| Hotline: 0983.970.780

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà dự kiến thu 2.700 tỷ đồng từ du lịch

Thứ Sáu 12/11/2021 , 16:48 (GMT+7)

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà dự kiến đón 1,5 triệu lượt du khách vào năm 2030 và doanh thu du lịch ước đạt 2.700 tỷ đồng.

Ngày 12/11, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà tổ chức Hội nghị chia sẻ thông tin về Vườn quốc gia này.

Tiến sĩ Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà cho biết, vườn nằm trong vùng khí hậu á nhiệt đới, núi cao và có các loài động thực vật rừng đặc hữu, quý hiếm. Vườn có tổng diện tích quản lý khoảng 70.000ha và có vùng giáp các tỉnh Đăk Lăk, Khánh Hòa, Ninh Thuận.

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà là 1 trong 4 trung tâm đa dạng dinh học ở nước ta. Ảnh: Minh Hậu.

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà là 1 trong 4 trung tâm đa dạng dinh học ở nước ta. Ảnh: Minh Hậu.

Theo thống kê, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà có khoảng 2.077 loài thực vật có mạch, 131 loài thú, 304 loài chim, 15 loài hạt trần, 302 loài lan… Đây là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học ở nước ta.

Hiện nay, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà đang gắn kết với các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên kế cận để tạo thành một vùng thiên nhiên rộng lớn, góp phần cho việc bảo tồn sinh học ở cao nguyên Đà Lạt, vùng Nam Tây Nguyên và vùng Nam Trung bộ.

Góp phần phòng hộ đầu nguồn nước cho hệ thống sông Đồng Nai và các hồ chứa nước ở hạ lưu nhằm phục vụ các hoạt động kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng, vùng Nam Tây Nguyên, Đông Nam bộ và duyên hải cực Nam Trung bộ.

Vườn cũng bảo tồn các sinh cảnh rừng nguyên sinh để tôn tạo và phát triển kiến trúc đô thị của thành phố Đà Lạt, bảo tồn các đặc trưng văn hoá bản địa nơi cội nguồn của thành phố Đà Lạt, phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và giáo dục về rừng nhiệt đới, phát triển du lịch sinh thái và góp phần củng cố an ninh quốc phòng của Tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây nguyên.

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà đang thực hiện đồng thời 9 chương trình bao gồm bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái... Ảnh: Minh Hậu.

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà đang thực hiện đồng thời 9 chương trình bao gồm bảo vệ tài nguyên rừng, đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái... Ảnh: Minh Hậu.

Theo lãnh đạo Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà, đơn vị đang thực hiện đồng thời 9 chương trình, trong đó bao gồm bảo vệ tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học; phòng chống cháy rừng; phục hồi sinh thái rừng; nghiên cứu khoa học; tuyên truyền và giáo dục về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên; hợp tác quốc tế; phát triển du lịch sinh thái; hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn vùng đệm và chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực và trang thiết bị kỹ thuật.

Theo Tiến sĩ Lê Văn Hương, trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng 2030, vườn hướng đến mục tiêu bảo vệ được các cảnh quan đa dạng sinh học có ý nghĩa toàn cầu. Bảo vệ gần 70.000ha rừng và đất rừng, độ che phủ 96%.

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà dự kiến đón 1,5 triệu lượt khách vào năm 2030. Ảnh: Minh Hậu.

Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà dự kiến đón 1,5 triệu lượt khách vào năm 2030. Ảnh: Minh Hậu.

“Chúng tôi xây dựng và phấn đấu đến hết năm 2030, lượng khách du lịch đạt 1,5 triệu lượt, doanh thu xã hội du lịch đạt 2.700 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, doanh thu từ các dịch vụ môi trường rừng đạt 50 tỷ đồng/năm”, ông Lê Văn Hương chia sẻ.

Để đạt được những kết quả đó, Vườn quốc gia Bidoup Núi Bà tiếp tục triển khai các chương trình về bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Tổ chức kế hoạch phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và tổ chức mô hình du lịch sinh thái, nghĩ dưỡng, giải trí.

Về vấn đề phát triển du lịch tại Vườn quốc gia Bioup Núi Bà, Tiến sĩ nghiên cứu sinh học Nguyễn Mộng Sinh cho hay: “Nếu làm du lịch không khéo sẽ xâm phạm đến sinh thái rừng. Do vậy rất cần phải tiếp cận cẩn trọng, phải có sự chuẩn bị từng bước một. Đặc biệt phải nghiên cứu kỹ về các đối tượng khai thác du lịch”. Tiến sĩ Nguyễn Mộng Sinh cũng chia sẻ thêm, Bidoup Núi Bà cần phải có một bảo tàng sinh học để lưu giữ và phục vụ cho nghiên cứu, giáo dục thế hệ sau.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Trồng rừng giảm phát thải, ứng phó biến đổi khí hậu

Kiên Giang Trong giai đoạn 1, J&T Express tổ chức trồng mới 15.000 cây tràm, giúp mở rộng thêm 1ha rừng tràm ngập phèn tại Vườn quốc gia U Minh Thượng – Kiên Giang.

Những công nghệ 'chia lửa' cho lực lượng giữ rừng

Rừng đầu nguồn đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai. Việc ứng dụng công nghệ trong bảo vệ rừng đầu nguồn giúp nâng cao hiệu quả quản lý bảo vệ rừng.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.