| Hotline: 0983.970.780

Những tấm gương điển hình ở Bến Tre

Xã Anh hùng tiến lên nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ Bảy 07/12/2024 , 16:03 (GMT+7)

Bến Tre Hưng Khánh Trung B đang hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên của 'Vương quốc cây giống hoa kiểng' Chợ Lách, tỉnh Bến Tre.

Hoa kiểng là thế mạnh giúp nâng cao thu nhập cho người dân Hưng Khánh Trung B. Ảnh: Kiều Nhi.

Hoa kiểng là thế mạnh giúp nâng cao thu nhập cho người dân Hưng Khánh Trung B. Ảnh: Kiều Nhi.

Xã kiểu mẫu về y tế

Những ngày đầu tháng 12, có dịp trở lại xã Hưng Khánh Trung B của huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), chúng tôi cảm nhận diện mạo mới tươi đẹp của vùng quê giàu truyền thống cách mạng này. Đây là một trong những địa phương đi đầu của huyện Chợ Lách về xây dựng nông thôn mới (NTM).

Dù không phải là địa phương đầu tiên ở huyện Chợ Lách về đích NTM nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Khánh Trung B đã rất nỗ lực để bắt kịp những gương điển hình. Vượt qua những điển hình đó trở thành xã đầu tiên của huyện được công nhận xã NTM nâng cao và cũng đang hướng đến xã NTM kiểu mẫu đầu tiên. Chính quyền xã cho biết, UBND huyện Chợ Lách đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh Bến Tre thẩm định, xét công nhận xã NTM kiểu mẫu.

Theo ông Phạm Anh Linh, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, Hưng Khánh Trung B đã thực hiện nâng chất đạt các tiêu chí xã NTM nâng cao theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021-2025. Trong xây dựng NTM kiểu mẫu, Hưng Khánh Trung B nổi trội ở tiêu chí y tế. Hiện xã có 99% người dân tham gia bảo hiểm hiểm y tế; 61% người dân tham gia và sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa; 100% người dân cài đặt sổ khám bệnh điện tử. Trạm y tế của xã có sở vật chất khá khang trang, nguồn nhân lực cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân địa phương.

Người dân đến khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã. Ảnh: Kiều Nhi.

Người dân đến khám chữa bệnh tại Trạm Y tế xã. Ảnh: Kiều Nhi.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Hiền, Quyền Trưởng Trạm Y tế xã Hưng Khánh Trung B cho biết: “Ở đây chúng tôi tiếp nhận khám chữa bệnh ngoại trú và điều trị đa khoa, ngoài ra có chuyên khoa y học cổ truyền, thực hiện khám bảo hiểm và sơ cấp cứu ban đầu. Người dân đến khám mình hỏi và hướng dẫn cài đặt sổ sức khỏe điện tử. Đến lần sau tái khám mình coi lịch sử khám chữa bệnh của bệnh nhân trên đó, thấy rất tiện”.

Xã đầu tiên của huyện có 2 ấp kiểu mẫu

Ấp Tân Trung được công nhận là ấp thông minh và nổi trội về hạ tầng thông tin, y tế và an ninh trật tự. Đối với lĩnh vực hạ tầng thông tin, 100% điểm công cộng của ấp được phủ sóng wifi miễn phí; 98% hộ gia đình sử dụng thiết bị thông minh; 90,9% cán bộ, bộ máy quản lý của ấp có và sử dụng thành thạo thiết bị thông minh trong quản lý và điều hành công việc.

Đối với lĩnh vực y tế, 100% dân số (1.153 người) có sổ khám sức khỏe điện tử; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi khoảng 6% (thấp hơn quy định của tiêu chí 12%). Đối với lĩnh vực an ninh trật tự, ấp có 5 điểm công cộng được lắp camera giám sát.

Ông Đặng Chí Linh (phải) thăm mô hình sản xuất hoa mai của ông Nguyễn Văn Nguyền. Ảnh: Kiều Nhi.

Ông Đặng Chí Linh (phải) thăm mô hình sản xuất hoa mai của ông Nguyễn Văn Nguyền. Ảnh: Kiều Nhi.

Ngoài Tân Trung, xã Hưng Khánh Trung B còn có ấp Thanh Trung cũng là ấp thông minh. Bên cạnh đó, xã còn có 2 ấp kiểu mẫu là Thanh Xuân và Trung Hiệp, là địa phương đầu tiên ở Chợ Lách có 2 ấp kiểu mẫu. Toàn xã chỉ có 7 ấp nhưng có đến 4 ấp có phong trào nổi trội, do đó có thể nói, phong trào xây dựng NTM ở đây đang lên cao, được người dân hết sức đồng tình ủng hộ.

“Hưởng ứng phong trào xây dựng NTM kiểu mẫu, bà con ấp Thanh Xuân chúng tôi cùng nhau dọn dẹp đường sá sạch sẽ. Đường nào hư hao thì xúm sửa lại. năm nay cũng làm được 2 con đường mới, chuẩn bị làm thêm đường Xóm Rẫy. Mình vận động con em đừng có vướng vô cờ bạc, hút chích gây mất an ninh trật tự. Về lĩnh vực y tế, tôi cũng vận động 4 người trong gia đình đăng ký bảo hiểm, muốn đi khám bệnh ở TP Bến Tre mình đăng ký trước, không phải chờ đợi quá lâu”, ông Nguyễn Văn Nguyền, người dân ấp Thanh Xuân cho biết.

Còn ông Đặng Chí Linh, Trưởng ấp Thanh Xuân, xã Hưng Khánh Trung B chia sẻ: “Bà con hưởng ứng rất nhiệt tình, cùng gìn giữ an ninh trật tự, tham gia bảo hiểm y tế đầy đủ. Trong công tác tuyển quân, không có trường hợp thanh niên trốn tránh khám sức khỏe. Các đoàn thể cử hội viên, và cả chi hội trưởng cũng tham gia các “Ngày Chủ nhật Nông thôn mới”, đi vận động bà con làm cỏ, dọn dẹp các tuyến đường cho sạch đẹp. Thấy đời sống bà con trong ấp ngày càng tốt hơn”.

Người dân trong xã tích cực tham gia 'Ngày Chủ nhật Nông thôn mới'. Ảnh: Kiều Nhi.

Người dân trong xã tích cực tham gia “Ngày Chủ nhật Nông thôn mới”. Ảnh: Kiều Nhi.

 Ấp kiểu mẫu được trung ương tuyên dương

Hưng Khánh Trung B là một trong những địa phương đứng đầu của tỉnh Bến Tre (sau Định Thủy và Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam) về số gia đình thương binh, liệt sĩ. Toàn xã có 54 bà mẹ Việt Nam anh hùng, hiện còn 5 mẹ; 340 gia đình thương binh liệt sĩ.

Hưởng ứng phong trào Đồng Khởi mới trong xây dựng NTM, dù xuất phát điểm thấp hơn nhiều xã bạn trong huyện nhưng với truyền thống cách mạng, nhân dân xã anh hùng Hưng Khánh Trung B vươn lên trong phát triển kinh tế xã hội, xây dựng diện mạo nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp, trở thành nơi đáng sống.

Theo ông Trần Thế Hiển, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, trong 4 năm thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU ngày 17/10/2020 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trên địa bàn xã đã xuất hiện nhiều tập thể và cá nhân trong việc thực hiện phong trào và được Đảng ủy ra quyết định khen thưởng. Tập thể Đảng bộ xã và một số cá nhân cũng được khen thưởng trong phong trào thi đua “Đồng Khởi mới”, trong đó Đảng bộ xã được Tỉnh ủy tặng bằng khen trong dịp sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 01-CT/TU.

Đặc biệt, trong năm 2024, xã Hưng Khánh Trung B được chọn mô hình “Ấp NTM kiểu mẫu” của nhân dân và cán bộ ấp Trung Hiệp để tuyên dương điển hình tiên tiến cấp Trung ương trong thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Tuyến đường hoa ở ấp kiểu mẫu Trung Hiệp đạt giải nhất cấp huyện và giải ba cấp tỉnh. Ảnh: Kiều Nhi.

Tuyến đường hoa ở ấp kiểu mẫu Trung Hiệp đạt giải nhất cấp huyện và giải ba cấp tỉnh. Ảnh: Kiều Nhi.

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch UBND xã Hưng Khánh Trung B chia sẻ kinh nghiệm xây dựng NTM của địa phương: Nông thôn mới thì cái dễ làm trước, cái nào khó làm sau, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, mình cứ làm suốt vậy. Tuy nhiên, muốn làm được NTM phải có sự đồng tình của người dân và sự quan tâm lãnh đạo của cấp trên. Khi người dân hiểu được chủ trương Đảng nói thì dân tin, ủng hộ. Do đó, cần đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về yêu cầu và nội dung xây dựng NTM. Xác định nhân dân là chủ thể là chủ thể trong xây dựng NTM, vì vậy cần tổ chức tốt lấy ý kiến đóng góp của nhân dân tại các ấp, tổ nhân dân tự quản về xây dựng quy hoạch, đề án, lựa chọn những chương trình cần thiết cấp bách triển khai trước.

Theo ông Phạm Anh Linh, Chủ tịch UBND huyện Chợ Lách, thời gian tới UBND xã Hưng Khánh Trung B cần tiếp tục nâng chất các lĩnh vực mô hình ấp thông minh và lĩnh vực xã kiểu mẫu về y tế để nâng cao chất lượng các tiêu chí. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân tham gia bảo hiểm y tế. Tham gia sử dụng ứng dụng khám chữa bệnh từ xa, tham gia cài đặt sổ khám chữa bệnh điện tử để đảm bảo tính bền vững các tiêu chí.

Toàn xã có 2.333 hộ dân với 7.073 nhân khẩu, trừ 26 hộ nghèo không có khả năng lao động, thuộc diện bảo trợ xã hội thì có thể nói tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của Hưng Khánh Trung B bằng 0%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 80 triệu đồng/năm (vượt 800 nghìn đồng so với chỉ tiêu). Đặc biệt, 100% tuyến đường liên xã, ấp được cứng hóa, đạt chuẩn theo quy định, đảm bảo thông suốt hai mùa mưa nắng.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Tinh hoa làng nghề và đặc sản 30 tỉnh thành hội tụ TP.HCM

500 sản phẩm làng nghề truyền thống, sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản vùng miền của hơn 200 doanh nghiệp đến từ 30 tỉnh, thành phố giới thiệu, quảng bá tại TP.HCM.