| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới: Lấy đời sống, thu nhập của người dân làm trọng tâm

Thứ Tư 16/02/2022 , 21:27 (GMT+7)

Xuất phát điểm thấp, sau 10 năm nỗ lực, huyện Bảo Thắng của tỉnh Lào Cai đã hoàn thành toàn diện các tiêu chí nông thôn mới.

Tỉnh Lào Cai đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Bảo Thắng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Ảnh: H.Đ

Tỉnh Lào Cai đón nhận quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Bảo Thắng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Ảnh: H.Đ

Sáng 16/2/2022, UBND tỉnh Lào Cai đã tổ chức lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Bảo Thắng đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Về phía tỉnh Lào Cai, tham dự có ông Đặng Xuân Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; ông Vũ Xuân Cường, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Trịnh Xuân Trường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh.
 
Về phía Trung ương có ông Trần Nhật Lam, Phó Chánh Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương.

Vươn lên từ huyện nghèo khó
 
Bảo Thắng là huyện vùng thấp của tỉnh Lào Cai, với diện tích tự nhiên 64.360,41 ha, dân số 109.042 người, 14 đơn vị hành chính (11 xã và 3 thị trấn). Huyện Bảo Thắng có thế mạnh về nông lâm nghiệp, nhân dân chủ yếu là từ miền xuôi lên lập nghiệp, qua thời gian sinh sống và lao động sản xuất với nhân dân bản địa đã tạo nên truyền thống cần cù, năng động sáng tạo trong phát triển kinh tế- xã hội. 
 
Ông Ngô Minh Quế, Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho biết, trước khi thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2011, xuất phát điểm của huyện Bảo Thắng ở mức thấp, mức độ đạt các tiêu chí nông thôn mới của các xã không đồng đều, mặt bằng chung toàn huyện đạt bình quân 4,33 tiêu chí, xã đạt cao nhất 6 tiêu chí, xã đạt thấp nhất 2 tiêu chí, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 11,2 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 31,9%. Hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, nhất là là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường. 
 
Các tiêu chí chưa hoàn thành chủ yếu thuộc hai nhóm là: Nhóm tiêu chí về cơ sở hạ tầng cần có nguồn lực đầu tư lớn và nhóm tiêu chí về văn hóa, xã hội, môi trường là những tiêu chí khó thực hiện cần sự chủ động tham gia tích cực của người dân. 
 
Thời điểm năm 2011, toàn huyện còn 4 xã đặc biệt khó khăn, 1 xã biên giới; 69 thôn, tổ dân phố vùng III, thu nhập của nhân dân còn ở mức thấp; nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Đây là những khó khăn thách thức đối với công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Bảo Thắng.  
 
Tuy nhiên, qua 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực của Trung ương, tỉnh Lào Cai và tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tranh thủ mọi nguồn lực, khắc phục mọi khó khăn, đến nay 11/11 xã trong huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã đạt nông thôn mới nâng cao. Hết năm 2021, tốc độ tăng trưởng của huyện đạt trên 14%/năm; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn là 48,7 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn là 4,15%...
 
Các sản phẩm OCOP của huyện Bảo Thắng giúp tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Ảnh: H.Đ

Các sản phẩm OCOP của huyện Bảo Thắng giúp tạo ra việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Ảnh: H.Đ

Tiếp tục hướng mục tiêu nông thôn mới nâng cao
 
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đến nay toàn tỉnh Lào Cai có 62/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 2 xã của huyện Bảo Thắng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Sơn Hà và xã Xuân Quang); có 2 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong đó, năm 2019, thành phố Lào Cai vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2020, huyện Bảo Thắng là địa phương tiếp theo của tỉnh được đón nhận vinh dự này.
 
Đánh giá về kết quả đạt được của huyện Bảo Thắng, ông Trịnh Xuân Trường cho rằng, huyện đã có những bước phát triển khá toàn diện, đạt được những thành tích đáng khích lệ trên tất cả các mặt; diện mạo nông thôn thay đổi rõ nét, hạ tầng kết nối được đầu tư đồng bộ đạt chuẩn. Di tích lịch sử, giá trị và bản sắc văn hóa tốt đẹp các dân tộc không ngừng được gìn giữ, tôn tạo và phát triển. Chất lượng giáo dục, y tế được đảm bảo. Cảnh quan, môi trường nông thôn được cải thiện; quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững; nhân dân được thụ hưởng cuộc sống tốt đẹp hơn cả về vật chất và tinh thần… 
 
Thời gian tới, huyện Bảo Thắng cần tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng nông thôn mới, đặc biệt nhiệm kỳ 2020-2025, đặt mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; tạo tiền đề để huyện sớm phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030. 
 
Để đạt được mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai đề nghị Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Bảo Thắng triển khai cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI; Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy về phát triển nông, lâm nghiệp, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2020-2025; Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh Lào Cai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
 
Chú trọng phát huy sức mạnh, sáng tạo của toàn thể nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội; duy trì các kết quả đạt được, bảo đảm thực chất, bền vững; lấy đời sống, thu nhập của người dân làm trọng tâm. Bảo Thắng phải bứt phá không chỉ là huyện nông thôn mới của tỉnh, mà phải là huyện nông thôn mới điển hình của khu vực và cả nước; các mục tiêu phấn đấu tiếp theo phải hết sức cụ thể, có lộ trình rõ ràng cho từng năm...

Huyện Bảo Thắng có lợi thế nằm ở vị trí trung tâm của tỉnh Lào Cai, có hệ thống giao thông đa dạng cả đường bộ, đường sắt, đưởng thủy, trong đó có những tuyến giao thông huyết mạch chạy qua như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tuyến đường sắt liên vận quốc tế Hà Nội - Lào Cai - Côn Minh (Trung Quốc), các tuyến quốc lộ 70, 4E... Đây là một lợi thế quan trọng, góp phần thúc đẩy giao lưu và phát triển kinh tế, khai thác các thế mạnh của huyện. 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Xây dựng sản phẩm OCOP vươn tầm xuất khẩu

Bắc Kạn Sau nhiều năm thực hiện chương trình OCOP, một số sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn đã tạo được chỗ đứng trên thị trường, hướng tới xuất khẩu.