| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng nông thôn mới - Người dân Trà Vinh hài lòng

Thứ Hai 14/02/2022 , 07:10 (GMT+7)

Theo khảo sát của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Trà Vinh, hơn 90% người dân tại các xã nông thôn mới (NTM) hài lòng với chương trình này.

Hơn 90% người dân tại các xã nông thôn mới hài lòng về chương trình xây dựng NTM. Ảnh: Minh Đảm.

Hơn 90% người dân tại các xã nông thôn mới hài lòng về chương trình xây dựng NTM. Ảnh: Minh Đảm.

Diện mạo ngày càng khởi sắc

Trà Vinh là tỉnh thuộc khu vực ĐBSCL, có 7 huyện, 1 thị xã và 1 thành phố (TP); 106 xã, phường, thị trấn (trong đó có 85 xã xây dựng NTM). Diện tích tự nhiên là 234.115ha; trong đó đất sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ 79,4%. Dân số toàn tỉnh hơn 1 triệu người, trong đó dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ trên 31%.

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Trà Vinh đã đạt được thành quả lớn với các chỉ tiêu về NTM vượt kế hoạch đề ra. Giai đoạn 2010 - 2020, Trà Vinh được đánh giá là một trong những tỉnh tiêu biểu có phương pháp, cách làm, sự chủ động, sáng tạo trong xây dựng NTM.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, đến nay, tỉnh đã có 78/85 xã đạt 19/19 tiêu chí (72/85 xã có Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh), chiếm 91,76%. Còn lại 7 xã (3 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí và 4 xã đạt 14 tiêu chí), địa phương tiếp tục thực hiện và cuối năm đánh giá, dự kiến đạt kế hoạch.

Tỉnh có 5 đơn vị cấp huyện (Tiểu Cần, Cầu Kè, Càng Long, thị xã Duyên Hải và TP Trà Vinh) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Hiện có 4 xã (Long Đức, Phú Cần, Ninh Thới, Thạnh Phú) đang triển khai xây dựng xã NTM kiểu mẫu.

Tỉnh Trà Vinh cũng có 11 xã được công nhận xã NTM nâng cao (Long Đức, thành phố Trà Vinh; xã Tân Hùng, Phú Cần, Tân Hòa huyện Tiểu Cần; Mỹ Long Bắc, Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang; Thạnh Phú, Ninh Thới, huyện Cầu Kè; An Trường, Nhị Long Phú, huyện Càng Long và xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải).

Ngoài ra, Trà Vinh còn có nhiều mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cuối năm 2020, toàn tỉnh có 56 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt sản phẩm OCOP, trong đó có 43 sản phẩm đạt 3 sao, 13 sản phẩm đạt 4 sao (có 1 sản phẩm đạt tiềm năng sản phẩm 5 sao).

Đối với năm 2021, Hội đồng cấp tỉnh đang đánh giá phân hạn (dự kiến có thêm khoảng 30 sản phẩm được công nhận), nhiều địa phương đang xây dựng xã NTM nâng cao, ấp NTM kiểu mẫu, đường hoa nông thôn, các mô hình bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống…

Đặc biệt, tỷ lệ hài lòng của người dân ở các xã đạt chuẩn NTM đều đạt trên 90%. Đây chính là tiền đề để Trà Vinh phấn đấu xây dựng tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước năm 2025.

Ông Kiên Minh Trí (trái) về quê đầu tư thành lập công ty công nghệ sinh học. Ảnh: Minh Đảm.

Ông Kiên Minh Trí (trái) về quê đầu tư thành lập công ty công nghệ sinh học. Ảnh: Minh Đảm.

Huyện Châu Thành đạt 9/9 tiêu chí NTM

Theo Văn phòng điều phối NTM Trà Vinh, huyện Châu Thành đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM ngày 12/11/2021 đã gửi hồ sơ trình Trung ương thẩm định chính thức.

Bà Thạch Thị Sa Thy, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành chia sẻ, giai đoạn 2011 - 2021, huyện đã huy động được gần 3.000 tỷ xây dựng NTM; trong đó, nhân dân đóng góp trên 20%. Hiện đời sống kinh tế của nhân dân trong huyện có nhiều thay đổi tích cực. Sản xuất nông nghiệp từng bước đổi mới hiện đại.

Trong sản xuất lúa, cơ giới hóa trên 97%. Chăn nuôi có trên 95% mô hình nuôi theo hình thức công nghiệp quy mô trang trại. Lĩnh vực thuỷ sản cũng là thế mạnh của huyện với tốc độ tăng trưởng về diẹn tích và sản lượng năm 2020 đạt trên 10%...

Cù lao Long Hòa - Hòa Minh nằm giữa sông Cổ Chiên gồm hai xã Long Hòa, Hòa Minh thuộc huyện Châu Thành, cách trung tâm huyện đến 30km. Hàng năm, biến đổi khí hậu đã tác động rất lớn đến đời sống và sản xuất của người dân nơi đây. Tuy nhiên, từ khi xây dựng NTM diện mạo nông thôn ở địa phương đã có nhiều thay đổi. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng lên. Nhất là sau khi được tỉnh và huyện triển khai xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 2 tuyến đê bao tả, hữu sông Cổ Chiên, đã góp phần chủ động ngăn triều cường, ngăn mặn phục vụ đa mục tiêu trong sản xuất.

Năm 2016, khi bắt tay vào xây dựng xã NTM, xã Long Hòa chỉ đạt 5/19 tiêu chí. Cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn 691 hộ (chiếm 27,15%), thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 19,1 triệu đồng/người/năm. Từ một xã đảo rất khó khăn về giao thông, đến nay đã đảm bảo kết nối thông suốt gồm: tuyến đường hương lộ 30 được nhựa hóa dài 9,7 km; 35 tuyến đường liên ấp, trục ấp đều được xi măng hóa đảm bảo lưu thông thông suốt trong mùa mưa.

Ông Nguyễn Văn Nhanh, Chủ tịch UBND xã Long Hoà cho hay: Xã Long Hoà xây dựng thành công xã NTM từ năm 2019. Từ đó đến nay được sự đồng lòng chung sức của nhân dân xã luôn giữ vững 19/19 tiêu chí đã đạt. Hiện 80% diện tích đất nông nghiệp của xã chủ động được nước tưới, tại vùng sản xuất tập trung đạt 100%. Thu nhập bình quân đầu người của người dân ngày càng tăng dần, năm 2021 đạt trên 50 triệu đồng/người.

Còn tại ấp Qui Nông B, xã Hoà Lợi, huyện Châu Thành ông Kiên Minh Trí Giám đốc Công ty TNHH SXTMDV công nghệ TV nhận xét, những năm qua diện mạo nông thôn ở huyện Châu Thành thực sự có nhiều thay đổi. Nhất là giao thông nông thôn có nhiều khởi sắc. Từ một người con làm ăn xa xứ nhiều năm, tháng 10/2020, ông Trí đã trở về địa phương thành lập công ty chuyên về lĩnh vực hữu cơ - vi sinh. Ông Trí ấp ủ kế hoạch đưa ra thị trường các dòng sản phẩm phân bón hữu cơ vi sinh nhằm góp phần tạo ra nông sản sạch ở địa phương cũng như thay đổi cách làm, cách nghĩ của nông dân để tạo ra được nông sản sạch, có đầu ra ổn định.

Ông Kiên Minh Trí nói: “Trước đây tôi làm ở một công ty thương mại xuất nhập khẩu nông sản tại TP.HCM. Thấy tình hình xuất khẩu nông sản gặp nhiều khó khăn tôi đã hướng đến sản xuất nông nghiệp sạch. Tôi nghĩ cái gốc của nó cần sạch trước cái đã. Do đó, tôi đã đầu tư công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh tại đây. Ở quê có lượng lớn phân trâu, bò, gà, heo… Những phế phẩm này nếu áp dụng công nghệ vi sẽ cho ra sản phẩm phân bón rất tốt và an toàn cho cây trồng”.

Người dân xã đảo Long Hoà thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Minh Đảm.

Người dân xã đảo Long Hoà thu hoạch tôm càng xanh. Ảnh: Minh Đảm.

Phấn đấu đạt chuẩn tỉnh NTM trước năm 2025

Theo Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Trà Vinh, tỉnh xác định xây dựng tỉnh NTM là cơ hội tốt thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đặc biệt là các vùng nông thôn. Tiếp nối thành công, từ khi kết thúc giai đoạn 2016 - 2020, với quan điểm “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh”, Ban Chỉ đạo NTM tỉnh đã chủ động tham mưu xây dựng và trình Tỉnh ủy phê duyệt Nghị quyết về xây dựng tỉnh Trà Vinh đạt chuẩn NTM trước năm 2025.

Theo đó, với mục tiêu đến năm 2023, Trà Vinh có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Phấn đấu 51% xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 20% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 9/9 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM trước năm 2025. Mục đích là xây dựng Trà Vinh thành tỉnh phát triển toàn diện, nổi bật về kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Trà Vinh đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chính cụ thể: Hoàn thiện cơ chế, chính sách trên cơ sở chỉ đạo của Trung ương và một số cơ chế riêng đối với tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và người dân, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua xây dựng NTM. Huy động đa dạng và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho Chương trình. Hoàn thiện, nâng cao chất lượng hệ thống kết cấu hạ tầng thiết yếu. Phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn; Triển khai thật hiệu quả Chương trình OCOP..

Ông Nguyễn Thanh Tiếng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh chia sẻ thêm: Xây dựng NTM ở Trà Vinh với mục tiêu lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Do đó tiếp tục kêu gọi sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, huy động và lồng ghép nhiều nguồn lực, sự tham gia tích cực của đại bộ phận các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh để đạt mục tiêu xây dựng NTM trong thời gian tới. Nhất là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và hiện đại, gắn với quá trình đô thị hóa… đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống.

    Tags:
Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm