Hơn 2 năm đệ đơn cầu cứu
Nhiều lần từ TP Hà Tĩnh lên thăm người thân ở thôn 6, xã Hương Giang, huyện Hương Khê tôi không thể bưng bát cơm ăn vì mùi hôi thối từ trang trại chăn nuôi lợn hộ ông Phan Ngọc Hạnh xộc thẳng vào mũi.
Anh tôi bảo: “Những lần em lên chưa đến giờ cao điểm còn đỡ thối. Hôm nào trở trời hoặc buổi tối các hộ dân trong thôn đều mất ăn, mất ngủ vì mùi phân lợn”.
Lần lại những xấp đơn cầu cứu có hàng trăm chữ ký, tôi viết lên bài báo này với mong muốn chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, huyện Hương Khê, xã Hương Giang; cơ quan Cảnh sát môi trường, Sở TN-MT… thấu hiểu nỗi khổ của bà con, xử lý dứt điểm tình trạng “đầu độc” môi trường của trang trại chăn nuôi lợn công nghiệp này.
Trong đơn người dân Hương Giang viết: “Quá trình chăn nuôi, trang trại của ông Phan Ngọc Hạnh không chỉ xả khí gas chưa qua xử lý ra không khí, bốc mùi hôi thối nồng nặc mà còn nhiều lần bơm, xả chất thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm không khí, nguồn nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của hơn 200 hộ dân trong vùng”.
Ông Phan Văn Khang, 58 tuổi - hộ dân sống cách khu xử lý chất thải của trang trại khoảng 100m bức xúc cho biết, tình trạng ô nhiễm môi trường từ trại lợn của hộ ông Hạnh đã diễn ra trong nhiều năm nay. Đặc biệt, khoảng 2 năm trở lại đây, khi chủ trại tăng đàn lên gần 1.000 con, mùi hôi thối và nguồn nước thải tra tấn người dân càng kinh khủng hơn.
“Trước họ nuôi dưới 500 con còn đỡ thối. Từ ngày họ tăng đàn, đêm trời nắng nóng nhưng tôi vẫn phải trùm kín chăn hoặc bịt khẩu trang để ngủ. Chúng tôi cũng nhiều lần phát hiện họ xả thải xuống khe (khe Họ Võ và khe Ma Ca), trình báo chính quyền nhưng không giải quyết được cái gì”, ông Khang thở dài ngao ngán.
Gia đình chị Phan Thị Lan, thôn 7 xã Hương Giang có 4 người, trong đó 2 con đang tuổi ăn tuổi học. Hơn 2 năm nay, mùi hôi thối từ trang trại chăn nuôi lợn hộ ông Hạnh khiến cuộc sống của cả gia đình đảo lộn. Theo chị Lan, buổi tối dù đóng kín cửa nhưng con chị vẫn không thể học vì mùi hôi thối. Còn bản thân chị, bệnh xoang ngày càng nặng vì hít phải không khí ô nhiễm.
Một lãnh đạo xã Hương Giang xác nhận, thực trạng ô nhiễm môi trường tại trang trại ông Hạnh là có thật.
“Trại đặt gần dân không thể đảm bảo được, cho dù phát triển kinh tế nhưng không thể lấy nó đánh đổi sức khỏe người dân được”, vị này nói. Đồng thời chia sẻ, sắp tới Trường mần non Hương Giang (chỉ cách trang trại khoảng hơn 200m) đi vào hoạt động, con em đến học, tổ chức ăn bán trú sẽ không thể ổn, nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe thế hệ con em.
Bất cập từ quy hoạch
Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, năm 2015 trang trại chăn nuôi lợn thịt công nghiệp của ông Phan Ngọc Hạnh được UBND huyện Hương Khê cho phép xây dựng trên khu vực đất đồi vùng Mỏ Đẻn, thôn 6 xã Hương Giang với diện tích hơn 40.500m2; quy mô 990 con/lứa.
Thời điểm đó, Luật Chăn nuôi chưa ra đời, chưa có quy định cụ thể về quy mô trang trại. Tuy nhiên, theo các chính sách tỉnh Hà Tĩnh ban hành, trang trại lợn thịt từ 500 con trở lên được xem là quy mô lớn.
Tại Quyết định 1281/QĐ-UBND, ngày 14/4/2015 về việc Điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển chăn nuôi, vùng chăn nuôi tập trung và quy hoạch phát triển trang trại, vùng trang trại chăn nuôi lợn tập trung công nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, nêu rõ: “Tiêu chí quy hoạch phải đảm bảo khoảng cách từ trang trại, vùng trang trại chăn nuôi tập trung đến khu dân cư, công trình công cộng khác tối thiểu 500m đối với chăn nuôi lợn…”
Tuy nhiên khoảng cách thực tế từ trang trại hộ ông Hạnh đến khu dân cư, công trình công cộng như trường học, nhà văn hóa thôn… chỉ từ 100 đến 300m.
Mặc dù Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT quy định rất rõ “Khoảng cách từ trang trại chăn nuôi quy mô lớn đến khu dân cư, khu tập trung chất thải sinh hoạt, công nghiệp tối thiểu là 400 m; trường học, bệnh viện, chợ, nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho cộng đồng dân cư tối thiểu 500 m”. Nhưng chính quyền địa phương vẫn không có bất kỳ động thái nào điều chỉnh quy hoạch của trang trại này.
Một trang trại lợn quy mô lớn như vậy nhưng chính quyền xã Hương Giang, huyện Hương Khê vẫn đưa vào quy hoạch nằm giữa khu dân cư, thậm chí đầu nguồn nước các khe suối là rất bất hợp lý, xem thường sức khỏe của người dân.