Gần 85.000 ngôi nhà bị nhấn chìm
Trong đợt lũ đặc biệt lớn vừa qua trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 85.000 ngôi nhà bị ngập lụt từ 1 - 2,5m, một số nơi thậm chí nước lũ còn dâng cao hơn. Đến ngày 16/10, nước lũ vẫn chưa rút hết khi ngoài kia cơn bão số 8 đang tiến vào miền Trung.
Tại huyện Phú Vang (tỉnh Thừa Thiên - Huế), toàn bộ các thôn Thanh Tiên, Tiên Nộn của xã Phú Mậu ngập sâu trong lũ, nhiều lực lượng công an, quân đội và người dân địa phương bất chấp ngày đêm luôn có mặt tại rốn lũ để cứu dân, do ở ngã ba Sình ở xã Phú Mậu là nơi dòng nước hợp lưu ngã ba sông chảy như thác cuộn. Nước từ thượng nguồn đổ về khiến lòng sông mở rộng ra thêm vài cây số so với ngày thường.
Ông Kim Đình Phước (70 tuổi, trú thôn Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) cho biết, hiếm khi chứng kiến cơn lũ lớn như đợt này. Vốn quen nghề sông nước, người dân Phú Mậu đã chuẩn bị chu đáo từ trước nhưng vẫn ngạc nhiên khi thấy lũ lên nhanh như vậy.
"Không có thiệt hại về người nhưng heo, gà của người dân không có chỗ tránh trú đều bị chết sạch. Toàn bộ khu vực đều bị mất điện, giao thông chia cắt, không có nguồn tiếp tế thực phẩm, nước uống nên người dân rất khó khăn. Nếu ngập lụt cứ tiếp tục kéo dài sẽ rất căng thẳng", ông Phước lo lắng.
Theo ông Lê Đức Lộc, Phó chủ tịch UBND huyện Phú Vang, hiện tại một số xã hạ lưu sông Hương như Phú Thanh, Phú Mậu, và các xã vùng trũng như Phú Lương, Phú Hồ nước đã xuống nhưng một số khu vực vẫn còn đang ngập. Muốn vào các khu vực này phải dùng thuyền, ca nô quân đội, công an. Vì thế cả huyện đã thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân vùng rốn lũ.
Trong khi đó, tại huyện Quảng Điền những ngày qua lượng mưa rất lớn, lũ trên các sông tăng nhanh khiến nhiều địa phương thấp trũng bị chia cắt. Hàng ngàn ngôi nhà chìm trong nước lũ. Theo thống kê, đợt lũ vừa qua toàn huyện có 16.228 nhà ngập với độ sâu từ 0,5 - 1,8m, hơn 133ha rau màu thiệt hại hoàn toàn. Đến nay, nhiều khu vực của huyện này nước lũ vẫn chưa rút hết. Người dân phải di chuyển trên nhiều tuyến đường ngập nước đầy những nguy hiểm rình rập.
Những tuyến đường chính như Nguyễn Vịnh, đường tỉnh lộ 11A, tỉnh lộ 4B ngập sâu 1,5 - 1,8m, mọi phương tiện đi lại chủ yếu bằng ghe thuyền. Đến nay, dù nước đã xuống phần nào nhưng vấn đề lương thực, thực phẩm cho người dân vùng lũ huyện Quảng Điền là bức thiết. Để dân không bị thiếu đói, lực lượng quân đội, công an với những phương tiện đặc chủng, đảm bảo an toàn đã hỗ trợ đưa nhiều đoàn cứu trợ cùng hàng hóa, thực phẩm đến người dân vùng lũ.
Ông Trần Quốc Thắng, Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền nhận định, địa bàn ngoài thấp trũng còn có nhiều khu vực dân cư nằm ven sông, ven phá, nguy cơ mất an toàn trong lũ lụt rất cao. Một bộ phận người dân còn chủ quan, đánh bắt thủy sản trong khi nước lũ dâng cao, chảy xiết.
“Lương thực là cần thiết, nhưng căng thẳng nhất, nguy cơ mất an toàn tính mạng người dân mới là vấn đề đáng lo ngại hơn lúc nào hết. Mặc dù đã được cảnh báo từ xa, từ sớm cùng với sự chủ động ứng phó của người dân, các cấp, ngành nhưng một bộ phận nhân dân vẫn còn chủ quan, lơ là dẫn đến tai nạn thương tâm”, ông Thắng cho hay.
Lũ chồng lũ, tang thương chồng tang thương
Ngày 15/10, đoàn của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã đến thăm gia đình sản phụ Hoàng Thị Phượng ở xã Phong An, huyện Phong Điền, người bị bị lũ cuốn trôi khi đang trên đường đi sinh.
Trước đó, khi nước lũ đang dâng cao thì sản phụ Hoàng Thị Phượng có dấu hiệu trở dạ nên được chồng thuê thuyền đi sinh ở Trạm Y tế xã. Thuyền đi được một đoạn thì sản phụ bị rơi xuống nước và bị nước lũ cuốn trôi. Phát hiện vụ việc, một số người dân gần đó chạy đến ứng cứu nhưng do lũ lớn, không có phương tiện cứu hộ nên đành bất lực.
Đau thương nào sánh bằng khi chị Phượng ra đi trong hoàn cảnh éo le, đứa trẻ sắp sinh cũng tử vong theo người mẹ khi thời gian chào đời được tính bằng giờ. Cảm thông với hoàn cảnh gia đình, đoàn Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đã đến thăm và trao tặng 4 triệu đồng cho gia đình sản phụ Phượng. Món quà tuy nhỏ nhưng phần nào giúp người thân của nạn nhân vượt qua khó khăn trước mắt.
Trước đó, nhiều đoàn của tỉnh Thừa Thiên - Huế và huyện Phong Điền cũng đã kịp thời gửi lời động viên, chia sẻ và hỗ trợ nhiều phần quà ý nghĩa giúp gia đình chị Phượng vơi bớt mất mát.
Sản phụ Hoàng Thị Phượng chỉ là một trong 9 người tử vong và 8 người bị thương do mưa lũ (chưa tính những nạn nhân vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3) ở tỉnh Thừa Thiên - Huế. Đây là một con số đầy thương tâm, bởi trước đó tỉnh đã tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống thiên tai trước khi mưa lũ tràn về.
Trong khi cả tỉnh đang tập trung ứng phó và khắc phục mưa lũ thì liên tiếp tin xấu từ hiện trường vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 dội về. Tối 15/10, toàn bộ 13 thi thể trong nhóm 21 người trong đoàn cứu hộ Rào Trăng 3 gặp nạn ở Trạm Kiểm lâm 67 đã được tìm thấy. Trong đó có thiếu Tướng Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, ông Nguyễn Văn Bình, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Đây là 2 nạn nhân trong số 21 thành viên đoàn cứu hộ lên khu vực thủy điện Rào Trăng 3 ngày 12/10. Tang lễ chung cho các nạn nhân vừa được tìm thấy sẽ được tổ chức tại Bệnh viện Quân y 268, đường Mang Cá, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Khi mực nước trên nhiều sông Bồ, sông Hương vẫn còn khá cao, nhiều vùng thấp trũng vẫn đang còn chìm trong nước thì vào trưa 16/10, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục phát đi văn bản cảnh báo lũ quét, sạt lở và ngập úng trên địa bàn tỉnh.
Học sinh trên toàn tỉnh cũng sẽ được cho nghỉ học từ ngày mai (17/10) để đảm bảo an toàn trước diễn biến phức tạp của tình hình mưa bão.
Trước đó, UBDN tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đã phát đi công điện về ứng phó với mưa lũ. Theo đó, chính quyền yêu cầu người dân nên chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm trong 3 - 5 ngày; sạc đầy thiết bị trữ năng lượng, pin dự phòng... Các gia đình đã kê cao đồ đạc từ đợt lũ trước tốt nhất hạn chế hạ đồ xuống đề phòng diễn biến phức tạp của thời tiết. Người dân sinh sống tại các vị trí dễ xảy ra sạt lở, cần di dời đến nơi an toàn, tuyệt đối không được ở lại nhà vì các khu vực này mưa quá lớn từ trước, nước đã ngâm lâu ngày.
Trong ngày 16/10, tại hiện trường sạt lở thủy điện Rào Trăng 3, lực lượng chức năng tiếp tục điều động xe cơ giới để thông tuyến đường 71 từ xã Phong Xuân lên thủy điện Rào Trăng 3, nơi những công nhân thủy điện này mất liên lạc kể từ ngày 12/10 đến nay. Đến cuối giờ chiều 16/10, thông tin từ hiện trường cho biết, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể thứ 2 trong số 17 công nhân mất tích của thủy điện Rào Trăng 3.
Do ảnh hưởng của bão số 8, trong chiều 16/10, thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đã dừng tìm kiếm các công nhân thủy điện Rào Trăng 3 bằng đường thủy.
Thêm một đêm nữa, số phận của những nạn nhân trong vụ sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 lại càng mong manh. Những tia hi vọng đang cạn dần theo thời gian!