| Hotline: 0983.970.780

Xóm Nhạp hồi sinh sau trận lở núi kinh hoàng

Thứ Hai 21/01/2019 , 14:30 (GMT+7)

Chúng tôi trở lại khu tái định cư vùng lũ xóm Nhạp khi đã áp giáp Tết Nguyên đán. Quãng đường từ thị trấn Đà Bắc, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) lên xã Đồng Ruộng chừng 80km, nhưng mất hơn 3 tiếng đồng hồ di chuyển bằng xe máy chúng tôi mới tới được nơi từng là “rốn lũ”.

I.

Mùa này, thời tiết vùng núi phía Bắc liên tục mưa phùn, ẩm ướt, nhiệt độ hạ sâu dưới 10°C. Càng lên cao, sương mù càng dày đặc, che khuất tầm nhìn, gió thổi vù vù, lạnh toát toàn thân. Từ trung tâm xã Đồng Ruộng đến khu tái định cư xóm Nhạp đường đi càng khó hơn, vất vả, trơn trượt, nhiều khúc cua tử thần. Di chuyển khoảng 4km đến bến đò, chúng tôi chuyển sang đi thuyền máy, mất hơn 10 phút thì mới tới khu tái định cư xóm Nhạp.

09-24-33_nh_1
Khu tái định cư xóm Nhạp

Đi cùng tôi hôm ấy, có anh Hà Văn Đồng, Phó Trưởng Công an xã Đồng Ruộng. Thuyền vừa cập bến, anh Đồng chỉ tay về khu tái đinh cư nói: “Tới nơi rồi đồng chí, chúng ta lên thăm bà con thôi”. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là con đường bê tông rộng hơn 2m, nối dài từ dưới bờ sông Đà lên tận điểm cuối cùng của xóm. Cờ đỏ sao vàng bay trong gió, báo hiệu mùa xuân mới đang về.

Những ngôi nhà mới còn thơm mùi gỗ, nồng nồng ngai ngái mùi vôi vữa, mái lợp bằng tôn xanh trông nổi bật. Hàng cột điện bê tông dựng vững chắc, điện đèn đấu nối sáng tỏ khắp xóm từ trong nhà ra ngõ. Cống thoát nước chung được làm kiên cố. Hộ lan tôn lượn sóng mới hoàn thiện, vẫn còn mới toanh. Đám trẻ chạy nhảy, nô đùa, cười nói. Thấy khách lạ, các hộ dân bỏ dở công việc, vẫy tay chào.

Dẫn chúng tôi đi thăm hỏi bà con, anh Đồng bảo, trận sạt lở đất kinh hoàng xảy ra vào rạng sáng ngày 11/10/2017 đã kéo theo hàng nghìn khối đất đá vùi lấp hoa màu, 4 ngôi nhà và cuốn trôi nhiều tài sản của bà con xóm Nhạp. Rất may không có thiệt hại về người.

Xóm Nhạp là xóm khó khăn, nằm xa trung tâm xã Đồng Ruộng, có 52 hộ, gần 300 nhân khẩu. Sau trận "đại hồng thủy" mà theo nhiều người dân cả đời mới chứng kiến một lần, đã có 25 hộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng được di chuyển về nơi ở mới, cách chỗ cũ hơn 1km đường chim bay. Các gia đình không bị sao vẫn bám nhà, bám ruộng ở mảnh đất cũ.

09-24-33_nh_2
Các hộ dân chủ yếu sinh sống bằng nghề chẻ tăm

25 hộ dân chủ yếu là đồng bào Tày, Mường. Họ được di dời, chuyển đến đây lập nên xóm mới, với hơn 100 nhân khẩu nằm lọt thỏm ở giữa, bao quanh bởi những dãy núi xanh mướt. Phó Chủ tịch UBND xã, ông Hà Văn Thích cho biết, sau khi xảy ra trận sạt lở, mỗi hộ được Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng xây nhà. Cùng với đó, các tổ chức xã hội quyên góp ủng hộ về vật chất, tiền bạc.
 

II.

Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 đang đến gần. Các thành viên trong mỗi gia đình đều làm việc tích cực, chăm chỉ hơn để kiếm tiền mua sắm đồ đạc, chuẩn bị đón Tết. Cuộc sống tuy còn khó khăn, bộn bề, lo âu nhưng không vì thế mà không khí đón Tết của họ kém vui. Cuộc sống vẫn phải chuyển động, hướng về phía trước.

Bị trận đại hồng thủy cuốn phăng nhà cửa, mất trắng lợn gà, hoa màu… nhưng vợ chồng anh Bùi Văn Sự (SN 1967) vẫn gắng sống lạc quan để tồn tại, vươn lên. Trong căn nhà cấp 4, bé tẹo với hơn 30m2, vợ chồng anh đang bổ luồng chẻ tăm bán cho thuyền chợ (thuyền chuyên bán và mua hàng ở trên sông Đà). Thu nhập chẳng đáng bao, nhưng cũng chẳng biết làm gì để có tiền chi tiêu và chuẩn bị sắm Tết.

Đây là năm thứ 2, vợ chồng anh Sự cùng con cái đón mùa xuân trên vùng đất mới. Xuân năm nay hơn hẳn xuân vừa rồi. Gia đình anh đã có nhà đẹp, điện chiếu sáng, có tivi theo dõi tin tức thời sự. Dẫu còn khó khăn nhưng anh Sự cũng như nhiều hộ dân khác trong xóm cố gắng đón một cái Tết đầm ấm và ý nghĩa.

09-24-33_nh_3
Lũ trẻ nô đùa ở khu tái định cư vùng lũ xóm Nhạp

Nhấp chén trà nóng, anh Sự nói: “Tết năm nay, không còn phải ở trong nhà lều tạm ẩm ướt, đón Tết trong trong không khí ảm đạm như năm ngoái. Dù không có tiền để góp chung với các hộ khác mua lợn thịt về đụng, nhưng nhà tôi vẫn ăn tết vui vẻ; sẽ giết vài con gà làm mâm cơm, mua mấy gói bánh, hộp mứt về cúng gia tiên, rồi mời anh em họ hàng đến uống rượu đầu xuân”.

May mắn hơn các hộ khác, sau trận sạt lở gia đình anh Sa Quang Thống (SN 1964) vẫn còn giữ được một khoản tiền nho nhỏ. Và nhờ Nhà nước hỗ trợ 20 triệu đồng; nhờ anh em, bạn bè chia sẻ lúc khó khăn, cho vay thêm tiền, góp ngày công nên ngôi nhà mới sớm được dựng lên trong niềm vui khôn tả.

Có nhà mới là yên tâm rồi, lại có điện chiếu sáng, có nước sạch sinh hoạt, vợ chồng anh bàn nhau mua mấy con lợn giống về nhân đàn. Đến nay, trong chuồng đã có 20 con lợn, cả to lẫn nhỏ. Một con lợn nái đang có chửa, ít ngày nữa sẽ đẻ lứa lợn mới. Gia đình anh Thống còn bổ luồng chẻ tăm bán, chăn nuôi gà, nuôi cá lồng kiếm thêm. Hiện 7 lồng cá phát triển tốt, cho thu hoạch trong thời gian tới.

Xuân này, anh Thống cùng vợ và các con đã có nhà cao cửa rộng đón Tết, có khoảng sân rộng, sạch đẹp để trang trí đèn nhấp nháy. Còn nửa tháng nữa là tới Tết, gia đình anh đang gói gọn công việc, quét nhà cửa, mua sắm một số đồ dùng, bánh kẹo và mứt Tết. Để thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tạo thêm tinh thần đoàn kết, vui xuân, anh Thống lên kế hoạch cùng một số hộ dân khác mua chung một con lợn khoảng 50 - 60kg về đụng, chia nhau ăn mấy ngày Tết.

Để giúp bà con nhanh chóng có chỗ ở, UBND huyện Đà Bắc, UBND xã đã huy động bộ đội, công an, dân quân đến kè móng, dựng nhà, lợp mái cho các gia đình neo người. Đến nay, sau hơn 1 năm sinh sống trên mảnh đất mới, cuộc sống dần hồi sinh trở lại. “Tuy ổn định chỗ ở, nhưng không còn ruộng trồng lúa, trồng ngô. Chúng tôi đang cố gắng giúp các hộ sớm có đất SX, tìm mua con giống, cây giống phát triển kinh tế”, ông Thích phân trần.

 

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm