Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) vừa có buổi làm việc với Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định về việc phối hợp xây dựng khung quản lý và dự báo hạn hán nhằm đối phó với hiện tượng El Nino dự báo sẽ xuất hiện vào năm 2015.
Đây là mô hình thí điểm, sau đó sẽ nhân rộng khắp khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên nhằm ổn định SXNN trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Theo Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, ở nước ta một số nghiên cứu đã cho thấy các đợt hạn nặng ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại nhiều địa phương trên khắp cả nước, đặc biệt ở khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
Riêng năm 2013, do tác động của hạn hán, khu vực Nam Trung bộ có đến 17.277 ha cây trồng bị thiếu nước và xâm nhập mặn, trong đó có 15.627 ha lúa, 300 ha cà phê, và 1.350 ha cây trồng khác. Trong năm đó đã có 50 ha lúa bị mất trắng.
Khu vực Tây Nguyên có 51.403 ha cây trồng cũng lâm cảnh tương tự, trong đó có 14.624 ha lúa, 34.396 ha cà phê và 2.291 ha cây trồng khác. Do không có mưa nên dòng chảy tại khu vực này suy giảm nặng, nồng độ mặn lên cao nên hạn hán, xâm nhập mặn kéo sang đến năm 2014, ảnh hưởng nặng nề đến SXNN và sinh hoạt của người dân.
Ông Nguyễn Văn Phú, GĐ Cty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, cho biết về sự bất thường của hạn hán trong những năm gần đây: “Năm 2012, dù đã kết thúc mùa lũ mà nước trong các hồ chứa chỉ đạt từ 20 - 30%, chúng tôi nghĩ năm 2013 chắc chắn là hạn, thậm chí còn hạn nặng.
Do đó tỉnh quyết liệt chỉ đạo các địa phương phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thậm chí ở những vùng không ăn được nước hồ chứa phải bỏ ruộng không SX để tránh tổn thất.
Không ngờ, dù nước trong các hồ chứa có rất ít, nhưng trong năm 2013 lượng mưa phân bổ đều khắp các địa bàn trong tỉnh, cứ 5 - 10 ngày là có 1 trận mưa nên hạn hán xảy ra không nặng nề như dự tính, SXNN không bị thiệt hại nặng.
Cuối năm 2013, kết thúc mùa mưa các hồ chứa đều đầy ắp nước, Bình Định yên tâm năm sau SXNN sẽ thuận lợi hơn.
Lại không ngờ, suốt năm 2014 lượng mưa xảy ra hầu như không có, SXNN trông cậy hoàn toàn vào lượng nước trữ trong các hồ chứa nên diện tích cây trồng bị thiệt hại do hạn hán tăng cao. Mọi điều diễn ra trái ngược hoàn toàn so với dự đoán nên ngành chức năng trở tay không kịp”.
Trước thực tế trên, việc xây dựng khung quản lý và dự báo hạn hán cho vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên được Tổng cục Thủy lợi đặt ra thành nhiệm vụ cấp bách, và chọn Bình Định là địa phương thường xuyên chịu hạn nặng để làm thí điểm.
“Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành mô hình quản lý và dự báo hạn hán thí điểm trước khi Bình Định triển khai SX vụ ĐX 2014-2015 để tỉnh này có kế hoạch bố trí SX phù hợp với điều kiện thực tế”, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi khẳng định. |
Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) cho biết: “Trước đây, chúng ta chỉ quản lý hạn theo kiểu sau khi sự cố đã xảy ra rồi mới đề ra giải pháp khắc phục. Bây giờ, chúng ta tiến tới việc dự báo hạn hán như dự báo mưa bão để có giải pháp giám sát và cách ứng phó hợp lý, hiệu quả hơn”.
Ông Hà Hải Dương, Viện Khoa học Thủy lợi VN cho biết thêm: “Hệ thống dự báo và quản lý hạn hán là phần mềm tích hợp từ những thông số thực tế, sau khi tính toán sẽ đưa ra dự báo mức độ hạn hán sẽ xảy ra cho từng địa phương.
Hệ thống này sẽ hỗ trợ cho các địa phương có những quyết sách chính xác để công tác chống hạn đạt hiệu quả cao nhất”.
Theo ông Dương, để có được hệ thống này, địa phương phải cung cấp cho Viện Khoa học Thủy lợi VN những thông số về giáng thủy, độ bốc thoát hơi, độ ẩm đất, dòng chảy và cung cấp các chỉ số về khí tượng, thủy văn, tính toán thủy lực, nhu cầu về nước tưới, xâm nhập mặn.
Ngoài ra, đơn vị nghiên cứu cũng cần những thông tin về tài nguyên nước mặt, nước ngầm tại địa phương và những thông tin liên quan đến hiện trạng xâm nhập mặn cùng hiện trạng và quy hoạch các công trình thủy lợi cấp nước SXNN thì hệ thống mới đạt mức chính xác cần thiết.
Ông Phạm Văn Thi, chuyên viên Cục Trồng Trọt nói: “Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, việc dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu xây dựng thành công hệ thống quản lý và dự báo hạn hán thì các địa phương trong vùng hạn sẽ giảm được chi phí và thiệt hại trong SXNN do hạn hán gây ra.
Qua theo dõi, tính toán của chúng tôi, đối với cây lúa, mỗi mùa vụ chỉ cần cấp 8 lứa nước là đủ. Chủ yếu là giai đoạn đổ ải làm đất gieo sạ, tiếp đến là giai đoạn lúa từ 15 - 30 ngày tuổi và thời kỳ làm đòng trỗ (từ 45 - 75 ngày tuổi). Khi lúa đã trỗ, vào chắc thì nước không cần nhiều”.
Ông Phan Xuân Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi - đê điều và PCLB Bình Định xác định: “Vùng nghiên cứu thí điểm chúng tôi chọn tại hệ thống các sông Kôn, Hà Thanh và La Tinh vì 3 hệ thống này gắn với nhau thành vùng tưới lớn. Đặc biệt là hệ thống sông La Tinh vì vùng tưới này thường xuyên bị hạn gắt”.