Khách du lịch đến Khe Nước Lạnh (xã Ngân Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình). Ảnh: T.Long. |
Xã Ngân Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) là xã miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội còn chậm phát triển, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Người dân nơi đây chủ yếu là đồng bào Bru- Vân Kiều với dân trí thấp.
Thực hiện tiêu chí số 20 của UBND huyện Lệ Thủy về xây dựng vườn mẫu, Đảng bộ xã Ngân Thủy đã chỉ đạo cán bộ và nhân dân địa phương thực hiện việc xây dựng vườn mẫu kết hợp với du lịch phù hợp với điều kiện tiềm năng thế mạnh của xã nhà.
Ngoài ra, với đặc điểm địa hình chủ yếu là đồi núi nên xã có điều kiện để phát triển kinh tế vườn rừng, chăn nuôi gia súc; đồng thời có nhiều hang động, sông suối có khả năng khai thác để phát triển du lịch sinh thái như Khe nước lạnh, hang Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hang Văn Công...
Để góp phần thực hiện thành công tiêu chí số 20 của UBND huyện trong việc xây dựng vườn mẫu, Đảng bộ xã đã có chủ trương chỉ đạo việc thực hiện xây dựng vườn mẫu gắn với phát triển du lịch trên địa bàn.
Thực tế thời gian qua, UBND xã Ngân Thủy đã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con nhân dân chú trọng phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là cải tạo vườn tạp, đưa các loại cây có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất như cây ăn quả, cam, bưởi, ổi, cây thực phẩm như nghệ, gừng, kiệu, các loại đậu; đồng thời đẩy mạnh phát triển chăn nuôi như bò, lợn bản, gà thả đồi.
Xã cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại bản Còi Đá, xây dựng một số vườn mẫu, đưa một số loại cây mới vào sản xuất để phục vụ du khách như sắn dây, nếp than, cây ăn quả... được bà con hưởng ứng tích cực. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 4 vườn ở 4 hộ, với diện tích 01 ha, trồng các loại cây ăn quả như mít Thái Lan, na, bưởi, cam và cây dược liệu như sâm bố chính để phục vụ du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó, UBND xã đã tham mưu cho UBND huyện quan tâm, tạo điều kiện kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu du lịch sinh thái Khe nước lạnh kết hợp du lịch cộng đồng, coi đây là dự án động lực của xã để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi ý thức, tư tưởng của bà con trong khắc phục khó khăn, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đến nay, khu du lịch đã đi vào hoạt động bước đầu đạt được kết quả khả quan.
Để chủ trương xây dựng vườn mẫu kết hợp với du lịch ở vùng có đông đồng bào dân tộc Bru- Vân Kiều sinh sống, Đảng bộ xã Ngân Thủy cũng đã chỉ đạo chính quyền địa phương, Ban Mặt trận khu dân cư tích cực trong việc vận động bà con dân bản giữ gìn nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của cộng đồng người Vân Kiều.
Khôi phục và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đã bị mai một như các loại nhạc cụ truyền thống, tập tục sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, các lời ca, điệu múa cổ, các lễ hội như lễ hội cúng làng, lễ hội cầu mưa, các điệu hò đối đáp, phong tục cưới hỏi... Phục dựng các ngôi nhà sàn cổ của người Vân Kiều với vật liệu phù hợp với cảnh quan, môi trường... để phục vụ nhu cầu tìm hiểu, khám phá đời sống văn hóa cộng đồng người Vân Kiều ở Lệ Thủy của du khách gần xa.
Đến nay, xã Ngân Thủy đã đạt 7/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới. Căn cứ vào điều kiện thực tế ở địa phương thì lộ trình về đích NTM ở Ngân Thủy sẽ còn kéo dài và sẽ trải qua nhiều khó khăn, thử thách. Tuy nhiên, việc xây dựng vườn mẫu gắn với phát triển du lịch ở Ngân Thủy là một chủ trương đúng đắn, nhận được sự đồng thuận cao của cán bộ nhân dân trên địa bàn xã, sự ủng hộ, nhất quán cao của lãnh đạo huyện Lệ Thủy.