| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng chuỗi giá trị chăn nuôi gắn với thị trường

Thứ Sáu 14/04/2023 , 15:22 (GMT+7)

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với thị trường đang giúp người chăn nuôi vượt qua khó khăn, là 'chìa khóa' thúc đẩy ngành chăn nuôi Tây Ninh phát triển bền vững.

Người chăn nuôi hưởng lợi

Tại huyện Châu Thành, trang trại gà Ba Nguyên là một trong những trại gà lớn nhất của tỉnh Tây Ninh với công nghệ lạnh hiện đại, khép kín; khâu cho ăn, uống tự động, có cảm biến nhiệt độ và độ ẩm, điều chỉnh hệ thống làm mát. Quy trình chăm sóc gà theo tiêu chuẩn quốc tế. Trong 1 năm trại có thể nuôi 5 lứa với 1 triệu con gà/năm. Đáng chú ý, đây là một mô hình liên kết giữa trang trại với một công ty lớn, chủ trang trại đầu tư cơ sở vật chất, nhân công, còn phía công ty hỗ trợ giống, quy trình kỹ thuật, cử cán bộ xuống “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” trong suốt quá trình chăn nuôi đồng thời thu mua bao tiêu lại sản phẩm.

Cán bộ kỹ thuật trang trại Ba Nguyên kiểm tra an toàn sinh học trong trại. Ảnh: Trần Trung.

Cán bộ kỹ thuật trang trại Ba Nguyên kiểm tra an toàn sinh học trong trại. Ảnh: Trần Trung.

Bà Trần Thị Hạnh - Giám đốc Trang trại gà Ba Nguyên cho biết: Ước tính trại đầu tư  gần 30 tỷ đồng, hiện doanh thu ước khoảng 70-80 tỷ đồng/1 năm, lãi kỳ vọng là 10% thì chủ trại thu được 7-8 tỷ đồng trong một năm. Với thời gian hoàn vốn khoảng 4 năm.

“Trước vấn đề chăn nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều rủi ro, nhờ bắt tay cùng doanh nghiệp, gà được chăm sóc theo công nghệ lạnh, hiện đại, an toàn sinh học và đặc biệt gà sản xuất ra đến đâu doanh nghiệp đến tận nơi thu mua tới đó. Người nuôi chỉ cần làm theo quy trình hướng dẫn của công ty, khi giá gà lên công ty cũng nâng giá thu mua lên, khi giá gà trên thị trường xuống thấp công ty cũng đứng ra hỗ trợ gánh vác, người chăn nuôi chỉ cần làm tốt việc chăn nuôi của mình. Với quy mô nuôi hiện tại là 200.000 con gà/lứa, sắp tới, trang trại gà Ba Nguyên dự tính tiếp tục mở rộng”, bà Trần Thị Hạnh chia sẻ.

Một góc trong trang trại heo của ông Nguyễn Văn Chiến ở xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành. Ảnh: Trần Trung.

Một góc trong trang trại heo của ông Nguyễn Văn Chiến ở xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành. Ảnh: Trần Trung.

Tương tự, trong bối cảnh người chăn nuôi heo đang vật lộn với giá thành sản xuất như thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vacxin tăng cao, giá heo hơi xuất chuồng giảm mạnh, người chăn nuôi thua lỗ nặng, không ít hộ buộc treo chuồng, nhưng nhờ ký hợp đồng nuôi gia công cho công ty C.P, trang trại gần 2.000 con của ông Nguyễn Văn Chiến ở xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành vẫn cho lợi nhuận hơn 1 tỷ đồng mỗi năm sau khi trừ chi phí.

“Trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, nếu nông dân tự nuôi rất là khó. Nhờ hợp đồng với công ty, tôi thấy công việc chăn nuôi có nhiều mặt thuận lợi, được bao tiêu toàn bộ, giờ mình chỉ tập trung cho việc chăn nuôi tốt thôi”, ông Chiến phấn khởi nói.

Gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có 40 cơ sở giết mổ heo, cung cấp cho 730 quầy sạp thịt và khoảng 97 cửa hàng cung cấp thịt an toàn của hệ thống siêu thị và cửa hàng bán thịt khác. Bình quân, số lượng heo thịt phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh khoảng 1.000 - 1.100 con/ngày.

Sản phẩm thịt heo chế biến của cửa hàng Cp Fresh Shop của công ty CP tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Sản phẩm thịt heo chế biến của cửa hàng Cp Fresh Shop của công ty CP tại Tây Ninh. Ảnh: Trần Trung.

Thời gian qua, ngành NN-PTNT tổ chức thực hiện mô hình liên kết chăn nuôi gia công - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm gồm 64 trang trại (118.820 con). Trong đó được cấp chứng nhận VietGAHP, an toàn dịch bệnh 112.550 con. Mô hình này có 2 chuỗi giá trị.

Theo đó, chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các chợ truyền thống: heo thịt từ các cơ sở chăn nuôi gia công được các thương lái mua, giết mổ tại 36 cơ sở giết mổ, phân phối đến 730 quầy sạp thịt của các chợ trong tỉnh với số lượng khoảng 18.980 tấn/năm, chiếm 45% sản lượng thịt heo của tỉnh.

Kế đến là chuỗi thịt heo tươi cung cấp cho các điểm cung cấp thịt heo an toàn của Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chi nhánh Tây Ninh. Ở chuỗi này, heo thịt từ các cơ sở chăn nuôi gia công được chuyển đến 4 cơ sở giết mổ, phân phối đến 97 điểm bán thịt an toàn (các siêu thị, cửa hàng...) với số lượng khoảng 4.380 tấn/năm, chiếm 10% sản lượng thịt heo của tỉnh.

Về trâu bò, toàn tỉnh có 17 cơ sở giết mổ trâu bò với công suất 135 con/ngày. Nhu cầu giết mổ bò trong tỉnh với sản lượng khoảng 12.300 tấn/năm, bao gồm 6.400 tấn xuất ra thị trường ngoài tỉnh và 5.900 tấn cung cấp cho người tiêu dùng trong tỉnh.

Sản lượng trứng gà của tỉnh Tây Ninh đạt trên 683 triệu trứng/năm. Ảnh: Lê Bình.

Sản lượng trứng gà của tỉnh Tây Ninh đạt trên 683 triệu trứng/năm. Ảnh: Lê Bình.

Đối với chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt, sản lượng thịt gà của tỉnh khoảng 37.250 tấn/năm, bình quân khoảng 102 tấn/ngày (40.821 con). Trong đó, gà được bán ra ngoài tỉnh khoảng 30 tấn/ngày (12.000 con); người dân tự giết mổ và tiêu thụ tại thị trường Campuchia khoảng 42 tấn/ngày (16.821 con)... Hiện có 2 chuỗi giá trị chăn nuôi gà thịt đang thực hiện với khoảng 25 tấn/ngày.    

Sản lượng trứng gà của tỉnh trên 683 triệu trứng/năm, bình quân khoảng trên 1.870.000 trứng/ngày. Hiện có 2 chuỗi giá trị chăn nuôi gà trứng đang thực hiện: chuỗi gà trứng của Công ty TNHH QL Việt Nam với sản lượng khoảng 1,5 triệu trứng/ngày, chiếm 80% sản lượng trứng gà của tỉnh, tiêu thụ tại thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm của doanh nghiệp này đã được công nhận GlobalGAP, HACCP. Thứ hai là chuỗi gà trứng của Công ty TS Farm Việt Nam, có sản lượng khoảng 150.000 trứng/ngày, chiếm 8% sản lượng trứng gà của tỉnh, được tiêu thụ tại thị trường trong nước.

Công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh của các trang trại tại Tây Ninh. Ảnh: Lê Bình.

Công tác đảm bảo an toàn dịch bệnh của các trang trại tại Tây Ninh. Ảnh: Lê Bình.

Theo Sở NN-PTNT Tây Ninh, ngành nông nghiệp tổ chức lại các khâu sản xuất, hướng dẫn chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm; đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghệ tiên tiến, đa dạng hoá thị trường tiêu thụ... Trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục hình thành nhiều chuỗi chăn nuôi, giết mổ theo hướng công nghệ cao, bảo quản lạnh, pha lóc, chế biến sâu heo, bò, gà thịt.

Trước mắt, ngành nông nghiệp đẩy mạnh phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi, liên kết chặt chẽ giữa các khâu: chăn nuôi, cung cấp thức ăn, thuốc thú y, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; bảo đảm việc tham gia trong chuỗi giá trị sản xuất có thể chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, bảo đảm việc điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Ngành nông nghiệp đẩy mạnh phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi từ sản xuất đến bàn ăn. Ảnh: Lê Bình.

Ngành nông nghiệp đẩy mạnh phát triển các chuỗi giá trị chăn nuôi từ sản xuất đến bàn ăn. Ảnh: Lê Bình.

Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, để phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi bền vững, tỉnh rà soát, đồng bộ các quy hoạch theo ngành, theo địa phương bảo đảm diện tích đất sạch, đất liền ranh, liền thửa, mời gọi đầu tư, sản xuất; tập trung phát triển vùng nuôi tập trung, trang trại, công nghiệp gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường theo chuỗi giá trị.

Đồng thời, tỉnh thu hút các doanh nghiệp lớn có năng lực, kinh nghiệm đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến thịt, chế biến sữa để làm đầu tàu dẫn dắt, điều phối các hoạt động của chuỗi; hỗ trợ ưu đãi đầu tư như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về thuế nhập khẩu, miễn, giảm tiền thuê đất…

“Tỉnh kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư, xây dựng các quầy thịt sạch, an toàn thực phẩm, thực hiện liên kết trong chuỗi; các mô hình cửa hàng thực phẩm sạch tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi ở vùng nuôi trọng điểm, tập trung; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm chăn nuôi an toàn thực phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn của doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh mở cửa hàng, tham gia các hội; giới thiệu, vận động, thúc đẩy các nhà phân phối, nhà hàng, khách sạn, các bếp ăn tập thể sử dụng các sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm từ chuỗi để sản phẩm có đầu ra ổn định”, ông Nguyễn Đình Xuân chia sẻ.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.