Trước đây, do tập tục canh tác, tình trạng đốt nương rẫy, cứ đến mùa vụ lại gia tăng. Cách canh tác này làm ảnh hưởng môi trường sinh thái và đe dọa đến sự an nguy của những cánh rừng.
Xác định tuyên truyền là biện pháp quan trọng trong công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng. Do vậy, Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Nhùn (Lai Châu) thường xuyên tuyên truyền, phổ biến những chủ trương, chính sách, quy định mới trong lĩnh vực lâm nghiệp đến toàn thể cán bộ, người lao động và bà con nhân dân trên địa bàn. Từ đó, người dân nâng cao nhận thức, giảm dần tình trạng đốt nương rẫy.
Ở bản Nậm Nó 2, xã Trung Chải cơ hơn 50 hộ trong đó hầu hết là bà con dân tộc Mảng. Bản có hơn 235ha rừng song luôn đi đầu trong công tác bảo vệ rừng của địa phương.
Thực hiện chủ trương về việc quản lý bảo vệ rừng, bản thường xuyên tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cho từng hộ gia đình, lập quy ước hương ước của bản trong việc bảo vệ rừng.
Cùng với đó vai trò của người đứng đầu bản, già làng, trưởng bản cũng được phát huy tối ưu trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chung tay bảo vệ rừng, nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, hộ gia đình. Giữ được rừng là giữ được nguồn nước đầu nguồn phục vụ sinh hoạt cũng như canh tác, sản xuất nông nghiệp của người dân.
Qua đó, tình trạng người dân tự ý chặt phá cây rừng trái quy định đã không còn, đồng thời bà con cũng không đốt rừng làm nương làm giảm nguy cơ cháy những cánh rừng vào mùa khô. Với vai trò là trưởng bản, ông Lò A Hoàng thường xuyên phối hợp với các cá bộ kiểm lâm, chính quyền xã tuyên truyền luật lâm nghiệp, phòng cháy chữa cháy rừng cho bà con nhân dân trên địa bàn.
“Việc tuyên truyền các quy định pháp luật về lâm nghiệp đến các hộ gia đình, cá nhân sinh sống tại các khu vực gần rừng, ven rừng là hết sức cần thiết, giúp bà con nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ rừng, đặc biệt là đối với các hộ đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Lò A Hoàng chia sẻ.
Từ tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, ngay từ đầu năm kiểm lâm địa bàn xã Trung Chải đã phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thực hiện tuyên truyền bảo vệ rừng trên địa bàn quản lý và trực tiếp đến các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn, với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà".
Trong đó, nội dung tuyên truyền tập trung truyền tải các cơ chế chính sách về phát triển miền núi và bảo vệ, phát triển rừng của Trung ương trong chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững như Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 05/8/2021 của Chính phủ về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Và những quy định tại Thông tư số 26/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 của Bộ NN-PTNT về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, đây là văn bản mới được ban hành, có liên quan mật thiết đến quyền, lợi ích của người dân, doanh nghiệp trong các hoạt động khai thác, mua bán, vận chuyển, chế biến, cất giữ lâm sản.
Kiểm lâm địa bàn cũng đã tham mưu cho cấp ủy chính quyền địa phương, và kiện toàn tổ phòng cháy chữa cháy rừng, kiện toàn tổ chuyên trách bảo vệ rừng tại các thôn bản, sẵn sàng ứng phó với những tình huống nếu xảy ra cháy rừng.
Theo ông Nguyễn Quang Lương, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Nhùn, trong những năm qua xác định công tác tuyên truyền để người dân hiểu được tác dụng của rừng đối với đời sống và đây cũng là giải pháp trọng tâm bảo vệ rừng…
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng đã giúp người dân hào hứng tham gia, qua đó nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp;
Từng bước định hình và thay đổi thói quen sinh hoạt, sản xuất, không khai thác, phá rừng trái pháp luật để làm nương rẫy; đẩy mạnh trồng rừng, lâm sản ngoài gỗ để phát triển sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững, góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, đồng thời bảo vệ và phát triển được tài nguyên rừng.