ đủ lực để về đích trong năm 2019 này.

Nga Thủy, một xã bãi ngang nằm cạnh Nga Tân có trên 300ha đất nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chủ tịch UBND xã Nga Thủy, việc chuyển diện tích trồng cói kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản góp phần tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, khó khăn của người dân Nga Thủy là hiện đang sử dụng nguồn nước vùng hạ lưu sông Mã, tỷ lệ thành công chưa cao. Ước muốn của người dân là có hạ tầng đảm bảo để sử dụng nguồn nước biển trong nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là tình trạng chung của một số xã bãi ngang Nga Sơn hiện nay.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương

Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tỉnh Kiên Giang tổ chức nhiều hoạt động nhằm giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn và tăng cường tình đoàn kết.