Trên diện tích 15ha tại xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk do Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) phối hợp với Cty TNHH Phước Lạc Tây Nguyên triển khai trồng sầu riêng hữu cơ xen chuối. Mô hình triển khai được 2 năm, những cây sầu riêng đã vươn mình cứng cáp, cành lá sum suê giữa những hàng chuối, tạo thành không gian xanh bao la.
Ông Lạ Cảnh Cường, Cty TNHH Phước Lạc Tây Nguyên cho biết, năm 2018, Cty phối hợp với WASI thực hiện mô hình trồng sầu riêng hướng VietGAP. Khi bắt tay vào làm, Cty được WASI hỗ trợ về kỹ thuật, cây giống.
Sau khi hoàn thành cải tạo đất, Cty đã dùng máy vun những luống lớn chạy song song nhau rồi đo khoảng cách để đặt sầu riêng. Cũng trong quá trình này, những gốc chuối Cavendish được trồng xen với sầu riêng để vừa cải thiện nguồn thu nhập vừa chắn gió, làm phân bón.
“Việc trồng sầu riêng trên luống lớn, giữa các luống là các rãnh để tiêu thoát nước khi gặp mưa lớn có tác dụng rất tốt. Bởi sầu riêng là cây trồng khó tính, nếu bị đọng nước sầu riêng dễ nhiễm nấm bệnh sẽ chết hoặc còi cọc chậm lớn. Hiện người dân Tây Nguyên vẫn trồng theo kiểu đào hố, cách làm này rất không phù hợp với cây sầu riêng”, ông Lạ Cảnh Cường cho biết.
TS Trần Vinh, Quyền Viện trưởng WASI cho biết: Sau 2 năm trồng và chăm sóc những gốc sầu riêng đã phát triển mạnh và đạt chiều cao từ 3-4m, cành lá sum suê, xanh mượt.
“Có người cho rằng trồng xen chuối vào vườn sầu riêng sẽ khiến sầu riêng kém phát triển nhưng thực ra hai cây này lại rất hợp nhau. Hơn nữa, chúng tôi thực hiện theo mô hình VietGAP, hướng hữu cơ, thân chuối được sử dụng tấp gốc, làm phân bón rất phù hợp”, TS Trần Vinh cho biết.
Trên diện tích vườn 15ha, những cây chuối có vòng đời ngắn, nhanh cho thu hoạch bán cho thương lái lấy ngắn nuôi dài. Về phần thân, lá chuối được tận dụng cắt khúc rồi tấp quanh gốc sầu riêng.
Theo lý giải của TS Trần Vinh, thân chuối nhiều nước nên khi mục sẽ tạo thành lớp nền hữu cơ, giúp đất phì nhiêu, đặc biệt mùa khô kéo dài, thân cây chuối có lượng nước lớn tạo độ ẩm cho đất, ngoài ra cây chuối có tác dụng chắn gió rất tốt cho cây sầu riêng.
Những nơi được tấp thân chuối cũng hình thành lớp vi sinh vật có lợi cho đất tơi xốp. Dùng tay bới lớp mùn gồm thân, lá chuối đã hoai mục bên gốc sầu riêng, TS Trần Vinh chia sẻ: “Làm thế này thì rễ tơ của sầu riêng ăn ngược lên rất nhiều. Xới nhẹ trên bề mặt cũng thấy đầy giun đất. Làm hữu cơ đơn giản vậy thôi, đâu có gì khó”.
Để đảm bảo sầu riêng phát triển tốt, mô hình sầu riêng hữu cơ được WASI và Cty Phước Lạc Tây Nguyên trồng với mật độ 7x9m và xen thêm chuối. Sầu riêng được tạo dáng ngay từ lúc còn nhỏ để cây vươn nhanh, tạo tiền đề khai thác trái hiệu quả nhất về sau.
“Từ 1 tuổi đến 2 tuổi chúng tôi đã phải tạo dáng cho cây và làm vệ sinh như cắt chồi, tỉa nhánh. Những nhánh nằm sát đất không cần thiết được tỉa bỏ hết. Nếu để cành lá quét xuống đất dễ tạo nên mầm bệnh hại cây”, ông Lạ Cảnh Cường chia sẻ và cho biết thêm, sầu riêng càng tỉa thoáng thì cây càng phát triển nhanh. Khi làm cành phải phân bổ đều ở 4 hướng để cây phát triển cho trái đều và thu hoạch dễ dàng.
Hiện tại, toàn bộ diện tích sầu riêng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật độc hại, không sử dụng phân hóa học mà chỉ dùng phân bón hữu cơ để chăm sóc. Để chủ động về nguồn nước tưới, Cty Phước Lạc Tây Nguyên đã tạo hồ tích nước với khối lượng lớn. Tại khu hồ này, nước được bơm lên từ các giếng khoan và đều được kiểm tra chất lượng thường xuyên, đảm bảo độ trong sạch trước khi tưới cho cây.
Chia sẻ về lợi ích của mô hình, ông Lạ Cảnh Cường hồ hởi: “Đây là mô hình cực kỳ hữu ích. Sầu riêng được chăm sóc phù hợp, được bảo vệ bởi chuối nên phát triển bộ rễ rất nhanh. Cành lá cũng khỏe mạnh và ít bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh. Khi chuối chín, người trồng có thể bán để tăng nguồn thu nhập”. Cũng theo ông Cường, tính trên đơn vị diện tích, nguồn thu từ việc bán chuối chín cao hơn cả nguồn thu từ cà phê.
TS Trần Vinh cho hay, mô hình sầu riêng xen chuối mà đơn vị phối hợp thực hiện với Cty Phước Lạc Tây Nguyên là mô hình điểm, có hiệu quả rất rõ rệt. Cây sinh trưởng mạnh và đem lại cơ hội phát triển bền vững trong tương lai. Mô hình này cũng là nơi để WASI tổ chức tham quan, học hỏi và chuyển giao kỹ thuật cho người dân Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung.