| Hotline: 0983.970.780

Xin xe Tổng Bí thư, biếu Thủ tướng… thuốc phiện

Thứ Tư 27/01/2010 , 10:10 (GMT+7)

Khi được dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), Vừ Chông Pao lại tiếp tục bước vào cuộc chiến diệt trừ cây thuốc phiện.

Già Pao hạnh phúc bên bà vợ thứ ba

Khi được dân tín nhiệm bầu làm Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn (Nghệ An), Vừ Chông Pao lại tiếp tục bước vào cuộc chiến diệt trừ cây thuốc phiện.

>> Thủ lĩnh người Mông ở Kỳ Sơn

Gói thuốc phiện biếu… Thủ tướng

Trước những năm 90 (thế kỉ XX), thời điểm già Pao làm Chủ tịch huyện, Kỳ Sơn được nhiều người biết là "quê hương" của cây thuốc phiện. Mấy vị cán bộ huyện thống kê mỗi năm “ra lò” trên 8.000 tấn thuốc phiện. Do hợp đất, hợp khí hậu, cây thuốc phiện ở Kỳ Sơn dễ trồng, lên tốt. Đầu nậu khắp nơi đổ về buôn bán. Thấy lợi, người dân tự phát rừng, bỏ lúa, ngô, mở rộng diện tích trồng cây thuốc phiện. Ông Lầu Vả Giống (79 tuổi), già làng ở thôn Mường Lống 1, xã Mường Lống quả quyết rằng: “Thuốc phiện những năm đó là "cây lúa”, "cây tiền” của người Mông ta ở vùng biên này, khách đến đôi khi tìm gạo còn khó hơn cả tìm thuốc phiện”.

Vừa lên nắm quyền Chủ tịch, thấy thuốc phiện nhiều quá, Vừ Chồng Pao trăn trở rồi cuối cùng chợt nảy ra sáng kiến: "Ai nộp một yến thuốc phiện sẽ được tặng một cái đài radio". Nghe "chính sách" phổ biến, dân bản hưởng ứng lắm. Chỉ có điều cây thuốc phiện lại càng được trồng nhiều hơn. Hỏi, họ hồ hởi rằng "phải trồng để lấy thuốc đổi cái "máy nói" về nghe". Tá hỏa, một mặt chính quyền ra sức vận động bài trừ cây thuốc phiện, mặt khác các lực lượng công an, biên phòng tích cực tuần tra bắt giữ các đối tượng buôn bán nên phong trào trồng cây thuốc phiện có phần giảm nhưng vẫn là thủ phủ bậc nhất của cả nước.

Già Pao tiếp tục câu chuyện về "cuộc chiến với cây thuốc phiện ở Kỳ Sơn" bằng một "tai nạn" hy hữu.

Số là khi nhà nước có chủ trương thu mua thuốc phiện làm dược liệu nhằm tạo vốn cho đồng bào, vừa triệt đường buôn bán thì "cuộc chiến" mới tìm ra lối thoát. Trong ba năm chính quyền Kỳ Sơn vận động dân bản bán cho nhà nước hơn 43 tấn thuốc phiện nhựa. Thấy kết quả tốt già Pao mừng quá nên bảo cán bộ phải làm một cái quà biếu Thủ tướng cho có ý nghĩa. Thấy ở miền sơn cước này không có đặc sản gì ngoài thuốc phiện nên già Pao bèn mua 4kg mang ra Hà Nội tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng gọi là "đồng bào Mông ở Kỳ Sơn bày tỏ lòng biết ơn". Hôm xe rời thị trấn Mướng Xén được chừng 200km thì công an thổi còi, ách xe lại kiểm tra. "Thấy bịch thuốc phiện họ đòi giữ cả ta, cả thuốc.

Ta bảo, không phải "hàng" của tôi đâu mà là quà tặng Thủ tướng đấy. Các anh giữ cũng được nhưng phải giữ cho khéo. Nếu để hao hụt là ta bắt bồi thường đấy. Sáng hôm sau ta thấy họ gọi lên trả cả người cả thuốc". Ra Hà Nội lần ấy, già Pao được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tiếp tại phòng riêng. Nghe già Pao nói lý do tặng quà, Thủ tướng mỉm cười rồi cho cán bộ văn phòng khẩn trương “cất” quà đi. "Nghĩ lại thấy buồn cười. Ai lại cả gan mang hàng quốc cấm ra tặng Thủ tướng, may mà Thủ tướng hiểu ý tốt của đồng bào nên bỏ qua. Lần đó, Thủ tướng nhận ta làm anh em kết nghĩa đấy".

Gặp Tổng Bí thư… xin xe

Sau khi nghỉ làm Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, già Pao chuyển sang làm Chủ tịch HĐND huyện. Đầu những năm 2000, cây thuốc phiện giảm hẳn nhưng số người mắc nghiện lại tăng lên.

Năm 2004, Già Pao được Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh mời ra thăm Hà Nội. Biết Kỳ Sơn đang khó khăn nên Tổng Bí thư khuyên già Pao: "Tuy đồng chí đã có tuổi nhưng còn sức thì gắng làm việc giúp địa phương". Thấy Tổng Bí thư chân tình quá, già Pao trình bày thật là con em Kỳ Sơn bây giớ tái nghiện từ 70-80%, muốn cai nghiện phải có chiếc xe con. Cuối năm đó, già Pao nhận được chiếc xe của dự án xóa bỏ cây thuốc phiện. Có xe rồi nhưng ngặt nỗi không có người lái nên đành phải nhờ người mang xe ra gửi ở MTTQ huyện. Khi nào có việc cần đi ông mới ra lấy xe và nhờ luôn…người lái.

Có xe ông đến được với dân bản nhiều hơn, đi những nơi xa hơn.

Thời điểm đó, Kỳ Sơn có tất cả hơn 3.000 con nghiện. Già Pao là người đầu tiên và là người duy nhất ở Kỳ Sơn xung phong đi cai nghiện cho dân bản Khe Tang, nơi được xem là nóng nhất về thuốc phiện. Cả bản chỉ vỏn vẹn có 57 hộ nhưng lại có tới 47 người nghiện. Kế hoạch cai nghiện của già bắt đầu từ năm 2002 bằng cách vận động tất cả đối tượng nghiện tự giác cai. Đầu tiên là buổi tập trung bàn đèn, kim tiêm để hủy, đi mua giống heo và đi đào từng cây chuối mang về cho các đối tượng cai nghiện trồng.

Thỉnh thoảng ông lại đạp xe đi gần 20km về khe Tang rồi ở lại đó cai xong một đợt 2-3 tháng mới về nhà. Ăn ở với đồng bào để giúp cai nghiện, ông luôn giải thích với họ rằng: "Thuốc phiện còn ghê gớm hơn cả con ma rừng, ma núi. Dính vào nó không chỉ thiệt thân mà còn làm khổ cả gia đình, là phạm pháp". Số người nghiện ở Khe Tang và rất nhiều bản làng khác giảm hẳn. “Chính nhờ ông Pao chữa cho tôi mà thoát khỏi nạn nghiện. Lúc đầu tôi không chịu cai nhưng nhờ ông Pao vận động nay tôi đã trở thành người “sạch” ma túy. Khỏe cái người lắm”. Hoa Phò Thải thấy chúng tôi đến liền ngừng tay thái cây chuối trước cửa nhà sàn, hồ hởi…

Giàu nhất là bằng khen và...vợ

Tuy vật dụng trong nhà ít ỏi, nhưng già Pao luôn tự hào là người có nhiều bằng khen và có thể là người nhiều... vợ nhất huyện Kỳ Sơn. Trong ngôi nhà gỗ, bốn bề đều là bằng khen, giấy khen, dễ chừng không dưới 30 cái. Và công việc ông chăm nhất mỗi khi ở nhà là lau chùi những thứ đó và treo vào những chỗ sang trọng nhất.

Những câu chuyên về cuộc đời già Pao vừa được ông kể lại toàn bộ cho con cháu chép đầy đủ thành bản thảo và dự định in thành sách. Trong tập này, già Pao dành riêng phần cuối để dặn dò con cháu: "Tất cả phải có lập trường vững vàng. Được giao nhiệm vụ gì, dù lớn hay nhỏ đều phải tuyệt đối trung thành với Đảng và Nhà nước, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao...".

Tuy được truyền tụng là huyền thoại sống của vùng biên giới miền Tây Nghệ An nhưng cuộc đời riêng của ông Pao lại gập ghềnh như núi đá. Người vợ đầu tiên của già Pao là bà Lầu Y Dênh, kém ông 4 tuổi và từng là lãnh đạo xã Huổi Giảng (nay là xã Tây Sơn). Lấy nhau xong, bà Dênh sinh liền một mạch 6 người con khỏe mạnh nhưng rồi lại bỏ ông đi vào năm 1989 vì một cơn bạo bệnh. Thời gian sau đó, ông lấy người vợ thứ hai là Lầu Y Trữ nhưng rồi người vợ này cũng qua đời ở tuổi 45 khi vừa kịp có với ông một người con. Liên tiếp mất 2 người vợ, ông Pao sống trầm lặng hơn và định bụng ở vậy nuôi con. Thấy hoàn cảnh quá, mấy cán bộ ở huyện Kỳ Sơn năm lần bảy lượt mai mối nhưng ông vẫn lắc đầu.

Có lần, một cô giáo người Lào ở thủ đô Viên Chăn, 50 tuổi về thăm huyện Kỳ Sơn để lộ chuyện chồng mất lại kính phục già Pao lắm. Ai cũng vun vén vào, nhưng khi già Pao đã xuôi xuôi thì con cháu lại không đồng ý. Họ sợ ông theo cô giáo kia về bên Lào, không thể chăm sóc được. Nhưng rốt cục, già Pao vẫn lấy vợ. Không phải cô giáo người Lào kia mà là một phụ nữ ở Kỳ Sơn tên là Lầu Y Xì (45 tuổi), nguyên là Hội phó Hội phụ nữ xã Huồi Tụ. “Ta ưng nó từ những lần đi cai nghiện nhưng phải chờ anh em ngoài huyện hỏi thăm thử nó có ưng ta không thì mới được cưới làm vợ".

Một đời sống, chiến đấu cho vùng đất Kỳ Sơn máu thịt, gia tài lớn nhất của ông là đồng bào Mông ở đây có được cuộc sống bình yên.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm