| Hotline: 0983.970.780

Vùng sầu riêng ngon nhất Tây Nguyên

Thứ Ba 27/10/2020 , 06:45 (GMT+7)

Ở Đạ Huoai (Lâm Đồng), cây sầu riêng phát triển mạnh, trái có hương vị ngon bậc nhất vùng Tây Nguyên và đang trở thành cây làm giàu của nhiều hộ gia đình.

Nằm ở vùng có biên độ nhiệt ngày và đêm chênh lệch cao nên chất lượng trái ngon bậc nhất vùng Tây Nguyên. Ảnh: Minh Hậu.

Nằm ở vùng có biên độ nhiệt ngày và đêm chênh lệch cao nên chất lượng trái ngon bậc nhất vùng Tây Nguyên. Ảnh: Minh Hậu.

Trên diện tích 2,4ha, gia đình ông Lê Quang Thuyên (ngụ thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai) trồng gần 200 gốc sầu riêng. Trong đó, khoảng 100 cây đã cho thu hoạch.

Ông Thuyên cho hay, ông quê gốc Quảng Ngãi và đến Đạ Huoai lập nghiệp từ hàng chục năm trước. Năm 1998, khu vườn hồ tiêu bắt đầu suy kiệt, kém hiệu quả nên ông chuyển đổi qua sầu riêng. “Cây này phù hợp với đất Đạ Huoai nên phát triển nhanh, quả có vị ngon đặc biệt. Năm ngoái gia đình thu hoạch gần 10 tấn trái nên nguồn thu nhập được cải thiện”, ông Thuyên thổ lộ.

Huyện Đạ Huoai đang đẩy mạnh thương hiệu sầu riêng VietGAP để đáp ứng yêu cầu thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

Huyện Đạ Huoai đang đẩy mạnh thương hiệu sầu riêng VietGAP để đáp ứng yêu cầu thị trường. Ảnh: Minh Hậu.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Hợp tác xã Đạ M’ri cho biết, về mặt giá trị, ở địa phương không loại nông sản nào vượt qua được. Tại đây, giá sầu riêng khoảng 40.000-45.000 đồng/kg là người trồng đã có lợi nhuận cao. Thậm chí, nhiều mô hình chỉ cần bán 25.000 đồng/kg cũng có lợi nhuận. “Việc chăm sóc sầu riêng không quá vất vả. Đặc biệt, người dân không phải bỏ công thu hoạch. Người mua sẽ đến xem vườn sau đó thỏa thuận giá với chủ và tự hái, cân... rồi tính tiền”, ông Sơn chia sẻ và cho biết thêm đến mùa thu hoạch, nhiều gia đình bán trái trên vườn hàng tỷ đồng.

Sầu riêng cho hiệu quả kinh tế cao nên những diện tích cây trồng kém hiệu quả dần được người dân chuyển đổi. Đối với diện tích sầu riêng kinh doanh, người dân tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để đảm bảo yêu cầu của thị trường. Nhiều khu vườn theo hướng hữu cơ cũng được hình thành và đã có sản phẩm ra với thị trường.

Sầu riêng có giá trị kinh tế cao nên người trồng có cơ hội thu nhập cả tỷ đồng mỗi ha/năm. Ảnh: Minh Hậu.

Sầu riêng có giá trị kinh tế cao nên người trồng có cơ hội thu nhập cả tỷ đồng mỗi ha/năm. Ảnh: Minh Hậu.

Riêng HTX Đạ M’ri có khoảng 79ha sầu riêng VietGAP và đang thực hiện sản xuất hướng hữu cơ. Ông Nguyễn Thanh Sơn thổ lộ, mùa vụ năm 2019, HTX thu hoạch và bán ra thị trường 150 tấn trái. Tuy nhiên, việc buôn bán chỉ dừng lại ở các hợp đồng nhỏ với thương lái nên giá cả không ổn định. “Chúng tôi đang hướng đến sản xuất hữu cơ và sẽ làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp lớn để xuất khẩu”, ông Sơn cho biết.

Theo người dân, tại Đạ Huoai, sầu riêng từ khi xuống giống đến lúc thu bói là khoảng 4 năm. Khi bước vào giai đoạn kinh doanh, chi phí đầu tư cho mỗi gốc khoảng 700.000-1 triệu đồng/năm. Bù lại, mỗi cây cho thu hoạch trung bình khoảng 200 kg trái/vụ, cá biệt có cây cho thu từ 400-500kg. Để cây sinh trưởng tốt, người dân Đạ Huoai đang trồng theo mật độ 7x7m, 8x7m hoặc 8x8m tùy theo địa hình vườn.

Ông Phạm Quang Chiến, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đạ Huoai cho biết, tổng diện tích sầu riêng tại địa phương hiện ở vào khoảng 3.551ha, trong đó có khoảng 155ha sầu riêng VietGAP. Cũng trong 3.551ha này, có khoảng 2 nghìn ha đã cho thu hoạch. Nhờ áp dụng các biện pháp chăm sóc tốt nên sầu riêng Đạ Huoai có độ thơm ngon bậc nhất của vùng Tây Nguyên với năng suất bình quân khoảng 11-13 tấn/ha. Sản lượng sầu riêng hiện nay của Đạ Huoai khoảng 23 nghìn tấn/năm, đáp ứng thị trường trong nước lẫn xuất khẩu.

Huyện Đạ Huoai hướng đến mở rộng diện tích sầu riêng lên 4.500ha vào năm 2025. Ảnh: Minh Hậu.

Huyện Đạ Huoai hướng đến mở rộng diện tích sầu riêng lên 4.500ha vào năm 2025. Ảnh: Minh Hậu.

Hiện sầu riêng là cây trồng chủ lực của huyện Đạ Huoai và địa phương này đang thực hiện kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất lên 4.500ha vào năm 2025, năng suất dự kiến đạt 15 tấn/ha. “Địa phương đang vận động người dân sản xuất theo VietGAP và Organic. Đồng thời khuyến khích doanh nghiệp phát triển chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm áp lực mùa vụ. Huyện cũng chú trọng vào phát triển thị trường trong nước và hỗ trợ người dân, tổ hợp tác, doanh nghiệp xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất”, ông Phạm Quang Chiến chia sẻ.

Ông Phạm Quang Chiến, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đạ Huoai cho hay, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu sầu riêng Đạ Huoai. Huyện cũng đang xây dựng vùng sản xuất sầu riêng công nghệ cao với tổng diện tích 300 ha.

Xem thêm
Xuất khẩu cao su của Việt Nam kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2025

Xuất khẩu cao su của Việt Nam năm 2024 đã ghi nhận những kết quả rất tích cực, dù nhu cầu tiêu thụ tại thị trường chủ lực Trung Quốc giảm mạnh.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam chinh phục thị trường châu Âu

CZECH Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa chất Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Czech để cùng phát triển ngành hóa chất, phân bón và nông nghiệp.

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.