| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm, Newcastle

Thứ Tư 05/06/2024 , 06:30 (GMT+7)

QUẢNG NINH Năm 2024, huyện Tiên Yên đặt mục tiêu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm, Newcastle trên đàn gia cầm tại các xã Phong Dụ, Hà Lâu, Điền Xá.

Huyện Tiên Yên xây dựng vùng an toàn dịch bệnh gia cầm để phát triển chăn nuôi bền vững. Ảnh: Nguyễn Thành.

Huyện Tiên Yên xây dựng vùng an toàn dịch bệnh gia cầm để phát triển chăn nuôi bền vững. Ảnh: Nguyễn Thành.

Gà Tiên Yên là sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Tiên Yên (tỉnh Quảng Ninh). Hiện, tổng đàn gà trên địa bàn huyện đạt trên 300.000 con.

Nhằm đảm bảo chất lượng đàn gà, các cơ quan chức năng đã yêu cầu người dân tuyệt đối tuân thủ quy trình chăn nuôi như chế độ dinh dưỡng, thời gian nuôi, nuôi theo hướng chăn thả. Đặc biệt, huyện đang hướng đến xây dựng vùng an toàn dịch bệnh trên đàn gia cầm để đảm bảo phát triển chăn nuôi bền vững.

Theo đại diện Phòng NN-PTNT huyện Tiên Yên, địa phương đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ xây dựng vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm, Newcastle trên đàn gia cầm tại các xã Phong Dụ, Hà Lâu, Điền Xá, nhằm khống chế, kiểm soát, tiến đến loại trừ bệnh cúm gia cầm, Newcastle trên địa bàn các xã trên. 

Theo đó, 100% tổng đàn gia cầm trên địa bàn các xã Phong Dụ, Hà Lâu, Điền Xá được tiêm vacxin cúm gia cầm, Newcastle. Các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi, quản lý, lập danh sách hộ nuôi gia cầm theo quy định, thường xuyên cập nhật số liệu, thông tin về đàn gia cầm trên địa bàn các xã Phong Dụ, Hà Lâu, Điền Xá.

Bên cạnh đó, xử lý các trường hợp vi phạm hành chính trong hoạt động nuôi gia cầm, công tác phòng, chống bệnh cúm gia cầm, Newcastle theo quy định.

UBND các xã Phong Dụ, Hà Lâu, Điền Xá cử cán bộ phối hợp hướng dẫn, giám sát việc tiêm phòng, đánh giá kết quả tiêm phòng, thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc tại khu vực đã tổ chức tiêm phòng.

Đặc biệt, huyện tập trung thông tin tuyên truyền về đặc điểm và tính chất nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm, Newcastle, cách nhận biết vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh và biện pháp xử lý, phòng, chống bệnh trên đàn gia cầm.

Chủ vật nuôi có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, giám sát đàn gia cầm của gia đình. Nếu phát hiện con vật có biểu hiện bất thường như gia cầm đi không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám, có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, khó thở, sổ mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, thở khò khè, viêm xoang, sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp.

Ngoài ra, gia cầm sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái, xuất huyết dưới da, đặc biệt ở những chỗ da không có lông, tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh, ở những con đang đẻ năng suất trứng giảm rõ rệt, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ… phải cách ly và báo ngay cho chính quyền địa phương.

UBND các xã lập sổ theo dõi tình hình dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm, Newcastle và ghi chép đầy đủ thông tin. Ảnh: Nguyễn Thành.

UBND các xã lập sổ theo dõi tình hình dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm, Newcastle và ghi chép đầy đủ thông tin. Ảnh: Nguyễn Thành.

Cơ quan chuyên môn huyện tổ chức triển khai giám sát sau tiêm phòng vacxin cúm gia cầm, Newcastle, nhằm đánh giá hiệu quả tiêm phòng. Theo đó, kết quả giám sát sẽ được sử dụng để xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm, Newcastle.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh tổ chức tập huấn nâng cao năng lực giám sát cho các cán bộ phòng chuyên môn huyện Tiên Yên.

Các nội dung về quản lý đàn gia cầm, kỹ năng giám sát, điều tra, thu thập thông tin dịch tễ về bệnh cúm gia cầm, Newcastle ở gia cầm, kỹ thuật thu thập, bảo quản và vận chuyển mẫu động vật nghi mắc bệnh cúm gia cầm, Newcastle.

UBND các xã Hà Lâu, Phong Dụ, Điền Xá chỉ đạo các lực lượng công an, quân sự, các trưởng thôn bản tăng cường quản lý, kiểm soát việc vận chuyển gia cầm vào địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý ngay những trường hợp vận chuyển gia cầm giống, gia cầm thịt không rõ nguồn gốc, xuất xứ vào địa bàn quản lý.

Khuyến cáo cho người dân biết không nên mua giống, gia cầm thịt không có nguồn gốc, giấy tờ kiểm soát dịch bệnh để thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn.

Hiện trên địa bàn huyện có trên 400 cơ sở nuôi gà Tiên Yên quy mô tập trung trên 500 con/lứa, trong đó có trên 10 trang trại duy trì quy mô chăn nuôi trên 5.000 con, có 7 HTX sản xuất, nuôi gà Tiên Yên thương phẩm, quy mô 70.000 - 80.000 con/năm. Năm 2023, toàn huyện đã xuất bán 1,27 triệu con gà Tiên Yên. 

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Vụ dưa hấu 'đắng'

Thời tiết bất lợi cùng giá xuống quá thấp khiến người trồng dưa hấu ở vùng biên giới huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) thua lỗ nặng, nhiều hộ bỏ ruộng, chẳng buồn thu hoạch.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.