| Hotline: 0983.970.780

Xanh lại vùng cát trắng nhờ kinh tế rừng

Thứ Ba 28/12/2021 , 09:20 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Chính sách giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cộng đồng quản lý mở ra hướng phát triển kinh tế cho người dân, góp phần ngăn nạn cát bay, cát lấp.

Vùng cát trắng ven biển thuộc huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã từng ám ảnh biết bao thế hệ người dân nơi đây bởi tình trạng cát bay, cát lấp dẫn đến tình trạng hoang hoá đất đai. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ các chính sách giao đất, giao rừng, cùng với việc khuyến khích phát triển kinh tế rừng đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đất này.

Ngăn chặn cát bay, cát lấp

Chỉ chưa đầy 5 năm trồng và chăm sóc, diện tích rừng keo lưỡi liềm rộng gần 15 ha trên vùng đất cát của Hợp tác xã (HTX) Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng đã phát huy hiệu quả tích cực.

Phó Giám đốc HTX Đông Dương, ông Trần Xuân Hoành cho biết, cùng với diện tích rừng tự nhiên vốn có, 15 ha rừng trồng này đã góp phần che gió, ngăn cát bay, cát lấp và giữ độ ẩm cho các loại cây trồng khác. Với sự che chắn của diện tích rừng trên cát, người dân có thể canh tác được nhiều loại cây hoa màu, trong đó nổi bật là cây ném, cây mướp đắng, dưa leo

Trồng rừng trên cát góp phần ngăn chặn tình trạng cát bay, cát lấp. Ảnh: CĐ.

Trồng rừng trên cát góp phần ngăn chặn tình trạng cát bay, cát lấp. Ảnh: CĐ.

Theo ông Hoành, để hạn chế tình trạng cát bay, cát lấp, chính quyền địa phương đã vận động người dân đẩy mạnh trồng rừng trên cát từ những năm 2000. Đến nay, với hiệu quả kinh tế cũng như vai trò to lớn của trồng rừng trên cát mang lại, hầu hết diện tích đất cát hoang hóa của HTX đã được phủ xanh bằng rừng tràm, phi lao và keo lưỡi liềm.

“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích rừng tràm để tận dụng tối đa diện tích đất cát, góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống”, ông Hoành khẳng định.

Tại xã Hải Quế, địa phương có diện tích rừng trên cát khá lớn của huyện Hải Lăng với gần 300 ha. Ông Hoàng Tấn Thông, Chủ tịch UBND xã Hải Quế cho biết, thực hiện chương trình trồng rừng 661 của Chính phủ, địa phương đã tập trung vận động người dân trồng rừng để phủ xanh những diện tích đất cát hoang hóa.

Các diện tích rừng này đã tạo vành đai chắn gió giúp giảm đáng kể tình trạng cát bay, cát lấp; giữ độ ẩm để hàng năm nhân dân canh tác hiệu quả 150 ha diện tích hoa màu các loại trên vùng cát.

“Nhờ trồng rừng trên cát cùng với việc canh tác các loại hoa màu nên đến nay, đời sống của nhiều hộ dân trở nên khá giả. Diện tích rừng trên cát còn là vành đai bảo vệ thôn xóm làng mạc trước sự tàn phá của thiên tai”, ông Thông cho biết.

Theo thống kê, toàn huyện Hải Lăng có khoảng 850 ha diện tích rừng trên cát, tập trung chủ yếu ở các xã Hải Ba, Hải Dương, Hải Quế, Hải An và Hải Khê. Trong đó có nhiều diện tích rừng tự nhiên có niên đại hàng trăm năm tuổi đang được bảo vệ gần như nguyên vẹn.

Xanh lại vùng cát trắng

Huyện Hải Lăng đã có chính sách giao đất, giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng quản lý. Bên cạnh đó, huyện đã có những quy ước, hương ước bảo vệ rừng của từng địa phương, từng khu dân cư… nên công tác bảo vệ rừng trên cát ở huyện Hải Lăng luôn được thực hiện tốt. Qua đó, đã tạo ra vành đai chắn gió, chống cát bay, cát lấp, chống xâm nhập mặn và giữ độ ẩm cho việc sản xuất các loại hoa màu trên cát.

Theo ông Văn Lợi, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng, cùng với hiệu quả kinh tế mang lại, hệ thống rừng trên cát đã phát huy vai trò phòng hộ, giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; giảm nhẹ những tác động của thiên tai, chống xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống sạt lở và điều tiết nguồn nước.

Ông Lợi dẫn chứng: Những năm gần đây, tại các xã ven biển như Hải An, Hải Khê đã có hiện tượng nước biển xâm nhập ngầm trong đất. Một số giếng nước không thể sử dụng được vì bị nhiễm mặn; tốc độ nhiễm mặn ngầm ngày càng sâu vào đất liền.

Cùng với hiệu quả kinh tế, việc trồng rừng trên cát còn phát huy vai trò phòng hộ ven biển. Ảnh: CĐ.

Cùng với hiệu quả kinh tế, việc trồng rừng trên cát còn phát huy vai trò phòng hộ ven biển. Ảnh: CĐ.

Điều đó cho thấy, nguồn nước ngọt bị cạn kiệt nên nước mặn đã xâm nhập ngầm vào lòng đất, nguy cơ rất lớn đến biến đổi hóa, lý tính vùng đất cát ven biển. Do vậy, trồng rừng trên cát sẽ giúp cho lượng nước ngọt bề mặt được lưu giữ lại nhờ hệ thống gốc rễ ngăn cản dòng chảy bề mặt và thấm dần vào lòng đất; về lâu dài có thể hạn chế được tình trạng xâm nhập mặn đang diễn ra trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Dương, ông Dương Viết Hải khẳng định, phát triển diện tích rừng trên cát đã giúp ổn định được vùng cát, ổn định đất sản xuất; góp phần tích cực trong việc phân bố lại dân cư, ổn định đời sống cho nhân dân vùng cát ven biển.

Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế mới, trang trại nông lâm nghiệp trên vùng cát thu hút được nhiều lao động, góp phần giải quyết việc làm và thực sự đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá, độ che phủ của rừng trên cát vẫn còn thấp so với độ che phủ chung toàn huyện. Rừng còn đơn điệu loài cây, chỉ mới tập trung một số loại keo, phi lao, tràm gió. Công tác giao, cho thuê, khoán rừng và đất lâm nghiệp vẫn còn chậm so với yêu cầu; chưa tạo được vùng nguyên liệu tập trung để đáp ứng ổn định nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, còn chồng chéo trong quy hoạch rừng. Ý thức về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của một bộ phận nhỏ dân cư còn chưa cao nên còn xảy ra hiện tượng lấn chiếm đất rừng để sản xuất nông nghiệp, thủy sản…

Để giữ ổn định diện tích rừng ở vùng cát, huyện Hải Lăng và các cơ quan chức năng đã có nhiều chính sách hỗ trợ trồng cây phân tán để tạo bóng mát, tăng tính năng phòng hộ trong toàn vùng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư.

Song song đó, ứng dụng và nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững trên vùng cát như trồng rừng sinh kế, sản xuất nông lâm kết hợp; khuyến khích thành lập các tổ, nhóm sản xuất kinh doanh lâm nghiệp như câu lạc bộ trồng rừng, câu lạc bộ chế biến lâm sản… để trao đổi kinh nghiệm sản xuất, kỹ thuật, thị trường và mở rộng quy mô.

Theo ông Dương Viết Hải, trong thời gian tới, huyện Hải Lăng sẽ tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng trên cát. Qua đó, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ cơ sở hạ tầng, bảo  tồn đa dạng sinh học cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Cụ thể, sẽ bảo vệ toàn bộ diện tích rừng trên cát hiện có. Tổ chức hợp đồng giao khoán hoặc giao rừng cho cộng đồng, hộ gia đình, cá nhân. Tổ chức trồng mới; trồng bổ sung với những diện tích rừng trồng kém chất lượng, xuống cấp, sinh trưởng xấu, mật độ cây rừng thấp…

Xem thêm
Gìn giữ những thành lũy tre xanh mát

Bình Dương Khu bảo tồn tre lớn nhất Việt Nam - làng tre Phú An - là nơi bảo tồn nguồn gen tre lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang gìn giữ những thành lũy xanh mát...

Tăng cường tập huấn phòng chống cháy rừng tại các phân trường

Sóc Trăng Ngoài chuẩn bị tốt phương án xử lý khi có cháy rừng, lãnh đạo Sóc Trăng đề nghị ngành kiểm lâm tăng cường tập huấn cho lực lượng làm nhiệm vụ tại các phân trường.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất

Trong bài này, tác giả (sau đây xưng là Nattoi) để cập chủ yếu 03 vấn đề, trong đó chủ yếu tập trung cho giải quyết vấn đề số 1, hai vấn đề còn lại chỉ được nhắc đến: Một: Phương pháp thiết kế điều tiết lũ hiện hành chưa đưa thông số mực nước an toàn ở hạ du vào tính toán nên yêu cầu phòng chống lũ cho hạ du chưa được đảm bảo và không có tiêu chí để xác định hiệu quả vận hành giảm lũ. Vấn đề này đã được Nattoi giải quyết cả về mặt lý thuyết và thực hành (trình bày ở mục 3.4). Hai: Tiêu chí xác định MNCNTL, MNTNĐL không được công khai, minh bạch, làm cho việc kiến nghị điều chỉnh hạ thấp 2 mực nước đối với các hồ chứa thủy điện nhằm tăng dung tích trống phòng lũ là điều bất khả. Về vấn đề này (trình bày tại Mục 3.1), Nattoi chưa nêu cụ thể phương án giải quyết là để tập trung nội dung vào vấn đề số 1 như đã nêu, nhưng hướng giải quyết là đã có. Ba: Vấn đề bán con trâu mà tiếc sợi dây thừng: Thiết kế xây dựng đập, hồ chứa nước được tính toán an toàn ổn định lật, trượt đến mực nước lớn nhất thiết kế và kiểm tra với mực nước lớn nhất kiểm tra, cho phép giữ mực nước hồ không vượt quá mực nước lớn nhất kiểm tra nhưng lại chỉ cho phép sử dụng dung tích trống phòng lũ đến mực nước dâng bình thường là sự lãng phí ghê gớm trong đầu tư xây dựng và quản lý an toàn đập, hồ chứa nước. Hướng giải quyết vấn đề số 3 (trình bày tại Mục 3.2) vốn là tự nhiên đã có nhưng không được sử dụng vì không nghĩ đến giảm lũ cho hạ du.
+ xem thêm